Vụ án Alibaba: Nhiều bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Kim Sáng| 20/12/2022 14:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong phần tự bào chữa, nhiều bị cáo bật khóc và nói do không hiểu biết về pháp luật nên dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay, các bị cáo ăn năn hối cải và mong muốn HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt để sớm quay về với gia đình.

Ngày 20/12, phiên tòa xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba đối với Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm tiếp tục với phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo.

Bị cáo Vi Thị Hiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Sunny Land bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 16-18 năm tù về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Hiến cho biết mức án mà VKS đề nghị là quá nặng đối với những hành vi của mình, bị cáo đề nghị HĐXX tuyên mức án nhẹ hơn khung hình phạt.

Luật sư của bị cáo Hiến cho rằng bị cáo không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về sử dụng đất” tại Điều 228 Bộ luật hình sự.

1.-phien-toa-xet-xu-nguyen-thai-luyen-va-22-dong-pham-ve-toi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-va-rua-tien-.jpg
Phiên toà xét xử Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”

Luật sư đề nghị xem xét lại vai trò của bị cáo trong vụ án vì bị cáo Hiến chỉ có thể là đồng phạm giúp sức thứ yếu. “Xuất phát điểm là nhân viên bán hàng trong Công ty Alibaba rồi được làm trưởng nhóm bán hàng. Đến tháng 6/2019, bị cáo được lãnh đạo công ty chỉ đạo đứng tên đại diện theo pháp luật, giám đốc Công ty Sunny Land. Trên danh nghĩa Hiến là người đại diện theo pháp luật của công ty, tuy nhiên trên thực tế hồ sơ dự án, con dấu và các văn bản của công ty đều không được quản lý và đều do Trang Chí Linh đưa”, luật sư phân tích.

Luật sư cũng nêu một số tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Hiến như thành khẩn khai báo, chủ động khắc phục hậu quả (9 triệu đồng), đã nhận thức hành vi của mình là sai, bản thân là dân tộc thiểu số. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX tuyên mức án nhẹ hơn khung hình phạt.

Cũng tại phiên toà, trong phần tự bào chữa, bị cáo Đào Thị Thanh Lợi khóc lóc, trình bày với HĐXX, bản thân bị cáo học Quản trị Kinh doanh, vì muốn kiếm tiền, không muốn phụ thuộc vào gia đình nên vừa ra trường đã vào làm tại Công ty Alibaba, bản thân bị cáo không hiểu về Luật đất đai, lúc vào Công ty Alibaba làm văn phòng, giấy tờ, khi làm thấy môi trường năng động, phù hợp nên cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình và càng ngày càng phấn đấu để lên vị trí cao hơn.

Được Luyện tin tưởng, cho đứng tên trên những lô đất, bị cáo nghĩ tin tưởng nên ký chứ không nhận bất kỳ tiền bạc hay lợi nhuận gì từ các dự án, các sổ ký uỷ quyền cho công ty. “Mức án 13-14 năm là quá nặng, đối với một người trẻ tuổi như bị cáo không am hiểu về pháp luật, không biết rằng những hành vi của mình vô tình vi phạm pháp luật, cả tuổi trẻ của bị cáo cống hiến nhiều cho công ty, kính mong HĐXX và Viện Kiểm sát giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm trở về với gia đình”, bị cáo Lợi nói trước toà.

Theo đó, bị cáo Lợi bị VKS truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

2.-bi-cao-luyen-va-cac-dong.jpg
Bị cáo Luyện và các đồng phạm tại toà

Tại phần bào chữa cho bị cáo Lợi, luật sư nói: Trong 3 năm làm việc tại Công ty Alibaba (tháng 9/2016 – tháng 9/2019), một bi kịch từ một người thiếu nữ đáng lẽ đã yên bề gia thất tại quê nhà lại trở thành một bị cáo đứng trước bục khai báo của một phiên toà mà cả nước đều đang theo dõi từng ngày về từng lời khai của các bị cáo, bị hại. Phải nói rằng đây là một bi kịch không riêng gì của bị cáo Lợi mà của một số bị cáo khác.

“Trong phiên toà, không chỉ riêng bị cáo Lợi mà nhiều bị cáo khác cũng là người đại diện pháp luật của 22 công ty, cũng là chức danh Giám đốc, Tổng Giám đốc nhưng thực sự là hữu danh vô thực, tất cả chỉ là những con rối, là công cụ chịu sự điều khiển theo ý chí của Luyện”, luật sư nói.

Theo luật sư, những hoạt động, công việc hàng ngày của Lợi chỉ là vai trò đơn thuần của một nhân viên, không trực tiếp tiếp xúc, thu tiền, không marketing để vận động, lôi kéo khách hàng mua nền đất để ký hợp đồng, đem lại tiền cho công ty. Nếu Lợi không làm việc này thì cũng có nhân viên khác làm.

“Mặc dù chức danh là Phó Tổng giám đốc phụ trách về tổ chức nhưng vai trò của Lợi rất mờ nhạt trong vụ án này”, luật sư khẳng định.

Cũng theo luật sư, trong vụ án Alibaba, những người đứng đầu công ty có động thái chuyển nguy cơ rủi ro để chịu trách nhiệm về hình sự, dân sự cho các nhân viên nếu có.

Cũng tại phần bào chữa, nhiều bị cáo cho biết không bàn bạc, trao đổi và không hưởng lợi. Đối với các hợp đồng, văn bản đều do bộ phận pháp lý thông báo và chuẩn bị sẵn. Các bị cáo bật khóc, bày tỏ ăn năn hối cải và mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt.

Chiều 20/12, các luật sư tiếp tục phần bào chữa cho các bị cáo.

Trước đó, ngày 19/12, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đã tiến hành luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Theo đó, VKS đề nghị mức án tù chung thân đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện.

Cùng tội danh trên, VKS đề nghị Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) 16 - 18 năm tù; các bị cáo đồng phạm còn lại với Luyện trong nhóm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị VKS đề nghị từ 12 - 20 năm tù.

Đối với bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) và bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) bị đề nghị cùng mức án 30 năm tù về tội “Rửa tiền” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán) bị VKS đề nghị từ 5 - 6 năm tù về tội “Rửa tiền”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án Alibaba: Nhiều bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt