Báo Công lý đã có bài “Vụ án “Huỷ hoại rừng” ở Ba Tơ, Quảng Ngãi: Huỷ án để điều tra, xét xử lại”, phản ánh TAND tỉnh Quảng Ngãi đã xét xử phúc thẩm tuyên huỷ án sơ thẩm giao cơ quan CSĐT huyện Ba Tơ điều tra lại.
Sau quá trình điều tra, đến nay cơ quan CSĐT vẫn giữ nguyên quan điểm, không tìm ra chứng cứ mới.
Theo hồ sơ vụ án: Vào khoảng tháng 10/2011, anh Phạm Văn Xoi ở thôn Nước Đang, xã Ba Bích (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) vì cần số tiền để làm nhà nên đã đặt vấn đề với ông Đoàn Thế Lợi (người cùng xã), về việc bán cho ông Lợi 3 - 4 sào đất được ông bà để lại. Ông Lợi đồng ý mua với giá tiền 2.000.000đ và trả thêm cho anh Xoi 20 tấm tôn lợp nhà.
Đến khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3/2012, ông Đoàn Thế Lợi thuê một số người dân lên khu vực rừng mình đã mua thuộc vị trí lô 1, khoảnh 1, Tiểu khu 425 xã Ba Bích tiến hành phát luống dây leo, chặt hạ cây và trồng được khoảng 10.000 cây keo. Cho rằng đây là vụ hủy hoại rừng, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án. Ngày 19/6/2012, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ba Tơ đã phối hợp với VKSND, Hạt kiểm lâm huyện và chính quyền địa phương tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng trái phép đối với ông Đoàn Thế Lợi trên diện tích đo được là 28.380 m2. Ngày 21/3/2013, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ba Tơ ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Lợi về tội “Hủy hoại rừng”.
Ngày 11/7/2014, tại bản án sơ thẩm số 10/2014/HSST của TAND huyện Ba Tơ tuyên phạt ông Đoàn Thế Lợi phạm tội “Hủy hoại rừng” với mức án 7 năm tù và phải nộp sung quỹ Nhà nước số tiền 17.891.100 đồng.
Ông Lợi kháng cáo kêu oan. Ngày 29/9/2014, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã có Bản án số 181/2014/HSPT quyết định hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Ba Tơ, yêu cầu điều tra, xét xử lại theo đúng pháp luật.
Theo đơn kêu oan của ông Đoàn Thế Lợi cho rằng, vào ngày 28/7/2010, cha con ông Phạm Văn Giẻo và Phạm Văn Xoi trú tại thôn Nước Đang, xã Ba Bích (huyện Ba Tơ) đến nhà ông Lợi trình bày về việc ông Xoi có ngôi nhà hư hỏng nặng nhưng không có tiền để sửa chữa. Hai cha con ông Xoi cho biết có khoảng 3 - 4 sào đất rẫy đã được trồng lúa trời, trong rẫy có thêm nhiều cây mít ăn trái và có keo bốn phía... do cha ông nội để lại. Nay ông Xoi cần 20 tấm tôn lợp nhà cùng 2 triệu đồng để cất lại ngôi nhà. Qua sự thoả thuận trên, hai bên đã thống nhất ông Lợi sẽ giao cho ông Xoi 20 tấm tôn cùng 2 triệu đồng để đổi lại 3 -4 sào đất rẫy.
Mua được lô đất trên, ông Lợi chuyển canh tác từ trồng lúa sang trồng keo, không hề chặt phá cây nguyên sinh. Theo phong tục tập quán của đồng bào dân tộc là sống du canh, du cư nên việc ông Lợi phát rẫy trồng keo là hoàn toàn chính đáng và các hộ dân lân cận cũng đều trồng lúa và trồng cây keo lai, nhưng cơ quan tố tụng lại kết tội ông Lợi về “hủy hoại rừng” (!?).
Qua 4 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ba Tơ vẫn chưa chứng minh cụ thể để xác định được diện tích trên là đất rừng hay là rừng tự nhiên, nhưng vẫn giữ nguyên kết luận điều tra ban đầu.
Theo nhận định của cấp phúc thẩm thì bị cáo Lợi đã mua lại diện tích đất trên của ông Phạm Văn Xoi và đây là đất của cha mẹ, ông bà để lại. Diện tích đất này đã được canh tác bao đời nay và được thể hiện tại bút lục số 225, khi ông Phạm Văn Giẻo (cha của ông Xoi) cho rằng gia đình ông có 04 sào đất trước đây trồng lúa trời và cho lại con là Phạm Văn Xoi sử dụng, dù canh tác rất lâu cũng không thấy chính quyền địa phương có ý kiến nên không biết là đất rừng phòng hộ. Đồng thời ông Xoi luôn khẳng định diên tích đất trên đã được canh tác hơn 60 năm qua nhưng không thấy chính quyền hoặc ai nói điều gì, nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn đành bán lại cho ông Lợi để đổi tôn sửa lại nhà ở (BL 152- 155).
Theo Luật sư Hà Vĩnh Phúc (nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi) thuộc Đoàn Luật sư Quảng Ngãi - người bảo vệ quyền lợi cho ông Đoàn Thế Lợi, cho rằng việc truy tố ông Lợi về tội “Huỷ hoại rừng” là không có cơ sở. Đồng thời việc quy kết ông Đoàn Thế Lợi phá hoại 59,637m gỗ (quy thành tiền là 17.891.000đ) cũng không có cơ sở. Bởi trên thực tế ông Lợi không hề phá rừng, và Cơ quan điều tra (kể cả Kiểm lâm) không hề thu giữ một khúc gỗ hay một lóng gỗ nào khi ông Lợi phát dọn thực bì (kể cả củi cũng không có) để làm tang chứng vật chứng, nhưng Hội đồng định giá vẫn định giá thành tiền 17.891.000đ (?).
Biên bản này đã bị Tòa án cấp phúc thẩm huỷ bỏ và yêu cầu điều tra lại. Đến nay, sau quá trình điều tra lại, chứng cứ không có gì mới, nhưng Cơ quan điều tra và VKSND huyện Ba Tơ vẫn dùng lại tài liệu này để truy tố ông Lợi.
Đây là vụ án được dư luận quan tâm, hy vọng trong phiên tòa xét xử sơ thẩm sắp tới sẽ được cơ quan tố tụng xem xét một cách thận trọng để không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không để xảy ra oan sai cho công dân.