Khi người người, nhà nhà sum vầy chuẩn bị đón Tết, cũng là thời điểm những người lính biên phòng Kiên Giang vẫn “vượt nắng thắng mưa” tuần tra, mật phục trên từng mét đất biên giới để vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và bảo vệ sự bình yên của đồng bào.
Ngay những ngày đầu Xuân Tân Sửu 2021, chúng tôi có dịp cùng đồng chí Thượng tá Doãn Đình Tránh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đi thăm các chốt phòng, chống Covid-19 trên biên giới đất liền thuộc tỉnh Kiên Giang.
Vượt quãng đường dài, khi chúng tôi đến chốt phòng, chống Covid-19 số 12, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã hơn 16 giờ chiều. Trung úy Hoàng Văn Nhân (cán bộ Đồn Biên phòng Gành Dầu, được tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại chốt gần hai tháng), vừa tay vuốt mồ hôi trên trán vừa thắp chiếc hương muỗi để vào dưới chân bàn, rồi cùng 3 chiến sĩ còn lại chuẩn bị dọn bữa cơm chiều.
Trung úy Hoàng Văn Nhân cho biết, bình thường, cán bộ, chiến sĩ của chốt ăn cơm tối sớm vì nếu muộn có rất nhiều muỗi và các loại côn trùng. Đồng thời, để anh em chuẩn bị cho việc canh gác đêm, ở đây luân phiên canh gác 24/24 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần. Kể cả khi ăn cơm, anh em cũng luôn hướng mắt về phía biên giới để theo dõi tình tình.
Đi cùng chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Đồn trưởng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cho biết thêm: Trong năm 2020, đơn vị đã thành lập 41 chốt cố định, 4 tổ cơ động, triển khai cho canh gác 24/24 giờ mỗi ngày, tăng cường tuần tra, mật phục để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép, đấu tranh với các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Trong số đó, chỉ mới có 13 chốt đã làm nhà tiền chế, còn lại là các chốt làm bằng lá dừa nước, vách bạt, chưa đủ giường ngủ cho 100% cán bộ, chiến sĩ ở các chốt. Tuy nhiên, với sự quan tâm, động viên của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp và đồng bào cả nước, cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu biên giới vẫn luôn vững chắc tay súng, đồng lòng vượt khó khăn, gác chuyện riêng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững sự bình yên cho nhân dân vui Xuân đón Tết.
“Gieo trồng cho mùa xuân nở hoa”
Rời thành phố Hà Tiên, ngược theo sông Giang Thành, chúng tôi tiếp tục hành trình bằng chiếc thuyền nhỏ để đến với các tổ, chốt thuộc các đồn Biên phòng: Phú Mỹ, Giang Thành, Vĩnh Điều, trên tuyến biên giới thuộc địa phận huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.
Trên tuyến biên giới ấy, có nhiều chốt là lều bạt, dựng bằng cây, quây bằng tăng, bạt, không nước sạch, không điện lưới, ngày nắng thì nóng, đêm gió lùa, mưa thì dột, nhưng ở đó lấp lánh sự lạc quan, yêu đời của những người lính và luôn ấm áp nghĩa tình quân - dân.
Gần 10 giờ, chúng tôi đến Chốt phòng, chống Covid-19 số 5, Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành. Khi chiếc vỏ lái đưa chúng tôi qua kênh Vĩnh Tế, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là luống hoa mười giờ đang đua nhau khoe sắc. Thiếu tá Nguyễn Đức Kiên cùng hai đồng chí xã đội và Công an xã Tân Khánh Hòa (Giang Thành, Kiên Giang), thực hiện nhiệm vụ ở chốt tranh thủ nhổ cỏ cho luống hoa mười giờ.
Thiếu tá Kiên chia sẻ: “Là những người lính Biên phòng, có thể điểm chốt còn gặp rất nhiều khó khăn về nơi ăn, chỗ ở nhưng chúng tôi vẫn luôn xác định là phải luôn gọn sạch, linh động để tăng gia sản xuất và cả trồng các loại hoa như mười giờ, cúc vạn thọ tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho chốt. Gieo trồng cho mùa xuân nở hoa”.
Khoảng 10 giờ 30 phút, từ phía dưới kênh, một người đàn ông đi về phía chốt, tay phải cầm bó rau muống, tay trái cầm túi trứng vịt đưa cho binh nhất Trương Văn Sĩ (SN 1998) đang nấu ăn ở bếp. Theo giới thiệu của Thiếu tá Nguyễn Đức Kiên thì đó là anh Nguyễn Văn Tỵ, SN 1977, là chủ của khu đất mà Chốt phòng, chống Covid-19 số 5 đang đóng quân.
Anh Nguyễn Văn Tỵ bộc bạch: “Khi biết Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành chọn vị trí trên đất nhà tôi để dựng chốt phòng, chống Covid-19, tôi và gia đình nhất trí cho đồn mượn đất. Ngoài diện tích đất để dựng chốt, tôi cho chốt mượn thêm diện tích đất xung quanh để trồng các loại rau, bầu, bí. Thấy các chú vất vả, nên lâu lâu tôi mang qua tặng ít đồ ăn mà gia đình nuôi trồng được như rau xanh, trứng vịt, con cá, con gà…mong cho các chú luôn mạnh khỏe để canh gác, tuần tra bảo vệ cho dân chúng tôi”.
Thượng tá Doãn Đình Tránh tâm sự: Những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh được nhân dân ở khu vực biên giới xem như anh em ruột thịt, hỗ trợ, giúp đỡ cả về tinh thần, vật chất trong thực hiện các nhiệm vụ.
Từ năm 2015 đến nay, có 110 tập thể, 950 lượt hộ, 3.610 lượt người dân khu vực biên giới đăng ký tự quản đường biên, cột mốc; cung cấp hàng ngàn tin tức, trong đó có hàng trăm tin có giá trị giúp cho lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ nhiều vụ việc, đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy…Đặc biệt, trong năm qua, có rất nhiều người dân đã cho BĐBP tỉnh mượn nhà, đất để làm chốt phòng chống dịch Covid-19 cũng như ủng hộ, hỗ trợ vật chất, trang bị, phương tiện đi lại, lương thực, thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ trực ở các điểm chốt.
Chị Ngô Thị Mận, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Giang Thành, tiếp lời: Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân huyện luôn dành tình cảm đặc biệt và sự sẻ chia với những người lính ở các điểm chốt. Trong năm qua, chúng tôi đã tổ chức ủng hộ cả về vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên biên giới. Trong dịp năm mới, chúng tôi sẽ phối hợp thăm, tặng quà và tổ chức các hoạt động mừng xuân, đón Tết trên các chốt để chia sẻ, góp thêm niềm vui cho các anh.
Trên đường trở về, nhìn lá cờ Tổ quốc đỏ tươi tung bay trên những điểm chốt dọc theo chiều dài biên giới, trong lòng chúng tôi sáng lên niềm tin về những điều tốt đẹp trong năm mới. Bởi chúng tôi biết rằng, nơi đó những người lính Biên phòng gác lại chuyện riêng, vượt lên gian khó, trên dưới một lòng bám trụ thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng, chống dịch bệnh với một niềm tin “gieo trồng cho mùa xuân nở hoa”.