Pháp đình

Vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Giám định viên nói đã làm đúng quy định

Mạnh Hùng 18/10/2023 14:12

Ngày 18/10, phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án sai phạm tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2) gây thiệt hại cho nhà nước 460 tỉ đồng bước sang ngày làm việc thứ 3, tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.

6c2b11df-df93-4eee-9a8d-de99bec6f2e3.jpeg
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Giám định viên khẳng định đã làm đúng quy định

Theo cáo trạng truy tố, Dự cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km. Trong đó, giai đoạn 2 dài hơn 74km, từ Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi, thông xe tháng 9/2018, nhưng khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông.

Tại phiên tòa, đại diện các nhà thầu không đồng ý với kết quả giám định, không đồng ý yêu cầu bồi thường của chủ đầu tư. Họ cho rằng con đường vẫn vận hành bình thường, không bị đình chỉ để sửa chữa, kết quả giám định không chính xác, không khách quan…

Phản bác lại ý kiến của các nhà thầu, đại diện đơn vị giám định khẳng định đơn vị này đã sử dụng nhiều phương pháp giám định, trong đó mỗi phương pháp đều có giá trị trưng cầu giám định, mục tiêu thí nghiệm, chỉ tiêu đánh giá thi công, chất lượng vật liệu...

Về tần suất lấy mẫu, giám định viên khẳng định, đây là giám định cho Bộ Công an, nên đã phải lấy rất nhiều số liệu. Đơn vị tổng thầu đi thuê nhiều nhà thầu khác, giám định đã thống kê rất chi tiết từng trạm trộn bê tông nhựa để phân đoạn và đánh giá, so sánh quy trình, quy phạm, quy định và tham khảo giá trị thiết kế của từng trạm để đánh giá kết quả thực địa.

Vị này cho biết thêm, phương pháp lấy mẫu là lấy xác suất trên toàn đoạn tuyến. “Chúng tôi rất vất vả với giai đoạn 2 của dự án này, bởi dự án giao cho 1 tổng thầu nhưng sau đó họ đi thuê rất nhiều đơn vị khác nhau, lớp này một đơn vị, lớp khác một đơn vị... Chúng tôi phải thực hiện giám định phân bổ phân đoạn theo kết cấu dự án đã thực hiện”.

5a27fd95-9159-4711-87c6-2b95b5d1e32b.jpeg
Giám định viên đưa ra nhiều căn cứ phản bác quan điểm của nhà thầu cho rằng kết quả giám định không chính xác, khách quan

Tại phiên tòa, một số bị cáo như Nguyễn Văn Thuật (cựu giám đốc Ban điều hành liên danh của nhà thầu thi công gói thầu A1), Nguyễn Thiên Nam (cựu Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công gói thầu A1) cho rằng sai sót chỉ là cục bộ, thực tế con đường không hư hỏng.

Nhà thầu Lotte E&C gửi 3 video do nhà thầu thực hiện tháng 10/2022 và tháng 5/2023 cho thấy con đường vận hành bình thường không có sai sót gì và đề nghị HĐXX trình chiếu các video này.

Hai nhà thầu Hàn Quốc từ chối bồi thường cho VEC

Trước đó, trình bày tại tòa, hai nhà thầu Hàn Quốc là Posco E&C và Lotte E&C đã từ chối bồi thường vì cho rằng yêu cầu bồi thường của Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC là vô lý.

Tại tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2, đoạn từ thành phố Tam Kỳ đến thành phố Quảng Ngãi, dài hơn 72 km được chia làm 5 gói thầu: gói A1 giá trị 47,5 tỷ đồng do liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CC 1) và Lotte E&C (Hàn Quốc) cùng thực hiện; gói A2 giá trị 129 tỷ đồng, do tập đoàn công trình giao thông tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) thực hiện; gói A3 trị giá 85 tỷ đồng, do tập đoàn công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) thực hiện; gói A4 trị giá 127 tỷ đồng, do tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc) thực hiện; gói A5 trị giá 71 tỷ đồng, do Posco E&C (Hàn Quốc) thực hiện.

Posco E&C và Lotte E&C là 2 trong số 5 nhà thầu thi công các gói thầu tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, liên quan 3 gói thầu tổng trị giá 245 tỷ đồng tại dự án này.

b57ef2aa-5f6d-4991-ae8e-567436094728.jpeg
Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa

Trong phần trình bày của mình, đại diện nguyên đơn dân sự là Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) cho biết, nếu xác định được các nhà thầu thi công 5 gói thầu trên có sai phạm, vi phạm hợp đồng và pháp luật, gây thiệt hại cho VEC, thì các nhà thầu này phải bồi thường theo nguyên tắc thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó.

Cụ thể, khi ký kết hợp đồng với VEC, 5 nhà thầu có nghĩa vụ xây dựng đảm bảo yêu cầu, tiến độ và chất lượng được phê duyệt. Nếu không đúng, không đầy đủ hoặc có lỗi, nhà thầu đương nhiên phải bồi thường.

Phản đối quan điểm này, đại điện hai nhà thầu Hàn Quốc đều cho rằng yêu cầu bồi thường của VEC là vô lý. Đại diện của Lotte E&C cho biết không đồng ý bồi thường bất cứ gói thầu nào, với lý do "đã thực hiện toàn bộ theo đúng hợp đồng, có kiểm tra chất lượng từng giai đoạn. Chính VEC sau đó cũng đã thuê một đơn vị kiểm tra chất lượng riêng biệt và đơn vị này cũng đã kiểm tra quy trình tương tự như bên ban giám định, kết quả báo cáo là không có vấn đề gì”.

Sau đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng đã đánh giá đạt chất lượng theo yêu cầu và đã đưa đường vào sử dụng. Theo hợp đồng, Lotte sẽ bảo hành 2 năm sau khi đưa vào sử dụng, trong thời gian 2 năm đó, Lotte không nhận được phản ánh gì về sai sót, hỏng hóc hay sửa chữa bảo trì phát sinh trên gói thầu Lotte đảm nhiệm.

Đại diện Lotte cho biết thêm, trước khi vụ án được đưa ra xét xử, Lotte đã nộp 3 video do họ thực hiện, gồm 1 video được quay vào tháng 10/2022 và 2 video quay vào tháng 5/2023. Trong các video đều thể hiện con đường của dự án này đang được vận hành tốt. Thực tế sau 5 năm kể từ khi thông đường, đến thời điểm này, con đường vẫn vận hành tốt đảm bảo tốc độ 150 km/h, chưa từng bị tạm dừng để sửa chữa và vẫn đang vận hành, thu phí.

Về phần mình, đại diện của POSCO E&C phản đối phương pháp tiến hành giám định không logic, không phù hợp dẫn đến kết quả giám định không chính xác. Cụ thể, bản thân Posco và cả VEC có thuê đơn vị giám định độc lập, đều đưa ra kết luận con đường đạt yêu cầu, vận hành ổn định.

Còn nhà thầu Posco E&C nhấn mạnh phản đối 100% yêu cầu bồi thường của chủ đầu tư, phản đối phương pháp thực hiện giám định.

Về vấn đề chất lượng gói thầu, qua 5 năm kể từ khi thông xe, Posco E&C không nhận được công văn từ các đơn vị vận hành yêu cầu sửa chữa liên quan gói thầu A5.

Trước ý kiến này, giám định viên khẳng định đã giám định cả một hệ thống đa lớp để quản lý chất lượng, theo quy trình của Nhà nước. “Chúng tôi kiểm tra xác suất ngẫu nhiên, bất kỳ. Nhưng lấy chỗ nào cũng thấy bất thường”, đại diện đơn vị giám định nói.

Đại diện đơn vị giám định nhấn mạnh, việc có bị cáo tại đây cho rằng đoạn đường nhà thầu đó thi công không hư hỏng, “nhưng ở đây không phải hư hỏng mới sai, mà thi công sai thì là sai”.

Theo giám định viên, cách thực hiện là chọn lấy mẫu tại các vị trí không có xe đi (khu vực giáp ranh làn khẩn cấp) để trưng cầu giám định. Cũng không có quy định về phải lấy mẫu trong bao lâu để giám định. Ngoài ra, chúng ta có quy định về đánh giá chất lượng trong quá trình khai thác, chứ không chỉ trong quá trình thi công; đơn cử như độ nhám có thể tốt hơn hoặc xấu đi sau quá trình sử dụng, thường là tốt lên.

Kiểm tra độ chặt không đạt ở nhiều vị trí sau một thời gian sử dụng, chứ chưa nói đến việc càng đi vật liệu càng nén chặt. Việc ảnh hưởng của tải trọng là chính, chứ không phải đưa ra lý do ảnh hưởng do độ ẩm, do thời tiết.

CC1 là nhà thầu Việt Nam duy nhất tham gia thực hiện 5 gói thầu, cũng cho rằng kết luận giám định không hợp lý. Theo đại diện CC1, dự án đã bàn giao từ tháng 9/2018, đến nay là 5 năm, song họ chưa từng bị VEC yêu cầu bồi thường, tu sửa hỏng hóc, do đó CC1 mới được VEC thanh toán đầy đủ. Đại diện CC1 khẳng định, nếu có sai phạm, công ty sẽ bồi thường, không yêu cầu các bị cáo liên đới trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Giám định viên nói đã làm đúng quy định