Vụ khởi tố, bắt giam nhân viên Công ty Bảo An: Cưỡng đoạt tài sản của chính mình?

Cao Văn Tỉnh| 03/12/2019 08:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan đến vụ việc Công an huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) khởi tố, bắt giam 7 người của Công ty Bảo An về hành vi chiếm đoạt tài sản, các chuyên gia pháp lý đã có một số phân tích nhằm làm sáng tỏ thêm vấn đề.

Ai là người bị hại?

Trước đó, Báo Công lý điện tử đã có bài: “Hưng Yên: Cần làm rõ nhiều tình tiết trong vụ án cưỡng đoạt tài sản”, phản ánh việc gia đình bị can cho rằng Công an huyện Yên Mỹ vội vàng bắt người khi thẩm quyền điều tra vụ án thuộc cơ quan điều tra cấp tỉnh?. 

Nội dung vụ việc nêu rõ: Tháng 6/2016 và tháng 12/2016, Công ty Cổ phần Cơ khí Ngô Gia Tự (bên bán) lập hợp đồng mua bán với Công ty TNHH TM ô tô Trường Xuân (bên mua), tổng số 23 xe ô tô nhãn hiệu Universe Noble NGT TK47 YC. Sau đó Công ty Trường Xuân đã bán số xe trên cho Công ty TNHH GB Hà Nội, Công ty TNHH GB Hà Nội lại bán cho Công ty đầu tư quốc tế Việt Hàn (Công ty Việt Hàn).

Sau khi đã thực hiện đầy đủ việc đăng ký 23 xe ô tô nói trên, ngày 12/01/2017 Công ty Việt Hàn (bên thế chấp) và ngân hàng TMCP Phương Đông (ngân hàng OCB - bên nhận thế chấp) đã ký hợp đồng thế chấp xe ô tô để vay vốn. Tại Điều 2 của hợp đồng về tài sản thế chấp ghi rõ: xe ô tô thế chấp thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp.

Do bên thế chấp vi phạm nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng OCB đã tiến hành thông báo về việc thu giữ tài sản đảm bảo gửi cho Công ty Việt Hàn và UBND, Công an phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội); UBND, Công an xã Giai Phạm (Yên Mỹ, Hưng Yên) và cũng đã có công văn gửi Công ty cổ phần cơ khí Ngô Gia Tự (nơi lưu giữ 08 chiếc xe của bên thế chấp). Ngân hàng OCB đã làm đầy đủ thủ tục thông báo thu giữ và đã thu được 12 chiếc xe ô tô mà Công ty Việt Hàn đang thế chấp cho Ngân hàng OCB.

Vụ khởi tố, bắt giam nhân viên Công ty Bảo An: Cưỡng đoạt tài sản của chính mình?

Công an huyện Yên Mỹ tạm giam các bị can khi thẩm quyền điều tra thuộc cơ quan điều tra cấp tỉnh khiến gia đình các bị can khiếu nại.

Còn lại 8 chiếc xe chưa thu được, ngày 3/9/2019 Ngân hàng OCB đã lập hợp đồng bán nợ cho Công ty mua bán nợ Bảo An (Công ty Bảo An) theo Thông tư 09/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Toàn bộ thông báo thu giữ, thủ tục thu giữ, Ngân hàng OCB đã bàn giao cho Công ty mua bán nợ Bảo An để thừa hưởng và tiếp tục thực hiện.

Ngày 16/9/2019, Công ty  Bảo An – đại diện là ông Trần Đức Vinh (chức vụ Giám đốc) cùng với nhân viên đến Công ty cổ phần cơ khí Ngô Gia Tự để thu giữ tài sản là 08 chiếc xe theo hợp đồng bán nợ kể trên. Trong thời điểm thu giữ 08 xe thì nhân viên của Công ty Bảo An phát hiện phía bên xe cẩu có cẩu nhầm 01 chiếc xe không thuộc quyền thu giữ của mình, nên ngay tức khắc nhân viên Bảo An yêu cầu phía xe cẩu chở trả lại chiếc xe bị nhầm lẫn để trả lại cho Công ty cổ phần cơ khí Ngô Gia Tự.

Công ty cổ phần cơ khí Ngô Gia Tự cho rằng Công ty Bảo An đã cưỡng đoạt tài sản của mình và trình báo cơ quan chức năng. Ngày 20/9/2019, Công an huyện Yên Mỹ, Hưng Yên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và sau đó bắt tạm giam ông Trần Đức Vinh và 06 nhân viên của Công ty mua bán nợ Bảo An.

Phạm tội chiếm đoạt tài sản khi tài sản thuộc quyền sở hữu của mình?

Vậy hành vi thu giữ 08 xe ô tô của bên thế chấp nêu trên của Công ty Bảo An có phải là hành vi cưỡng đoạt tài sản hay không?

Theo Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội: “Bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý nợ xấu theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm…Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm...”.

Như vậy theo quy định của Nghị Quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội thì Tổ chức tín dụng, cụ thể là Ngân hàng OCB - chủ nợ của 08 chiếc xe trên có quyền thu giữ khi phát hiện tài sản của mình đang nằm trong sự quản lý của Công ty cổ phần cơ khí Ngô Gia Tự; Ngân hàng OCB đã từng tiến hành làm các thủ tục thu giữ tài sản theo đúng các thủ tục được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội như: Ngân hàng OCB đã làm việc và thông báo đầy đủ cho Công ty cổ phần cơ khí Ngô Gia Tự và các bên liên quan về vệc OCB sẽ tiến hành thu giữ tài sản.

Theo luật sư Nguyễn Phương Việt: Công Ty Bảo An đã mua nợ hợp pháp từ ngân hàng OCB và được thừa hưởng các quyền cũng như nghĩa vụ từ khoản nợ đã mua. Quyền bán nợ của Ngân hàng OCB xuất phát từ quy định tại Điều 365 về “Chuyển giao quyền yêu cầu”, BLDS 2015: “ Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận”.

Về vấn đề trong thời điểm thu giữ 08 xe thì phía bên xe cẩu có cẩu nhầm 01 chiếc xe không thuộc quyền thu giữ của mình, nên ngay tức khắc nhân viên Công ty Bảo An yêu cầu phía xe cẩu chở trả lại chiếc xe bị nhầm lẫn để trả lại cho Công ty cổ phần cơ khí Ngô Gia Tự. Theo luật sư Hoàng Đình Lợi, Đoàn luật sư TP. Hà Nội thì việc nhầm lẫn này không phải là hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS 2015, bởi hành vi thuộc lỗi vô ý phát sinh ngoài ý muốn chủ quan của bên thu giữ tài sản.

Trong vụ án này cần phải đặc biệt lưu ý rằng, các chiếc xe bị thu giữ là tài sản đặc định, có đăng ký, biển số, số khung, số máy cụ thể, rõ ràng và được xác định trước đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp là Công ty Việt Hàn. Theo quy định tại Điều 439 BLDS năm 2015, Nghị Quyết 42/2017/QH14 của Quốc Hội và Hợp đồng mua bán nợ 432/HĐMBN giữa ngân hàng OCB và Công ty Bảo An thì tại thời điểm xảy ra vụ án quyền sở hữu đối với 08 chiếc xe là của Công ty Bảo An bởi vì Công ty Bảo An đã mua nợ hợp pháp từ ngân hàng OCB và được thừa hưởng các quyền cũng như nghĩa vụ từ khoản nợ đã mua cho nên đây không phải là hành vi xiết nợ như những vụ án cưỡng đoạt tài sản khác, mà là hành vi giữ lại tài sản rõ ràng là của mình.

Luật sư Hoàng Đình Lợi còn nhấn mạnh, đặc điểm của hành vi chiếm đoạt tài sản là hành vi cố ý chuyển một cách phi pháp quyền sở hữu về tài sản từ một chủ thể này sang một chủ thể khác làm cho chủ sở hữu mất một phần nhất định về tài sản. Hành vi thu giữ lại tài sản rõ ràng là của mình thì không thể cấu thành tội chiếm đoạt nói chung, tội cưỡng đoạt nói riêng. Như vậy liệu 7 người của Công ty Bảo An bị khởi tố có phạm tội chiếm đoạt tài sản khi nó là tài sản thuộc quyền sở hữu của mình?

Mặt khác, Công ty Bảo An thu giữ tài sản và gửi tài sản đó sang một bãi xe cách nơi thu giữ khoảng 500m để trông giữ. Xét về bản chất, hành vi chỉ nhằm mục đích không cho người khác tẩu tán tài sản của mình, chứ không phải là chiếm đoạt.

Trên đây là một số phân tích từ thực tiễn vụ án và theo quy định của pháp luật nhằm làm sáng tỏ hơn việc xác định chủ thể tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người bị hại trong vụ án hình sự. Việc xác định này sẽ được làm sáng tỏ hơn khi cơ quan tiến hành tố tụng xác định đầy đủ toàn diện các tình tiết của vụ án trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật dân sự cũng như hình sự để tránh việc hình sự hoá các tranh chấp dân sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ khởi tố, bắt giam nhân viên Công ty Bảo An: Cưỡng đoạt tài sản của chính mình?