Sau một thời gian nghị án, sáng 29/12, HĐXX TAND TPHCM tuyên án vụ án lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba). Đây được coi là vụ án kỷ lục trong lịch sử tố tụng, bởi số tiền chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng, số lượng bị hại hơn 4.000 người.
Sáng 29/12, an ninh tại TAND TPHCM được thắt chặt. Ngoài sân trụ sở TAND TP.HCM bố trí màn hình led và hàng trăm ghế phục vụ người theo dõi. Theo ghi nhận của phóng viên, khá ít người đến nghe tuyên án.
Trước đó, cáo trạng của VKSND TPHCM truy tố Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, trú tại TP Thủ Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989, Giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị cáo khác bị VKSND TPHCM truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (SN 1987, Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm, vợ Luyện), Nguyễn Thái Lực (SN 1999, Trợ lý, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba, em ruột Luyện) bị truy tố về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền”.
Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (SN 1995, nhân viên kế toán Công ty Alibaba) bị truy tố tội “rửa tiền”.
Theo cáo trạng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm người đại diện theo pháp luật của các công ty, sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.
Để có tiền mua đất, Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như: đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng.
Mặt khác, để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện sử dụng các thủ đoạn như: Cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Thực tế, hầu hết các dự án đều do Công ty Alibaba tự vẽ ra, chưa được phép phân lô, tách thửa, không phải đất thổ cư như Công ty Alibaba quảng cáo và thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Việc đưa ra quyền chọn hoặc các phụ lục hợp đồng kèm theo chỉ nhằm mục đích thu hút nhiều nhà đầu tư vào các dự án.
Cơ quan chức năng kết luận, bằng các thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng của 4.316 khách hàng.
Trong quá trình điều tra, Luyện thừa nhận mình là người chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Công ty Alibaba; chỉ đạo các nhân viên dưới quyền đi mua đất nông nghiệp, giá mua theo khung giá Luyện chỉ định, vị trí đất do Luyện định hướng, chỉ khi Luyện đồng ý thì Võ Thị Thanh Mai mới yêu cầu nhân viên lập phiếu chi (tiền mặt) hoặc UNC (chuyển khoản) tùy theo yêu cầu của người bán. Luyện cũng là người yêu cầu, chỉ đạo bộ phận thiết kế vẽ đồ họa, người duyệt khi lên sơ đồ lô, thửa đất, giá cả hàng hóa khi bán cho khách hàng.
Tuy nhiên, Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo cho rằng mình không quảng cáo gian dối, không chiếm đoạt tiền của ai; bị cáo không phân lô trái pháp luật. Toàn bộ GCNQSDĐ đều có quy hoạch rõ ràng; Việc phân lô bán nền được Luyện chỉ đạo các nhân viên thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Hiện bị cáo đang sở hữu hơn 430 ha đất nên quy kết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không có căn cứ pháp luật.
Dù Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng kết quả điều tra xác định: lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng QSDĐ. Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty, đứng tên đứng tên Giám đốc. Người đại điện theo pháp luật của các công ty này là những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện (các cổ đông tham gia góp vốn thành lập Công ty chỉ là hình thức, thực tế không đóng góp tiền). Sử dụng hệ thống công ty trực thuộc này tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.
Nguồn tiền mua đất nông nghiệp được huy động từ chính khách hàng bằng cách, dùng pháp nhân của Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống, tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật; cùng với đó đưa ra các thông tin không có thật như đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ; tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy đồng tiền từ khách hàng.
Có trường hợp, dù không ký hợp đồng đặt cọc hoặc nhận chuyển nhượng, lô đất nông nghiệp thuộc sở hữu của người dân đang sử dụng, nhưng các bị cáo vẫn tự đặt tên dự án, phân lô, chia nền, trên đất nông nghiệp của người khác để thu hút nguồn tiền từ khách hàng (dự ánPhú Mỹ Center City...); hoặc sử dụng thủ đoạn “xoay vòng” bằng cách' nhiều dự án mới chỉ đặt cọc mua thửa đất nông nghiệp, chưa thực hiện giao dịch chuyển nhượng công chứng, các bị cáo chưa có quyền sở hữu lô đất nhưng cũng được đặt tên dự án hấp dẫn kêu gọi khách hàng đầu tư (dự án Ali Vienice City....); hoặc các dự án tự vẽ ra.
Sau khi bán còn tồn đọng, Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo đổi tên hoặc yêu cầu sát nhập tạo dự án mới để khách hàng tin tưởng Công ty Alibaba lớn mạnh. Có nhiều sản phẩm mà tham gia đầu tư vào Công ty Alibaba (Dự án Long Phước được đổi tên thành Long Phước 1. Cuối năm 2018, khi Alibaba Long Phước 1 không còn bán được cho khách hàng, Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo các bộ phân Công ty Alibaba đổi tên Dự án Alibaba Long Phước 1 thành Dự án Alibaba NewLand; hoặc dự án Alibaba Long Phước 6 khi không bán được Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo cấp dưới tự vẽ lại Dự án Alibaba City Land, Alibaba Luxury City; hoặc dự án Alibaba Golden City được chuyển tên từ Alibaba Long Phước 12...); và đưa ra thủ đoạn bán hàng Cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Với các phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được Giấy chứng nhận QSDĐ dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các Hợp đồng quyền chọn hoặc Phụ lục hợp đồng kèm theo.
Bằng các thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Thái Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt 2.264.186.156.045 đồng của 4.316 khách hàng. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4, Điều 174 BLHSvới vai trò chủ mưu.
Đối với 22 đồng phạm với vai trò giúp sức cho Nguyễn Thái Luyện cũng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài tội danh này, vợ và em trai của Luyện là Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực; kế toán Huỳnh Thị Kim Thắng bị truy tố về tội “Rửa tiền” quy định tại Điều 324 BLHS năm 2015.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Thái Luyện khẳng định đến thời điểm này không có bị hại nào bị mất tiền. Bị cáo Luyện cho rằng mình không chối bỏ trách nhiệm dân sự với khách hàng và khẳng định với tài sản hiện tại của bị cáo sẽ trả đủ cho khách hàng, không để ai bị mất tiền.
Trong trường hợp xảy ra thanh lý với giá thấp nhất 1 triệu đồng/m2 thì đủ tiền trả hết cho các bị hại, bị hại nào nhận đất cũng đủ đất để giao. Các bị cáo trong vụ án vì tin tưởng lập luận của bị cáo Luyện mong muốn giúp khách hàng an cư và đầu tư, mong muốn tạo công ăn việc làm cho mọi người nên họ vừa phải chịu trách nhiệm lao lý, vừa là nạn nhân.
Bị cáo Luyện xin nhận hết trách nhiệm dân sự và hình sự, xin HĐXX xem xét giảm án cho các bị cáo trong vụ án, bằng thời gian tạm giam cũng đủ để họ cảnh tỉnh, vì họ không có ý thức chiếm đoạt, họ chỉ làm theo mệnh lệnh.
Đối với khách hàng, bị cáo Luyện mong muốn tất cả các khách hàng sẽ nhận lại đủ tiền đã đầu tư trong thời gian sớm nhất. Đối với bản thân mình, bị cáo Luyện không xin giảm nhẹ cho mình.