WHO cảnh báo về thảm họa y tế sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria

Nhật Minh| 10/02/2023 07:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tình trạng đói rét và tuyệt vọng đang bủa vây hàng trăm nghìn người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria mất nhà cửa sau trận động đất kinh hoàng hôm 6/2. Tổng số nạn nhân thiệt mạng ở cả hai nước đã là 19.362 người và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.

The The Guardian, cập nhật mới nhất về số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ở hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào sáng 6/2 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã có 16.170 người chết ở nước này, nâng tổng số người chết ở cả hai nước là 19.362. Nguồn tin chính phủ Syria và nhóm phiến quân ở khu vực Tây Bắc nước này cho biết có 3.162 người chết tại Syria trong trận động đất.

Con số này cao hơn hẳn so trận động đất năm 1999 có cùng độ lớn 7,8 ở miền Tây Bắc nước này khiến 17.000 người thiệt mạng.

Số nạn nhân được dự báo sẽ còn tăng khi công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn đang chạy đua với thời gian tìm kiếm người mắc kẹt trong các đống đổ nát giữa lúc thời tiết lạnh giá và hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đã bước sang ngày thứ tư.

Giới chức cho biết trận động đất đã khiến khoảng 6.500 tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ bị sập và phá hủy vô số công trình kiến trúc trong vùng đất là nơi sinh sống của khoảng 13 triệu người.

WHO cảnh báo về thảm họa y tế sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria

Hiện trường kinh hoàng sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Ông Robert Holden, quan chức xử lý thảm họa động đất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nhiệm vụ khẩn cấp hiện này là tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo những người sống sót trong thảm họa vẫn tiếp tục sống.

The ông Holden, có quá nhiều người đang phải sống trong trong tình cảnh ngày càng tồi tệ, từ thiếu thốn đồ ăn, nước uống đến nhiên liệu, thông tin liên lạc. Ông cảnh báo về mối đe dọa dịch bệnh sau động đất có thể là một thảm họa khác, đẩy nhiều người vào tình cảnh còn nghiêm trọng hơn nếu cộng đồng quốc tế không có hành động ngay lập tức. Ông thừa nhận đây là một nhiệm vụ không dễ dàng.

Trước đó, ngày 8/2, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO sẽ cử phái đoàn đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn tại hai quốc gia chịu thiệt hại nặng nề trong trận động đất mạnh hồi đầu tuần. Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, WHO cũng sẽ cử 3 máy bay chở vật tư y tế đến các khu vực bị động đất tàn phá, trong đó một chuyến bay đang trên đường đến thành phố Istabul của Thổ Nhĩ Kỳ. Đại diện của WHO tại Syria, Tiến sĩ Iman Shankiti cho biết "nhu cầu về y tế là rất lớn".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh James Cleverly ngày 8/2 cũng cho biết nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có lều bạt và chăn màn để giúp những người sống sót trong điều kiện thời tiết giá lạnh ở các quốc gia này. Theo Chính phủ Anh, hàng cứu trợ sẽ đáp ứng nhu cầu của khoảng 15.000 người.

Ngày 9/2, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đang tiến hànhh các bước để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khoản hỗ trợ và phục hồi tài chính trị giá 1,78 tỷ USD.

Thông báo cho biết khoản hỗ trợ trị giá 780 triệu USD sẽ được gửi ngay lập tức cho Ankara, trong khi các khoản vay khác thuộc gói cứu trợ nêu trên sẽ được chuyển sang hai dự án vay vốn của WB tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, người phát ngôn của WB cho biết một khoản viện trợ khác trị giá 1 tỷ USD để giúp Thổ Nhĩ Kỳ phục hồi và tái thiết cũng đang được chuẩn bị, nhưng cần thời gian để dàn xếp.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu để thảo luận về cách Washington có thể hỗ trợ Ankara và Syria sau trận động đất. Thông báo cho biết: "Đây là nỗ lực nhằm làm rõ xem phía Thổ Nhĩ Kỳ cần hỗ trợ gì từ phía Mỹ".

Trong khi đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cùng ngày thông báo sẽ cung cấp khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 85 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Đức tuyên bố sẽ tăng thêm 26 triệu euro (28 triệu USD) tiền viện trợ nhân đạo cho Syria để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân sau trận động đất kinh hoàng khiến hơn 3.200 người thiệt mạng.

Theo tuyên bố từ Đại sứ quán Đức ở Beirut, số tiền trên là đặc biệt cần thiết để hỗ trợ các khu vực ở Tây Nam bị ảnh hưởng nặng nề, nơi sinh sống của những người Syria mất nhà cửa do cuộc nội chiến kéo dài 12 năm tại nước này. Tuyên bố nêu rõ: “Đức có thể phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, vốn đang cung cấp viện trợ nhân đạo mở rộng ở khu vực Tây Bắc Syria.

Ngày 9/2, đoàn xe cứu trợ đầu tiên đã có mặt tại khu vực Tây Bắc Syria do phe đối lập kiểm soát. Người phụ trách truyền thông tại cửa khẩu Bab al-Hawa, ông Mazen Alloush cho biết đoàn cứu trợ của Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến vào lãnh thổ Syria. Trong khi đó, một phóng viên của hãng tin AFP cho biết đã nhìn thấy 6 xe tải mang theo lều bạt và các sản phẩm vệ sinh đã đi qua cửa khẩu Thổ Nhĩ Kỳ.

Các máy bay chở hàng viện trợ từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga, Iran và các quốc gia khác đã tới các sân bay do Chính phủ Syria kiểm soát ở Damascus, Aleppo và Latakia từ đầu tuần qua. Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm những người sống sót còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Trong tuyên bố ngày 9/2, LHQ nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh "chính trị hóa" viện trợ cho các nạn nhân động đất ở Syria, quốc gia đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế, đồng thời hối thúc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đảm bảo công tác viện trợ "không có trở ngại nào".

Ông Geir Pedersen, Đặc phái viên của LHQ về Syria, nhấn mạnh cần đưa viện trợ đến các khu vực do chính quyền Damascus kiểm soát cũng như những khu vực do lực lượng đối lập nắm giữ để khắc phục hậu quả của động đất.

Trận động đất hôm 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã phá hủy hàng nghìn ngôi nhà ở hai bên biên giới. Các khu vực quanh cửa khẩu biên giới hiện nay đã bị hư hại nghiêm trọng do động đất. Cơ quan xếp hạng  Fitch ngày 9/2 cho rằng trận động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể gây thiệt hại kinh tế hơn 4 tỷ USD.

Trong diễn biến liên quan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 9/2 cho biết vào tháng 3 tới, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch tổ chức hội nghị tài trợ quốc tế để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả của trận động đất. Bà nhấn mạnh cần đẩy nhanh và mạnh cùng lúc hainhiệm vụ cứu người bị nạn và cung cấp cứu trợ nhân đạo.

Liên quan hoạt động cứu trợ, Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị mở thêm 2 cửa khẩu biên giới với Syria để cho phép thêm viện trợ nhân đạo vào quốc gia láng giềng này.

Hiện chỉ có cửa khẩu Bab al-Hawa tại tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ đang được mở để hàng viện trợ nhân đạo có thể đến được khu vực Tây Bắc Syria do phe đối lập kiểm soát. Phát biểu với báo giới ngày 8/2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết một số con đường đi sang Syria đang bị hư hại, gây khó khăn cho việc tiếp cận của các đoàn cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ và quốc tế. Trước tình hình này, Thổ Nhĩ Kỳ đang xúc tiến mở thêm 2 cửa khẩu nữa tại khu vực Chính phủ Syria kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WHO cảnh báo về thảm họa y tế sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria