Mấy ngày vừa qua, mưa lũ bao trùm khắp miền Trung. Tình trạng ngập lụt diễn ra ở nhiều nơi, từ Hà Tĩnh, Quảng Bình cho đến Quảng Nam, Quảng Ngãi. Chính vì thế mà các đơn vị Tòa án đóng chân trên những địa bàn này cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Khó khăn vây bủa
Nếu nói miền Trung là “tâm bão” của cả nước thì Quảng Bình là một trong những “rốn lũ” của miền Trung. Hàng vạn ngôi nhà, hàng ngàn ha hoa màu, bờ xôi ruộng mật cùng với hàng triệu bữa ăn của đồng bào bị nhấn chìm trong bụng nước. Khắp vùng đất nằm ven sông Nhật Lệ này đâu đâu cũng một màu trắng xóa. Chính quyền cùng với các ban ngành ở đây đã và đang phải gồng mình lên cùng với người dân chống lũ.
Thiệt hại nặng nề nhất phải kể đến những huyện như Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và đặc biệt là Lệ Thủy. Nước giăng trắng xóa từ những làng bản biên giới cho đến các thôn xóm hạ du. Ca nô, tàu cứu hộ chạy phành phạch trên những khoảng không vốn là vườn cây, ao cá, thậm chí là nóc nhà của người dân để tìm kiếm và cứu hộ những người mắc nạn.
Chánh án TAND huyện Lệ Thủy Nguyễn Thanh Hải đi ủng hộ lũ lụt
Đóng chân địa bàn như thế nên TAND huyện Lệ Thủy cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. “Ngay sau khi nắm tình hình qua dự báo thời tiết, biết được đơn vị có nguy cơ nằm ở “rốn lũ”, anh em trong cơ quan đã chủ động trong công tác phòng chống. Hồ sơ, bàn ghế, trang thiết bị máy móc được di chuyển lên tầng cao. Lịch ứng trực được phân công cụ thể. Đồng thời, lãnh đạo đơn vị cũng quán triệt đến anh em cần nghiêm túc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” khi chống lũ tại gia đình. Tuy nhiên, do diễn biến lũ quá sức dự liệu nên không thể tránh được thiệt hại. Hầu như gia đình cán bộ nào cũng bị thiệt hại về tài sản”, Thẩm phán Nguyễn Thanh Hải, Chánh án TAND huyện Lệ Thủy, chia sẻ.
Cũng theo anh Hải, TAND huyện Lệ Thủy có 13 cán bộ, công chức, người lao động thì có đến 10 gia đình bị ngập nặng, ngập sâu. Trong đó gia đình các đồng chí Phó Chánh án Trương Thị Nhàn, Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hương và Thẩm phán Nguyễn Ngọc Sơn nhiều thời điểm bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài.
Có ngày trời dội mưa từ sáng đến chiều, cộng thêm nước từ thượng nguộn đổ về, nhà chị Hương ngập lên tận nóc. Nửa đêm anh em phải hô hào gọi thuyền cứu hộ đưa cả gia đình chị đến trú tạm ở trụ sở cơ quan. Người cứu được, nhưng tài sản thì không. Tất cả đều trôi theo dòng nước. Sau lũ, chắc chắn chị Hương sẽ phải mua sắm lại từ đầu, từ cái bát ăn cơm cho đến nồi, niêu, xoong chảo.
Còn đêm trước đó, gia đình anh Hoàng Quảng Sáu, bảo vệ, cũng phải đến tá túc nhờ ở cơ quan. Bởi nhà anh “nước dâng theo giờ”, từ sáng đến chiều là “còn chừa mỗi nóc”. Bố mẹ anh Sáu đều trên 80 tuổi, mấy hôm mưa rét, ông bà đều đổ bệnh. Ông thì hôn mê, bà thì sốt. Anh em phải gọi nhờ thuyền đưa ông lên bệnh viện tuyến trên.
Cực chẳng đã, cộng với phương châm “tính mạng là trên hết”, anh Hải phải báo cáo với lãnh đạo cấp trên, xin phép cho anh em trong đơn vị tạm dừng công việc chuyên môn để tập trung vào công tác phòng chống thiên tai. Ngoài chống ngập lụt cho gia đình, hầu hết anh em đều tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn ở khu dân cư mình sinh sống. Người thì giúp bà con, chòm xóm kê dọn đồ đạc, người thì “xung” vào “đội quân” đi phát thức ăn, nước uống, đưa dẫn các đoàn từ thiện tìm đến với người dân.
Đến ngay như anh Hải, suốt mấy ngày nước lớn, ngày nào cũng ngồi thuyền, rẽ nước mang hàng cứu trợ đến những nơi mà người dân đang trú ngụ. Mì tôm, lương khô, nước suối... được mua từ tiền đóng góp của anh em trong cơ quan, từ tiền vận động tài trợ, từ tiền bạn bè ủng hộ. Đêm nào về đến nhà anh cũng chỉ kịp thay ra bộ quần áo ướt rồi tranh thủ chợp mắt, sáng sau lại tiếp tục lên thuyền.
“Chả cứ gì tôi mà tất cả anh em trong cơ quan đều tâm niệm, mình làm vì lương tâm, bản thân mình thôi thúc chứ hoàn toàn không phải làm theo phong trào, không phải là “làm màu” hay “lấy số”. Vì đơn giản, ngoài “vai” cán bộ Tòa án thì chúng tôi cũng là một người dân, cũng có hàng xóm, láng giềng, anh em, bè bạn. Trong lúc người ta gặp khó khăn, mình giúp được gì thì cố gắng thôi. Mà ở đây ai cũng vậy. Người khó ít giúp người khó nhiều, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Tất cả đều kề vai, sẻ chia trong bão lũ”.
Nhưng kể cả khi lũ đã rút, sự vất vả, nhọc nhằn của anh em trong Tòa án huyện cũng chưa phải là chấm dứt. Khi đó, mọi người lại tất tả, tập trung vào công tác khắc phục để làm sao sớm quay lại với công việc thường nhật. Từ ổn định cuộc sống gia đình, thu gom, nhặt nhạnh những gì mà lũ... bỏ quên, cho đến vệ sinh, lau dọn cơ quan. Cả khối lượng công việc đồ sộ đang chờ, nhưng tất cả anh em đều động viên, an ủi nhau: “Thôi, cứ cố gắng rồi mọi chuyện sẽ qua. Quan trọng nhất là không mất mát về người”.
Tập sống chung với lũ
Chả cứ gì TAND huyện Lệ Thủy, mà hầu hết các đơn vị Tòa án đóng chân trên địa bàn từ Hà Tĩnh trở vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi đều bị ảnh hưởng từ mưa lũ. Bất kể là miền núi hay miền biển, thị xã hay thành phố. Nếu như vùng cao lo sạt lở, lũ cuốn thì vùng thấp lo gió giật, triều cường. Khó khăn nào cũng chất cao.
Và điều đáng nói là những khó khăn từ “trên trời rơi xuống” đó không phải năm nay mới xuất hiện, mà nó diễn ra gần như mang tính chất... định kỳ. Bởi, do nằm “tâm bão”, nên trung bình mỗi năm khu vực miền Trung phải hứng chịu đến 4-5 cơn bão, cả lớn lẫn nhỏ. Sống chung với mưa lũ thành quen, cứ thấy dự báo sắp có bão tràn bờ, anh em lại sốt sắng, tất bật xây dựng và triển khai thực hiện các phương án phòng chống. Tuy chu toàn là vậy, song trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên, đôi khi sức người, thậm chí là phận người cũng chỉ giống như cỏ rác.
Anh Trương Trọng Tiến, nguyên Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam, chia sẻ, đối với những địa phương hay phải hứng chịu thiên tai như khu vực miền Trung thì người cán bộ Tòa án phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Mùa hè thì nắng nỏ, cháy da cháy thịt. Mùa bão thì giông gió, lũ ống, lũ quét, mưa rừng, sạt lở. Nhất là ở những huyện miền núi, biên giới. Mỗi lần cán bộ xuống địa bàn đều có “nguy cơ” biến thành “dấu ấn đáng nhớ” trong đời.
Đến giờ, anh Tiến vẫn còn nhớ kỷ niệm về trận lũ lịch sử năm 1999. Khi đó, anh là Thẩm phán xét xử một bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Phước Sơn được di lý về xét xử tại Tam Kỳ. Theo dự báo, phải 3-4 hôm nữa bão mới tràn về, thế là anh em động viên nhau hôm sau vẫn tổ chức phiên tòa theo đúng lịch. Bởi nếu hoãn, bao công sức chuẩn bị trước đó như tống đạt, dẫn giải bị cáo, chôn cột căng phông dựng hội trường..., sẽ “đổ sông đổ biển”.
Hôm diễn ra phiên tòa, trời mưa to, cộng với nước từ thượng nguồn tràn về ngập lênh láng phòng xử. Hội đồng xét xử ngồi ghế, nước ngập ống chân. Đại diện Viện Kiểm sát cũng bì bõm đứng trong nước để đọc cáo trạng. Vành móng ngựa trôi bồng bềnh, bị cáo được cho phép... đứng trên ghế khai báo. Vợ con bị cáo cũng được đứng trên ghế xem tòa xử.
Phiên tòa cứ thế diễn ra trong khi bên ngoài trời mưa tầm tã. Sau khi kết thúc, anh em trong đoàn chỉ kịp thu dọn vài thứ đồ đạc thiết yếu rồi tìm nơi tránh trú. Còn phông bạt, bàn ghế bị gió quăng quật rồi nước lũ cuốn đi bằng hết. Phải chờ đến hôm sau, khi bão tan, lũ rút thì anh em trong đoàn mới trở về...
Thế mới thấy được sự vất vả, gian lao mà người cán bộ Tòa án ở “tâm bão”, “rốn lũ” miền Trung phải vượt qua. Để tổ chức một phiên tòa lưu động, một buổi tuyên truyền pháp luật, hoặc đơn giản chỉ là đi tống đạt quyết định của Tòa, ngoài việc phải lên kế hoạch phối kết hợp với các cơ quan ban ngành, anh em đều phải tính đến yếu tố thời tiết.
“Ám ảnh và khó khăn nhất trong các chuyến đi như thế có lẽ là chuyện giao thông, đi lại. Bởi, phần lớn những con đường ở miền núi đều hung hiểm. Có khi một bên thành vách dựng trời, bên kia vực sâu hun hút. Thậm chí có những đoạn dốc dác tới mức mà khi người ta nhìn từ phía dưới lên, đường cứ như từ... trên trời rót xuống. Không may mà gặp mưa gió hay bão lũ thì khổ vô cùng”, anh Clâu Thìn, Thư ký của TAND huyện Tây Giang, Quảng Nam, chia sẻ.
Anh Thìn kể, có lần anh nhận nhiệm vụ mang giấy triệu tập cho một đương sự ở xã A Xan, giáp nước bạn Lào. Đường từ trung tâm huyện vào xã mới vỡ, bé như bụng ngựa, nhiều đoạn đã bị mưa rừng nhấn thụt hẳn xuống thung sâu. Khi mới đi được nửa đường thì trời đổ mưa sầm sập. Suốt bốn, năm tiếng đồng hồ, nước từ trên cao dội xuống không ngừng nghỉ tạo thành những con lạch nhỏ như hàng trăm, hàng ngàn mũi khoan siết vào con đường đất. Chẳng mấy chốc, đoạn đường phía trước, phía sau đoàn hoàn toàn bị nhấn chìm trong biển nước.
Tiến thoái lưỡng nan, anh Thìn đành phải tìm rồi trèo lên chỗ cao để tránh trú. Lúc đó hầu như anh đã xác định “đêm nay ăn rừng ngủ thác”. Cũng may sau đó có một người dân ở gần đó đi ngang qua và dẫn anh về nhà họ ngủ nhờ. Sáng hôm sau anh tiếp tục lên đường. Nhưng do đường trơn, anh vừa đi đẩy suốt cả chục kilomet. Đến nơi, đương sự là người Cơ Tu, tiếng phổ thông chữ hiểu chữ không, anh lại phải cất công ra Ủy ban xã nhờ cán bộ vào phiên dịch. Mãi rồi đương sự mới chịu ký nhận...
Quả thật, rất khó để thống kê hay kể ra hết những khó khăn, vất vả mà các cán bộ Tòa án ở khu vực hay xảy ra bão lũ phải vượt qua. Chỉ biết rằng, để hoàn thành nhiệm vụ, họ đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều.