Những tưởng dự án làm tuyến đường trục trung tâm Khu đô thị phía Nam QL5 giao cho tư nhân thực hiện sẽ làm giảm gánh nặng ngân sách cho Hưng Yên. Tuy nhiên, sau khi giao hơn 100ha đất "đối ứng" thì Nhà nước liệu có đang gánh phần thua thiệt?
Nhà nước “thiệt đơn thiệt kép”
Trước đó, Báo Công lý đã có bài viết “Hưng Yên: Đổi hơn 100 ha đất lấy... 2km đường dang dở”. Nội dung bài viết phản ánh, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản và Thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long) được UBND tỉnh Hưng Yên giao hơn 100 ha để thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng Khu đô thị phía Bắc đường trục (dự án) và tuyến đường trục trung tâm của Khu đô thị phía Nam QL5 với giá trị tiền sử dụng đất thu về hơn 173 tỷ đồng.
Dự án được áp dụng theo cơ chế tài chính trong việc sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo Quyết định số 22/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, Công ty Thăng Long phải xây dựng tuyến đường trục trung tâm Khu đô thị phía Nam QL5 với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 109 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn lấy từ quỹ đất xây dựng đô thị là hơn 68 tỷ đồng). Đổi lại, doanh nghiệp sẽ được giao hơn 100ha đất ngay cạnh con đường để làm khu đô thị.
Tuyến đường trục trung tâm vẫn còn dở dang
Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng ngân sách tỉnh Hưng Yên phải góp “bù” vào hơn 40 tỷ để cùng doanh nghiệp hoàn thiện tuyến đường. Số tiền sử dụng đất hơn 104 tỷ đồng còn lại sẽ để đầu tư xây dựng tuyến đường trục trung tâm huyện Yên Mỹ kéo dài lên xã Giai Phạm.
Bên cạnh đó, ngày 23/02/2004, UBND tỉnh Hưng Yên có quyết định giao Công ty Thăng Long làm chủ dự án. Ngày 05/04/2005, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt giá đất và mức thu tiền sử dụng đất chỉ hơn 173 tỷ đồng. Liền sau đó, năm 2006, UBND tỉnh Hưng Yên lập tức giao cho Công ty Thăng Long hơn 146ha đất. Tuy nhiên, đến năm 2008, UBND tỉnh Hưng Yên mới hoàn thành điều chỉnh dự án.
Đến năm 2012, lúc này giá đất tại khu vực đã có sự chênh lệch rất lớn do dự án đã được phê duyệt hoàn thiện pháp lý, vị trí được đánh giá là đắc địa khi giáp Quốc lộ 39A và gần QL5 nhưng UBND tỉnh Hưng Yên không tính bổ sung giá trị tiền sử dụng đất theo giá hiện hành mà tiếp tục hoàn thành giao hơn 100ha cho Công ty Thăng Long theo đơn giá phê duyệt từ những năm trước đó.
Nhiều diện tích trong khu đô thị của Công ty Thăng Long đã bán cho người dân xây dựng rầm rộ
Trong khi đó, Công ty Thăng Long được giao thực hiện tuyến đường trục từ năm 2004, phê duyệt năm 2005. Tuy nhiên đến năm 2010, Công ty Thăng Long và Sở GTVT Hưng Yên mới ký hợp đồng số 192/2010/HĐ/SGTVTHY-THANGLONG để thực hiện thi công.
Đến nay đã 15 năm trôi qua, tuyến đường mới chỉ hoàn thành khoảng 2km và vẫn chưa được quyết toán theo quy định vì còn dang dở. Điều này đặt ra câu hỏi khi tuyến đường chưa nghiệm thu, quyết toán thì thời điểm hiện tại, căn cứ nào để tỉnh Hưng Yên đối trừ và truy thu 173 tỷ đồng tiền sử dụng đất mà công ty Thăng Long phải nộp. Trong khi đó, một diện tích lớn đô thị đã được doanh nghiệp phân lô, bán nền thì ai đang hưởng lợi? Không những thế, khi chưa thu được tiền sử dụng đất của Công ty Thăng Long thì phần vốn để xây dựng tuyến đường trục trung tâm huyện Yên Mỹ kéo dài lên xã Giai Phạm liệu có bị ảnh hưởng tới tiến độ khiến chậm giải ngân vốn đầu tư công, gây lãng phí, thất thoát nguồn lực?
Vậy nhưng, 15 năm qua, người dân không còn tư liệu sản xuất khi hơn 100 ha đất (tính theo giá Nhà nước thu hồi) đã giao cho doanh nghiệp làm dự án khu đô thị. Đổi lại Nhà nước và người dân vừa mất tiền, mất đất nhưng nhận được chỉ là một tuyến đường dang dở, Công ty Thăng Long thi công vừa hết đoạn chạy qua dự án của mình.
“Cuộc chơi” có công bằng?
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, bản chất của loại hợp đồng (sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng) ký kết giữa doanh nghiệp và đơn vị Nhà nước thực chất là “chia sẻ rủi ro, đôi bên cùng có lợi”. Tuy nhiên, đối với dự án này, trong khi người dân quanh dự án mất đất, Nhà nước có dấu hiệu mất thêm vốn để đầu tư đường và có dấu hiệu chưa thể truy thu, quyết toán được tiền thuế đất thì doanh nghiệp lại đang thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.
Trong vai khách hàng có nhu cầu mua đất nền tại dự án, phóng viên đã liên hệ theo thông tin rao bán trên mạng. Người này giới thiệu tên Thẩm ở sàn Newhomes cho biết: Dự án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu có tên gọi V-Green City và giai đoạn hai có tên New City Phố Nối. Hiện giai đoạn đầu đã bán hết, giai đoạn 2 cũng đã bán được 80%.
Cò đất tên này cho biết, New City Phố Nối đã hoàn thiện 80% cơ sở hạ tầng, chỉ còn san đất và một số hạng mục khác. Thời điểm hiện tại, giá đất New City Phố Nối dao động từ 10-20 triệu đồng/m2. Cụ thể, giá đất nền liền kề từ 10-12 triệu/m2. Shophouse (nhà phố thương mại) có các mức giá tùy thuộc vào vị trí: shophouse mặt hồ giá 12 triệu/m2, shophouse đường 61 giá 11.5 triệu/m2, shophouse mặt đường 69 giá 17.5 triệu/m2. Biệt thự đơn lập và song lập giá có thể lên đến 20 triệu đồng/m2.
Dự án đô thị của Công ty Thăng Long đang được chào bán công khai
Trước đó, ngày 7/10/2020, sau khi Báo Công lý đăng tải bài viết: “Hưng Yên: Đổi hơn 100 ha đất lấy... 2km đường dang dở”, một số độc giả đã liên hệ với tòa soạn để cung cấp thông tin về việc mua bán, chuyển nhượng đất tại dự án.
Theo đó, chị T (xin phép được giấu tên) đã mua cả 3 lô đất sát nhau tại dự án với giá 11 triệu đồng/m2, tổng giá trị hơn 4 tỷ, đặt cọc 2 tỷ đồng. Thời điểm chị mua cũng đã có rất nhiều người đặt cọc. Chủ đầu tư hứa hẹn tháng 9/2020 sẽ được cấp sổ đỏ. Sau đó, chị T được chủ đầu tư đề nghị ký vào hợp đồng mang tên “Hợp đồng chuyển nhượng quyền bán”.
Trong khi đó, theo tìm hiểu, dự án này được tỉnh Hưng Yên phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 vào ngày 07/8/2017. Theo đó, đất nhà ở thương mại được tỉnh Hưng Yên phê duyệt lên tới hơn 394.000 m2 (gần 40 ha). Từ lời giới thiệu của các cò đất và khách hàng có thể thấy giá đất nền tại đây dao động từ 10-20 triệu đồng/m2. Giả sử làm một phép tính, nếu bán hết gần 40ha, giá thấp nhất là 10 triệu/m2 thì Công ty Thăng Long cũng bỏ túi ít nhất cũng khoảng 4000 tỷ đồng. Theo cò đất tên Thẩm thì hiện V-Green City đã bán hết, New City Phố Nối cũng đã bán hết 80%. Như vậy, số tiền Công ty Thăng Long đã thu về là không hề nhỏ.
Qua thương vụ này, dư luận đang cho rằng “cuộc chơi” giữa Công ty Thăng Long và tỉnh Hưng Yên đang bộc lộ sự “thiếu công bằng” khi doanh nghiệp với việc chỉ phải làm hơn 2 km đường (mà bản chất cũng là phục vụ chính dự án của mình). Sau đó, doanh nghiệp làm hạ tầng rồi phân lô, bán nền, thu về số tiền lớn từ chênh lệch địa tô và tiền đối trừ từ giá trị đất. Trong khi, người dân Hưng Yên nhận được con đường...dang dở.
Giai đoạn hai của dự án đô thị đã được hoàn thiện hạ tầng và bán hết
Không chỉ có vậy, với việc ban hành giá đất trước thời điểm hoàn thành phê duyệt dự án, liệu UBND tỉnh Hưng Yên có làm giảm đi giá trị tiền sử dụng đất của diện tích hơn 100ha để giao cho doanh nghiệp xây dựng, kiếm lời ? Trong khi từ giữa năm 2014 trở về trước, việc xác định giá trị thu tiền sử dụng đất của các dự án hoàn vốn cho dự án hạ tầng được thực hiện theo Thông tư 145/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính với quy định giá trị thu tiền sử dụng đất là hiệu số của tổng doanh thu bán nhà, đất trừ đi tổng chi phí xây dựng nhà và kết cấu hạ tầng.
Chưa hết, trả lời báo chí, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng theo đúng quy định, quỹ đất đối ứng và giá trị tiền sử dụng đất chỉ được xác định sau khi dự án hạ tầng hoàn thành và bàn giao. Tuy nhiên, đối với dự án này, Công ty Thăng Long đã được UBND tỉnh Hưng Yên tính tiền sử dụng, giao đất ngay cả khi hợp đồng thực hiện tuyến đường chưa ký kết.
Để làm rõ những câu hỏi này, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên, Công ty Thăng Long nhưng không nhận được câu trả lời.
Sự việc đang cho thấy có trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh và các sở ngành, đặc biệt là Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế tỉnh Hưng Yên qua các thời kỳ khi thực hiện phê duyệt dự án, giao đất cho Công ty Thăng Long. Để bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích doanh nghiệp và Nhà nước, không làm thất thu ngân sách, “chảy máu” tài nguyên, đề nghị Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra Bộ Công an sớm vào cuộc làm rõ những dấu hiệu sai phạm cũng như trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan (nếu có) tránh bức xúc trong nhân dân.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.