Suốt gần một tháng diễn ra phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm Alibaba, trong số 23 bị cáo, người ta chú ý tới bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Hắn là người sáng lập ra tập đoàn Alibaba cũng là người "nhấn chìm" 22 bị cáo trong đó có nhiều người thân trong bi kịch.
Ảo tưởng về bản thân
Năm 2016, Nguyễn Thái Luyện lập nên Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba có trụ sở tại quận Bình Thạnh (TPHCM). Chỉ một năm sau đó, hàng loạt công ty con, công ty thành viên của Alibaba ra đời, cũng do chính Luyện chủ trương sáng lập. Các công ty này được gắn với cái tên Ali (viết tắt của Alibaba) và kèm theo những cái danh rất “kêu” bất động sản Big Bang, Tia Chớp, Chiến Binh Thép...
Trong thời gian ngắn, thị trường bất động sản các huyện, tỉnh vùng ven TPHCM như: Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Củ Chi, Phan Thiết… trở nên sôi động với những dự án đất nền, dự án khu dân cư, khu đô thị do Alibaba xưng là chủ đầu tư.
Alibaba nổi lên trong giới bất động sản như một tập đoàn hàng đầu về địa ốc. Luyện thuê tòa nhà lớn, án ngự mặt tiền đại lộ Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) là nơi làm việc của đội ngũ nhân viên lên tới hàng ngàn người. Đáng nói, những nhân viên này được hưởng lợi từ mô hình đầu tư, lướt sóng, lợi suất từ tiền người trước trả cho người sau nên mách nước dắt díu gia nhập Alibaba.
Một công ty truyền thông thuộc Alibaba ra sức xây dựng hình ảnh Nguyễn Thái Luyện là nhà sáng lập, lãnh đạo trẻ kiệt xuất của tập đoàn Alibaba. Luyện thường đứng trước hàng ngàn nhân viên thuyết trình với những tràng pháo tay tán thưởng. Bản thân Luyện nhiều lần huênh hoang khẳng định, bản thân có tài thao lược hơn người và nếu: “Đem so với Thành Cát Tư Hãn, tôi phải giỏi hơn. Tôi giỏi hơn cả Gia Cát Lượng”.
Thủ đoạn gian dối
Năm 2020, khi cơ quan điều tra khởi tố Nguyễn Thái Luyện cùng 22 bị cáo khác đứng đầu các công ty thuộc Alibaba, con số thống kê giật mình. Chỉ trong 3 năm từ 2017-2020 Alibaba đã lập nên 58 dự án, chiếm đoạt hơn 2.440 tỷ đồng của hơn 4.500 khách hàng.
Kết quả điều tra cho thấy, các dự án bất động sản của Alibaba đều không có thực hoặc không tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, vi phạm chính sách pháp luật đất đai, trong đó có nhóm đất nông nghiệp. Với phương châm, có đất là có dự án bất động sản, những vùng đất nông nghiệp… qua tay Alibaba đều trở nên thành “khu đô thị kiểu mẫu”, “chuẩn không gian sống”.
Luyện khởi động Alibaba trong thời điểm thị trường bất động sản đang lên với mô hình kinh doanh không mới, nhưng rất khác trong giới bất động sản. Bán những sản phẩm trên giấy với cam kết lợi nhuận cao và “bao” việc thua mua lại chiết khấu lớn, bằng phương thức tạo lợi nhuận từ tiền người sau trả cho người trước.
Để có bước đi “nhanh” và làm những cái “lớn”, Luyện lập ra các công ty dưới hình thức như một tập đoàn. Alibaba thuê và đặt trụ sở tại tòa nhà “khủng” án ngự mặt tiền Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức). Luyện bổ nhiệm những người thân trong gia đình như em ruột, đồng nghiệp thân cận mà không cần xét tới năng lực, kiến thức. Bổ nhiệm vợ làm “tay hòm chìa khóa” cho toàn bộ hệ thống tài chính của các công ty thuộc Alibaba. Cho đến khi bị khởi tố, những “lãnh đạo” này tuổi đời còn rất trẻ, và gần như không có kiến thức về doanh nghiệp, điều hành doanh nghiệp cũng như pháp luật về thuế.
Phương thức biến đất nông nghiệp thành khu đô thị, khu dân cư trên giấy của Alibaba cũng được vạch trần. Luyện đã đi tắt, đón đầu bằng cách nhắm vào khu vực nông thôn. Luyện cho thuộc cấp đi làm thủ tục xác nhận có hoạt động sản xuất nông nghiệp, sau đó tìm mua đất của người dân với diện tích lớn.
Có đất trong tay, Luyện bỏ qua tất cả các công đoạn lập dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng mà ủy quyền lại cho các pháp nhân thuộc Alibaba. Tiếp đến, Luyện chỉ đạo truyền thông thổi phồng, đưa ra thông tin sai lệch biến đất nông nghiệp thành dự án bất động sản trên giấy và tiến hành bán rầm rộ. Chỉ trong thời gian ngắn dự án bất động sản Alibaba mọc lên khắp nơi, nơi nào Alibaba đi qua không khí mua bán sôi động, những cơn sốt ảo, người người nhà nhà mang đất nông nghiệp tự phân lô, xẻ nền… bán.
Sự góp mặt của Alibaba khiến thị trường bất động sản nhốn nháo, bất thường. Một lô đất đầy cỏ mọc, chỉ cần xẻ con đường, san phẳng, cắm cọc phân lô giá trị được nhân lên nhiều lần. Người mua trước chuyển nhượng lại người sau để ăn chênh lệch, khiến giá cả tăng nhanh. Tuy nhiên, trong số đó có rất nhiều đất do chính nhân viên Alibaba là người mua đi bán lại tạo ra những giao dịch “cò mồi” để dẫn dụ khách hàng.
Số tiền đổ về Alibaba tăng lên cấp số nhân, nhưng nguồn tiền gần như không chảy vào tài khoản doanh nghiệp mà phần lớn qua tài khoản cá nhân, do vợ bị cáo Luyện kiểm soát. Nghĩa vụ nộp thuế phát sinh từ các giao dịch bất động sản Alibaba là con số vô cùng nhỏ. Chưa kể, các công ty thuộc Alibaba chỉ là bức bình phong, khai vốn hàng chục hàng trăm tỷ nhưng thực góp không hề có.
Kết cục bi kịch
Mô hình kinh doanh ăn xổi, gian dối của Alibaba do Nguyễn Thái Luyện đứng đầu bị ngăn chặn sau 3 năm khi cơ quan điều tra vào cuộc. Luyện và 22 thuộc cấp bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền, trong số đó có vợ Luyện là Võ Thị Thanh Mai và 2 người em là Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực. Tập đoàn địa ốc Alibaba sụp đổ nhanh chóng như cách của nó sinh ra và “phì” lên.
Quá trình điều tra, truy tố mặc dù cơ quan tố tụng chỉ ra những hành vi phạm tội, nhiều bị cáo nhận thức được hành vi, ăn năn hối lỗi, riêng bị cáo Luyện vẫn cho rằng mình không phạm tội và cho rằng, các giao dịch thu tiền khách hàng đều là “thuận mua, vừa bán”. Nhiều lần bị cáo Luyện còn khẳng định, nếu dùng số đất đai bán đi thì có thể trả đủ tiền cho khách hàng. Thế nhưng, khi HĐXX hỏi rằng, đã có dự án nào của Alibaba đã thành hình hài chưa? Đất do Alibaba bán cho các bị hại có đúng với đất thực tế không thì Luyện không trả lời được.
Bản án tuyên Nguyễn Thái Luyện mức án chung thân, 22 bị cáo còn lại với tổng mức hình phạt hơn 300 năm tù, trong đó phần lớn các bị cáo đều ở mức từ 10 năm đến 30 năm khi tuổi đời còn rất trẻ, đó là hệ quả tất yếu của mô hình kinh doanh bất chấp pháp luật mà đứng đầu là Nguyễn Thái Luyện.