Nhịp cầu Công lý

Vụ việc hy hữu tại Bắc Giang: Đấu giá viên có bằng cử nhân luật gần 6 năm mới biết “đồ giả”

K.Lâm 19/12/2023 - 07:13

Tháng 6/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức” nhằm điều tra, làm rõ việc bà Nguyễn Ngọc Luyên sử dụng bằng cử nhân Luật bị làm giả để được cấp thẻ Đấu giá viên. Sau đó CQĐT lại ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án vì cho rằng “chưa có đủ căn cứ khởi tố bị can”. Hơn 3 năm qua, vụ án dường như vẫn nằm trong im lặng.

Không học phổ thông trung học, vẫn có nhiều bằng đại học

Năm 2020, bà P.T.L (trú tại phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang) đã có đơn tố cáo, đề nghị cơ quan Công an làm rõ và xử lý dấu hiệu của tội “Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, gây thiệt hại cho Nhà nước và công dân xảy ra tại Công ty Đấu giá hợp danh Đại dương Group (Đại dương Group- trụ sở tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Theo đơn, bà Nguyễn Ngọc Luyên (thời điểm đó là Đấu giá viên Công ty Đại dương Group) và một số người liên quan đã có dấu hiệu sửa chữa phiếu đấu giá đất, làm sai lệch kết quả đấu giá đất khiến cho bà L bị đánh “trượt” kết quả đấu giá.

dai-duong.jpg
Trụ sở Công ty Đấu giá hợp danh Đại dương Group - nơi bà Nguyễn Ngọc Luyên làm việc.

Vào cuộc xác minh, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang kết luận, chữ viết lại trong phiếu đấu giá đất của ông N.H.T (phiếu này gạch số tiền cũ và ghi lại mức tiền cao hơn tại một cuộc đấu giá do bà Nguyễn Ngọc Luyên điều hành- PV) không phải chữ viết của ông này. Nhưng do “chưa xác định được nội dung viết lại trên phiếu đấu giá của ông N.N.T là do ai viết, viết thời điểm nào” nên CQĐT kết luận “chưa đủ căn cứ xác định có dấu hiệu tội phạm hình sự”.

Đối với tố cáo bà Luyên được tuyển dụng làm giáo viên khi chưa học xong phổ thông trung học (PTTH), CQĐT kết luận, bà Luyên chưa học hết PTTH nên chưa có Bằng tú tài PTTH. Năm 2004, bà Luyên đã có hành vi thay ảnh của mình vào ảnh của em trai là Nguyễn Ngọc Luyến (SN 12/8/1978) trên Bằng tú tài PTTH do Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cấp ngày 01/12/1997. Sau đó, bà Nguyễn Ngọc Luyên đã sử dụng bằng tú tài này để nộp hồ sơ đăng ký dự thi, thi tuyển và trúng tuyển Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương 1, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở tại Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang.

don-bac-giang.jpg
Đơn của bà P.T.L phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng.

Dù đã xác định việc bà Luyên có dấu hiệu của tội “sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhưng Cơ quan CSĐT lại cho rằng, “không phải là hành vi sửa chữa Bằng tốt nghiệp để sử dụng thực hiện tội phạm” nên chỉ coi đây là vi phạm hành chính và không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà này.

Trong quá trình giải quyết đơn tố giác, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện bà Luyên sử dụng Bằng cử nhân Luật do trường Đại học Luật Hà Nội cấp có dấu hiệu làm giả nên ngày 4/6/2020 đã ra Quyết khởi tố vụ án hình sự “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Nhưng sau đó, ngày 5/10/2020, Cơ quan CSĐT lại ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án nêu trên vì cho rằng “không làm rõ được đối tượng làm giả nên chưa có đủ căn cứ xác định bị can”, đồng thời có văn bản trao đổi thông tin về việc sử dụng bằng tốt nghiệp đại học giả của Nguyễn Ngọc Luyên với Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp và Sở Tư pháp Bắc Giang để xem xét thu hồi các giấy tờ đã cấp.

Kỳ lạ kiểu học Đại học Luật “từ xa”

Lý giải rõ hơn, CQĐT cho biết, “quá trình điều tra, bà Nguyễn Ngọc Luyên cho hay có tham gia lớp Đại học Luật từ xa, khai giảng và học từ khoảng năm 2012 do một người phụ nữ tên Liên (không rõ địa chỉ) giới thiệu. Đến cuối năm 2014, bà Liên có đưa cho bà Luyên Bằng cử nhân Luật học, do Trường Đại học Luật Hà Nội cấp ngày 18/12/2014. Quá trình sử dụng, bà Luyên không biết đó là bằng giả. Hiện tại văn bằng gốc đã thất lạc…”

2.jpg
Quyết định thu hồi và hủy bỏ văn bằng tốt nghiệp đại học (ngành giáo dục mầm non) của Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đối với Nguyễn Ngọc Luyên.

Hơn 3 năm qua, vụ án trên vẫn chưa được phục hồi điều tra và dường bị “chìm” trong im lặng. Còn bà Luyên, tuy không còn được công nhận là Đấu giá viên nhưng vẫn tham gia khá tích cực, thậm chí là đứng phát biểu trên bục “đấu giá viên” trong nhiều các cuộc đấu giá do Công ty Đại dương Group tổ chức.

Còn người tố cáo thì tỏ ra bức xúc trước việc bà Luyên lần lượt được “lọt lưới” trong những vụ việc liên quan đến bằng giả, bằng bất hợp pháp như trên, đồng thời cho rằng việc điều tra “thiếu khách quan, có dấu hiệu bao che”. Ngoài ra, hậu quả vụ việc cũng không được CQĐT xem xét đánh giá đúng tính chất, mức độ bởi từ Bằng Đại học Luật học giả, bà Luyên đã được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, cấp Thẻ đấu giá viên và tham gia vào Công ty Đại dương Group để điều hành rất nhiều cuộc đấu giá tài sản nhà nước trước khi bị thu hồi Thẻ đấu giá viên. Những cuộc đấu giá được điều hành bởi một người mang bằng giả, mang trình độ giả và từng có hành vi lừa dối theo hệ thống thì liệu có đảm bảo rằng nó sẽ được minh bạch và không gây ra thiệt hại cho nhà nước, công dân? Cuộc đấu giá để xảy ra việc giả mạo kết quả trả giá của ông T. là một minh chứng.

Bình luận về vụ việc, Luật sư Ngô Thành Ba (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết, Điều 341 BLHS quy định rõ hai tội danh riêng biệt là “làm giả” và “sử dụng”. Tức là người nào chỉ cần có hành vi “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” là đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không cần đồng thời hành vi “làm giả”. Vì vậy, việc có điều tra, xác minh được người làm bằng giả hay không cũng không làm ảnh hưởng đến việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi “sử dụng” bằng giả.

Còn LS Nguyễn Trung Thành (Đoàn LS Hà Nội) thì cho biết, khi điều tra, kết luận vụ việc, CQĐT không thể hoàn toàn tin vào lời khai của đối tượng bị tình nghi, mà cần đánh giá lời khai này có hợp lý và phù hợp với các chứng cứ khác hay không. Đơn cử, bà Luyên khai học cử nhân Luật “từ xa” thì CQĐT cần làm rõ bà này theo học bằng cách nào? Giáo trình, tài liệu ra sao? Đóng học phí cho ai? Có ai làm chứng cho việc học này hay không? Bà Luyện nhận thức ra sao về việc chưa tốt nghiệp PTTH nhưng lại được cấp Bằng cử nhân?...

1.jpg
Quyết định thu hồi Thẻ đấu giá viên của Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang đối với bà Nguyễn Ngọc Luyên.

Với việc đã từng theo học Đại học sư phạm và Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chẳng lẽ bà Luyên không mảy may nghi ngờ gì về cái gọi là “học Đại học Luật” theo kiểu “từ xa” hoàn toàn trong vòng 2 năm trời, không biết trường lớp, thầy cô và bạn bè ra sao? Liệu ngưòi có tên là Liên có tổ chức được cả một hội đồng thi tốt nghiệp đại học giả mạo cho bà Luyên?

Đáng tiếc, khi trả lời khiếu nại của người tố cáo, VKSND tỉnh Bắc Giang vẫn đồng quan điểm với CQĐT khi cho rằng “do CQĐT không thu được bằng gốc, kết quả điều tra không làm rõ được đối tượng làm giả nên chưa có đủ căn cứ xác định bị can”.

Về hành vi tẩy xóa, thay ảnh trên Bằng tú tài THPT của bà Luyên, VKSND tỉnh Bắc Giang thừa nhận có dấu hiệu của tội “sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhưng lại cho rằng, “các văn bằng mà Luyên được cấp do sử dụng Bằng tú tài PTTH giả đến nay đã không còn sử dụng do Luyên không còn là viên chức, hiện nay Luyên không còn là thành viên của Công ty Đấu giá hợp danh Đại dương Group. Mặt khác, từ năm 2019, Luyên điều trị bệnh trầm cảm, u tuyến giáp tại bệnh viện Bạch Mai. Căn cứ vào tình hình thực tế, chính sách pháp luật và nhân thân của Nguyễn Ngọc Luyên, xét thấy không cần thiết phải xem xét trách nhiệm hình sự mà chỉ xử lý về hành chính cũng đủ để giáo dục”.

Tuy nhiên, người tố cáo thì vẫn khẳng định việc bà Luyên sửa chữa, sử dụng bằng tú tài THPT nhằm mục đích lừa dối các trường, các cơ quan quản lý để được tuyển dụng làm viên chức, chiếm đoạt tiền lương, phụ cấp chi trả từ ngân sách nhà nước. Đáng nói, việc gian dối này không phải là lần đầu tiên bởi trước đó, bà Luyên đã có dấu hiệu khai báo, cung cấp tài liệu không đúng, không đầy đủ để được cấp lại giấy khai sinh, chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu nhằm chuyển tên từ Nguyễn Thị Luyên thành Nguyễn Ngọc Luyên và thay đổi ngày sinh từ 17/1/1976 thành 12/8/1978.

Công lý sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin về sự “thay tên” “đổi ngày” này

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ việc hy hữu tại Bắc Giang: Đấu giá viên có bằng cử nhân luật gần 6 năm mới biết “đồ giả”