Tú và vợ là Trần Thị Thanh Vân (52 tuổi) bị bắt sau khi trụ sở công ty của họ đóng tại TP Thuận An bị Công an Đồng Nai phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự, Công an Bình Dương khám xét sáng cùng ngày. Hàng loạt cây xăng, bồn chứa, bến thủy nội địa... liên quan đến công ty này đã bị niêm phong sau khi cảnh sát lấy mẫu.
Động thái này được thực hiện khi Công an Đồng Nai mở rộng điều tra chuyên án sản xuất 200 triệu lít xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ở TP HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, quê Vĩnh Long) cầm đầu.
Qua điều tra, cảnh sát xác định vợ chồng Tú đã thu mua xăng nhập lậu, xăng giả của Hữu, sau đó phân phối ra thị trường. Để tiện kinh doanh, Tú đã xây dựng bến thủy nội địa, dùng bốn tàu có tải trọng 400-1.000 tấn để vận chuyển xăng nhập lậu, xăng giả; một kho với bảy bồn chứa, tổng dung tích khoảng 4.500.000 lít.
Ngoài bán tại các cây xăng của Công ty Vân Trúc, vợ chồng Tú đã phân phối xăng nhập lậu, xăng giả cho các cây xăng tại các tỉnh phía Nam. Mỗi ngày, công ty này đã đưa ra thị trường tiêu thụ trên 500.000 lít xăng nhập lậu, xăng giả.
Đường dây sản xuất xăng giả lớn nhất từ trước đến nay bị bắt tối 6/2. 500 trinh sát chia ra 14 mũi bất ngờ vây ráp tụ điểm sang chiết, nhập hàng và kinh doanh xăng giả ở Vĩnh Long, Đồng Nai, Long An, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Hơn 100 tỷ đồng, 50 sổ đỏ đất đai, 12 thùng hồ sơ; 2 tàu biển 2.500 tấn, 5 sà lan 400 -1.000 tấn, 6 xe bồn, 2.680.000 lít xăng, 4 thùng hoá chất... bị thu giữ.
Cơ quan điều tra cho rằng có khoảng một triệu lít xăng giả được đưa ra thị trường mỗi ngày từ "lò" pha chế giữa sông Hậu. Tính từ tháng 8/2020 đến khi bị bắt, nhóm nghi phạm đã bán hơn 200 triệu lít. Đường dây này quy mô và tinh vi hơn đường dây do Trịnh Sướng cầm đầu bị triệt phá hai năm trước.
Công an Đồng Nai đã khởi tố, bắt tạm giam 39 người về các hành vi Buôn lậu; Sản xuất buôn bán hàng giả; Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và Nhận hối lộ. Trong đó, Ngô Văn Thụy (cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) bị điều tra hành vi Nhận hối lộ.