Bộ Tài chính đã đề ra mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới năm 2021 tăng từ 10-15 bậc so với năm 2019.
Căn cứ Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, Bộ Tài chính đã đề ra mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới năm 2021 tăng từ 10-15 bậc so với năm 2019.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, trong năm 2021, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan; trong đó, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các văn bản sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định chi tiết Luật Hải quan và Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Trong năm 2021, Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ Nghị định quy định về việc thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo cơ chế một cửa quốc gia; ban hành các Nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam với các đối tác để thực hiện các Hiệp định thương mại mới được ký kết.
Cùng với đó, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan đã được cụ thể tại các chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính.
Nhằm nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục đôn đốc, điều phối các bộ, ngành thực hiện đầy đủ các giải pháp cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, gồm: Áp dụng quản lý rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hoá; Chuyển mạnh từ chủ yếu thực hiện kiểm tra tại giai đoạn thông quan hàng hoá sang chủ yếu giám sát tại thị trường nội địa; Công bố công khai danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành với mã số HS ở cấp độ chi tiết, cách thức quản lý chuyên ngành về xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng và chi phí mà doanh nghiệp phải trả; hình thức công khai phải đảm bảo phù hợp, dễ tiếp cận; Áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Song song với đó, tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất, hiệu quả tối thiểu 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, thực hiện công bố công khai, đầy đủ trên trang thông tin điện tử của bộ quản lý chuyên ngành về danh mục với mã HS tương ứng kèm theo Bảng so sánh danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước và sau khi cắt giảm theo yêu cầu của Chính phủ.