Mới đây, TAND huyện Thuận Nam, Ninh Thuận đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Chở trú tại xã Phước Ninh về hành vi chống người thi hành công vụ.
Theo cáo trạng của VKSND huyện Thuận Nam xác định xuất phát từ việc cho rằng dự án điện năng lượng mặt trời Phước Ninh thi công trên phần đất của mình mà không đền bù nên ngày 13/06/2020, ông Nguyễn Văn Chở đã treo 5 băng rôn tại Km 1575+620 m để phản đối dự án.
Thực hiện các kế hoạch số 90, 51 của UBND huyện Thuận Nam và số 61 của Ban An toàn giao thông huyện về việc kiểm tra, giải toả vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ và theo phản ánh của cử tri nên khoảng 15h ngày 20/6/2020 tại khu vực đoạn Km 1575+620m, QL1A thuộc thôn Quán Thẻ 1, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, ông Trần Văn Hoà, công chức thanh tra cùng ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thuận Nam, ông Đinh Phong Thanh, Trưởng phòng Văn hoá thông tin, đại diện UBND xã Phước Minh lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với ông Nguyễn Văn Chở. Tuy nhiên, cáo trạng cho biết ông đã chửi bới, xô đẩy, dùng cây tre đánh vào người ông Hoà, dùng đá ném về hướng ông Thanh. Đồng thời, ông Chở còn cản trở các thành viên làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Cáo trạng nhận định hành vi của ông Chở đã xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của người đang thi hành công vụ, xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước…Vì vậy, VKSND huyện Thuận Nam đã xác định ông Chở phạm vào tội “Chống người thi hành công vụ”.
Sau khi lắng nghe bản cáo trạng, trả lời HĐXX, bị cáo Chở cho rằng VKSND huyện Thuận Nam quy kết có những điểm chưa đúng. Theo ông Chở hôm xảy ra sự việc có 1 nhóm người vào nhà yêu cầu ông tháo băng rôn. Ông Chở đề nghị nhóm người này xuất trình giấy tờ để chứng minh nhưng không đưa ra được. Sau đó có 1 người vào giật băng rôn đang treo trước cổng nhà nên mới cản trở. “Tôi có nói với nhóm người này nếu xuất trình được giấy tờ thì sẽ chấp hành. Họ đến khu đất nhà tôi vào thứ 7, không có thẻ công chức hay bảng tên, nếu có thẻ hay giấy tờ gì tôi sẽ chấp hành chứ không chống đối ai cả...Tôi không hề có mâu thuẫn gì với nhóm người này. Việc tôi căng băng rôn là để phản đối doanh nghiệp lấy đất không đền bù chứ không phản đối chính quyền, nhà nước...”- bị cáo Chở khai trước Toà.
Tiếp tục trả lời HĐXX, bị cáo cho biết hoàn toàn không đánh, cầm đá hay chuẩn bị gậy để đánh người. Trong lúc giằng co băng rôn từ tay ông Hoà, ông Chở vung nhưng không trúng ai cả...Đồng thời, bị cáo chỉ cầm cây là cán băng rôn đánh vào bọc băng rôn, không đánh vào người ai.
Sau đó HĐXX đã cho trình chiếu clip ghi lại diễn biến sự việc cho toàn bộ người chứng kiến, tham dự phiên toà. Qua đó, lời khai của bị cáo Chở đã được thể hiện.
Tiếp tục làm rõ lời khai của bị cáo chở, HĐXX hỏi những người làm chứng là ông Hoà, Lập, Tình. Cả 3 nhân chứng này đều cho rằng mình thực hiện theo các kế hoạch của UBND huyện nên mới đến nhà ông Chở. Khi đến nhà đã vận động, thuyết phục nhưng không được gia đình đồng thuận. Sau đó tổ công tác có lập biên bản thì ông Chở không ký. Đoàn tiến hành tháo dỡ thì bị ông Chở dùng dùng đất đá ném tổ công tác và dùng băng rôn đánh vào bả vai ông Hoà.
Còn nhân chứng Chuyên (con trai ông Chở) lại khẳng định: “Việc ông Tình khai có ông Chơn ra tiếp đón là không đúng vì ông Chơn đang ở sau nhà. Chỉ có mình tôi ra mở cửa và không biết đó là ai. Tôi chỉ biết đồng chí Tình, sau đó tôi gọi điện cho bố về...Khi bố tôi về có yêu cầu nhóm người này cung cấp văn bản, giấy tờ hay kế hoạch thực thi công vụ thì không ai cung cấp được.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của VKS và Luật sư bào chữa, bị cáo Chở đều khẳng định hoàn toàn không biết nhóm người này là ai. Bị cáo có nhìn thấy anh Hoà đeo thẻ ở ngực nhưng không biết thật hay giả. Bị cáo có yêu cầu tổ công tác xuất trình giấy tờ công vụ thì sẽ chấp hành nhưng không đưa bất cứ giấy tờ. Tổ công tác có yêu cầu ký biên nhưng ông Chở không biết nội dung nên không ký. Theo bị cáo việc giằng co chỉ nhằm mục đích giữ lại tài sản của gia đình.
Tại phần tranh luận, đại diện VKSND huyện Thuận Nam cho rằng căn cứ vào các tài liệu và diễn biến phiên toà đủ cơ sở xác định bị cáo Chở phạm vào tội “Chống người thi hành công vụ. Việc lập các biên bản hành chính của tổ công tác tại nhà ông Chở là đúng trình tự.
Đối đáp lại quan điểm này Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, người bào chữa cho ông Chở cho biết, căn cứ vào clip được trình chiếu công khai tại toà đã thể hiện ông Chở có cầm cây làm cán băng rôn vung về phía trước ông Hoà. Tuy nhiên, tại các biên bản lời khai, ông Hoà lại khai bị thương ở bả vai phía sau. Vậy vết thương của ông Hoà hình thành do đâu.
Đồng thời việc thu thập chứng cứ là tất cả các kế hoạch số 51, số 90, số 61, số 38 theo viện dẫn của VKS Thuận Nam để buộc tội bị cáo có dấu hiệu không được thu thập theo đúng trình tự. Trong hồ sơ vụ án vụ án không có các biên bản giao nhận kiểm tra, đánh giá nào thể hiện việc thu thập các văn bản theo đúng trình tự pháp luật.
Bên cạnh đó, tại toà, ông Hoà đã khẳng định biên bản xử phạt ông Chở được kết thúc lúc 15h45p ngày 20/6. Tuy nhiên, chứng cứ luật sư thu thập được lại là đoạn clip xuất hiện vào lúc 16h45p. “Như vậy, có thể thấy rằng tới thời điểm biên bản được lập xong, có ghi rõ thời điểm kết thúc lúc 15h45p trách nhiệm làm việc của tổ công tác đã hết. Vậy tại sao 1 đoạn clip sau đó có hành vi ông Chở đánh ông Hòa lại được dùng để làm chứng cứ buộc tội”- Luật sư nêu quan điểm.
Đồng thòi, đối với vụ án này khi đoàn công tác đến nhà của bị cáo cho dù với bất kỳ lý do nào lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, hay cưỡng chế thì về mặt hình thức, tác phong...phải cho người dân được biết mình đang là người thi hành công vụ. Tuy nhiên, một số thành viên của đoàn công tác lại không đeo bảng tên, thẻ công chức… Trong quá trình làm việc, bị cáo Chở cho rằng đây là tổ cưỡng chế, liên tục yêu cầu xuất trình các giấy tờ đầy đủ theo quy định nhưng tổ cưỡng chế không xuất trình.
Đồng thời tổ công tác lại làm vào chiều Thứ 7 là khoảng thời gian mà công chức, viên chức nghỉ ngơi theo quy định thì không có lý do gì để bắt một người nông dân nhận thức được đây những người đang thi hành công vụ để có cách hành xử thích hợp. Với những quan điểm này, Luật sư Bình đề nghị Toà trả hồ sơ để điều tra làm rõ các tình tiết như đã nêu.
Sau khi quan điểm trình bày của các bên, sau thời gian nghị án, HĐXX đã cho rằng hành vi của bị cáo thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, không nhất thiết phải cách ly ra khỏi xã hội. Vì vậy, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 9 tháng cải tạo không giam giữ, giao cho địa phương thực hiện quản lý, giáo dục.