Trong những ngày này, hàng loạt cơ quan báo chí phản ánh việc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) “rót” cho Công ty cho thuê tài chính 2 vay số tiền là 550 tỷ đồng. Điều đáng nói là số tiền này rút ra từ “ngân khoản” dành cho việc GPMB đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Trong khi đó, dự án này đang chậm tiến độ gần 2 năm trời vì thiếu vốn.
Được biết, trong vòng từ tháng 3 đến tháng 6-2009, VIDIFI đã ký 3 hợp đồng gửi tiền với Công ty cho thuê tài chính 2 (Ngân hàng NN&PTNT) với số tiền là 550 tỷ đồng với mức lãi suất khoảng 7,7%/năm. Các hợp đồng gửi tiền này đều do Phó Tổng Giám đốc Phạm Văn Bổn ký, không có sự phê duyệt của HĐQT hay Đại hội đồng cổ đông của Tổng Công ty.
Trong năm 2009, kế hoạch sử dụng vốn của VIDIFI là hơn 2.300 tỷ đồng nhưng Tổng Công ty này mới huy động được hơn 1.757 tỷ đồng. Thế nhưng, vào lúc thiếu vốn sử dụng theo kế hoạch, VIDIFI vẫn có tiền cho Công ty cho thuê tài chính 2 vay với lãi suất “mềm” trong thời hạn 1 năm. Chính vì số tiền cho vay này lại là nguồn kinh phí để chi trả cho hạng mục bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nên dự án này lại rơi vào “hội chứng rùa”. Theo kế hoạch, dự án đường cao tốc này sẽ hoàn thành trong năm 2011 để giảm tải cho Quốc lộ 5 nhưng đã bị chậm tiến độ khiến chủ đầu tư phải lùi kế hoạch đến năm 2013.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang thi công dở dang vì thiếu vốn, vậy mà chủ đầu tư lại đem tiền đi cho vay lấy lãi
Đầu năm 2010, khi thấy nguy cơ không thu hồi được tiền gửi trở nên rõ ràng, VIDIFI đã có nhiều văn bản đòi nợ trước thời hạn, gồm cả gốc và lãi. Do không thu hồi được tiền để chi trả cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nên được biết, HĐQT VIDIFI đã phải tính phương án… đi vay tiền. Bởi lẽ, dự án đường cao tốc này là mục tiêu chiến lược do Chính phủ giao VIDIFI làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Nguy cơ chậm tiến độ khiến lãnh đạo VIDIFI như “ngồi trên lửa”. “Nước xa không cứu được lửa gần” nên đơn vị này đành phải cầu cứu cả đến Ngân hàng Phát triển Việt Nam, “mẹ” của VIDIFI.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng đang bị các Đại biểu Quốc hội yêu cầu phải giải trình về những sai phạm tài chính liên quan đến VIDIFI. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa 13 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (tỉnh Thái Nguyên) truy vấn trách nhiệm Bộ Tài chính, yêu cầu Bộ trưởng đưa ra giải pháp chống thất thoát vốn Nhà nước tại 2.445 dự án do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) quản lý. Theo đó, bà Lê Thị Nga yêu cầu làm rõ những vấn đề sai phạm ở VDB, đặc biệt là các dự án liên quan đến VIDIFI.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong lúc dự án trọng điểm này đang chậm tiến độ thì lãnh đạo VIDIFI lại mang vốn của dự án đi cho vay với lãi suất thấp là điều khó có thể chấp nhận được. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong thương vụ này. Nguyên nhân của hội chứng “đômino” này là do lãnh đạo VIDIFI kiểm tra năng lực của đối tác hết sức sơ sài nên khi Công ty cho thuê tài chính 2 sắp trở thành “quả bom nợ nần”, VIDIFI vẫn thản nhiên “bơm” tiền. Không ngờ chỉ một thời gian ngắn sau, Công ty cho thuê tài chính 2 đã rơi vào tình trạng không có khả năng thanh toán. Theo kết quả kiểm toán, trong năm 2009, Công ty cho thuê tài chính 2 lỗ đến 3000 tỷ đồng. Cho đến nay, toàn bộ dàn lãnh đạo của Công ty cho thuê tài chính 2 đã vào vòng lao lý vì “chúa chổm” này làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng nên khả năng thu hồi vốn của VIDIFI khá vô vọng.
Cõng “chúa chổm” trên lưng là hình ảnh hài hước mà các chuyên gia kinh tế bình luận về thương vụ thất thố này của VIDIFI. Nguồn tiền Nhà nước được lãnh đạo Tổng Công ty này “ném qua cửa sổ” đủ để xây hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa. Công luận cho rằng đã đến lúc cần xử lý những hành vi bất chấp pháp luật của lãnh đạo VIDIFI.
Bình Phong