Pháp đình

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Luật sư đồng loạt xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo

Minh Đức - Quang Trung 27/03/2024 - 15:36

Ngày 27/3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm trong vụ án Vạn Thịnh Phát.

Nhóm bị cáo vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng

Mở đầu phiên xét xử, các luật sư bắt đầu bào chữa cho 6 bị cáo đồng phạm với bị cáo Trương Mỹ Lan. Nhóm bị cáo này bị cáo buộc tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định theo Khoản 4 Điều 206 BLHS 2015.

phien-toa-2.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa

Các bị cáo gồm Từ Văn Tuấn (cựu Giám đốc Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale SCB, VKS đề nghị 11-12 năm tù); Mai Hồng Chín (cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB, VKS đề nghị 9-10 năm tù); Nguyễn Phi Long (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Lavifood, VKS đề nghị 8-9 năm tù); Bị cáo Mai Văn Sáu Nhớ (nguyên Trưởng phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB) bị đề nghị 11-12 năm tù); Bị cáo Đặng Quang Nguyên (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lavifood, bị đề nghị 5-6 năm tù) và bị cáo Lưu Chấn Nguyên (cựu Giám đốc Ngân hàng SCB Củ Chi, bị đề nghị 3 năm tù treo).

Theo các luật sư, họ không tranh luận về tội danh của thân chủ mình, tuy nhiên luật sư nêu lên hoàn cảnh, nguyên nhân dẫn tới việc các bị cáo phạm tội.

Luật sư đề nghị HĐXX xem xét động cơ, hành vi, mức độ dẫn tới vòng lao lý của các thân chủ. Mong được hưởng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Có luật sư đề nghị HĐXX áp dụng hình phạt dưới khung thấp nhất của khung hình phạt theo Khoản 2 Điều 54 BLHS 2015 cho thân chủ.

Đa số bị cáo này đều ăn năn hối cải, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, gia đình có công với cách mạng, có thành tích xuất sắc trong lao động. Khi bị bắt, họ đều nhận tội, thành khẩn khai báo, tích cực hỗ trợ cơ quan điều tra sớm làm rõ vụ án, tự nguyện khắc phục hậu quả.

Tự bào chữa cho mình, đa số các bị cáo đều đồng thuận với phần bào chữa của luật sư. Họ mong HĐXX xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo chính sách của Đảng và Nhà nước, cho hưởng sự khoan hồng của phát luật, cho cơ hội sửa lỗi để sớm về với gia đình, người thân, làm việc có ích cho xã hội.

Cựu Phó Chánh thanh tra nhận trách nhiệm

Cuối phiên xử chiều qua (26/3), luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hưng (66 tuổi, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước, bị cáo buộc nhận 390.000 USD để bưng bít, che giấu sai phạm xảy ra tại SCB), luật sư cho rằng mức án Viện KSND TP.HCM đề nghị 14 - 15 năm tù là quá cao so với hành vi của bị cáo.

nguyen-van-hung.jpg
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng

Trong vụ án này, ở nhóm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", bị cáo Nguyễn Văn Hưng được xác định có vai trò chủ mưu, các bị cáo khác vai trò giúp sức cho hành vi làm trái công vụ của Nguyễn Văn Hưng.

Theo luật sư, tại tòa bị cáo Nguyễn Văn Hưng khai "không chỉ đạo ai" che giấu thực trạng tài chính yếu kém của SCB, cũng không ai khai được Nguyễn Văn Hưng chỉ đạo ngoài bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục TTGS ngân hàng II), nên bị cáo Hưng không phải chủ mưu cầm đầu mà bị cáo phải chịu trách nhiệm bởi là người đứng đầu với vai trò Phó Chánh thanh tra.

Luật sư cho biết trong thời gian giữ chức vụ, bị cáo Hưng phải quán xuyến nhiều cuộc thanh tra nên không làm đến nơi đến chốn. Thời điểm xảy ra nhiều bất thường tại SCB, bị cáo Hưng sắp nghỉ hưu, tin tưởng cấp dưới dẫn đến sai phạm của mình.

Tự bào chữa bổ sung, bị cáo nói bản thân nhận khối lượng công việc quá lớn, nhiều cuộc thanh tra cùng thời điểm. Với tư cách là người đứng đầu, là người ký kết luận thanh tra thì bị cáo phải chịu trách nhiệm và cũng mong HĐXX xem xét cho bị cáo, giảm nhẹ hình phạt.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Văn Hưng vì động cơ cá nhân đã chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn và tổ tổng hợp xây dựng dự thảo, chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo gửi NHNN và Chính phủ, nội dung thể hiện không trung thực, không đầy đủ về thực trạng tài chính yếu kém của SCB, che giấu, không báo cáo về vi phạm, sai phạm của SCB.

Ngoài ra, quá trình thanh tra cho thấy bị cáo Hưng không chỉ đạo làm rõ sai phạm việc cho vay đối với khoản vay của 71 khách hàng địa chỉ tại 4 Nguyễn Thị Minh Khai, không làm rõ việc cho vay để đảo nợ theo chỉ đạo của Chính phủ; chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra nội dung bỏ ngoài và không kiến nghị đối với các sai phạm của SCB, sai lệch với kết quả thanh tra, mục đích tạo điều kiện cho SCB được tiếp tục thực hiện các phương án tái cơ cấu.

Cáo trạng còn thể hiện bị cáo Nguyễn Văn Hưng nhiều lần nhận tổng số tiền 390.000 USD từ SCB thông qua Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) và Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) để bưng bít, che giấu sai phạm tại SCB. Từ đó, dẫn đến NHNN và Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại SCB, gây thiệt hại cho SCB hơn 514.102 tỷ đồng.

Trước đó, ở phần xét hỏi, bị cáo Đỗ Thị Nhàn khẳng định bị cáo Hưng chỉ đạo bị cáo chỉnh sửa kết luận thanh tra, chỉ đạo sửa số liệu về thực trạng tại SCB để báo cáo NHNN. Nhưng bị cáo Hưng phủ nhận điều này và nói mình chỉ là người ký quyết định thanh tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án Vạn Thịnh Phát: Luật sư đồng loạt xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo