Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã làm tốt công tác quản lý, giải ngân vốn vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Cùng với việc đẩy mạnh khai thác nguồn lực từ các chương trình, dự án, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác tín dụng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi giúp các hội viên có vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện Tam Dương giúp gia đình anh Phùng Văn Nghĩa, xã Hợp Thịnh (Tam Dương) phát triển chăn nuôi, thoát nghèo. Ảnh: Chu Kiều
Phát huy vai trò cầu nối nhận ủy thác vốn vay ưu đãi từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, Hội Nông dân tỉnh đã làm tốt công tác quản lý, giải ngân vốn vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, giúp hàng nghìn hội viên tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, khoa học kỹ thuật, cách thức làm ăn, chủ động vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp: Phân công cán bộ có năng lực thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ số hộ vay vốn để kịp thời hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay bảo đảm đúng mục đích; tăng cường thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ theo đúng quy định pháp luật; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về chương trình tín dụng ưu đãi cho cán bộ, hội viên…
Đặc biệt, để giúp các hộ vay sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được vay, trung bình mỗi năm, Hội phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức kinh tế đóng trên địa bàn tổ chức trên 100 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với khoảng 10.000 lượt hộ nông dân tham gia.
Tính đến tháng 4/2015, Hội Nông dân các cấp đang nhận ủy thác nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho gần 29.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay. Toàn tỉnh có trên 830 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân quản lý tại địa bàn 132/137 xã, phường, thị trấn với tổng dư nợ trên 890 tỷ đồng. Trong đó, nhiều chương trình đã phát huy hiệu quả cao như: Cho vay hộ nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường, học sinh, sinh viên thông qua hộ gia đình, giải quyết việc làm, hộ đồng bào dân tộc thiểu số…
Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng.
Trong đó, Hội chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm truyền tải đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Ðảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến hội viên; tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động ủy thác cho vay và kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn được nông dân sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả; kịp thời biểu dương những điển hình trong tổ chức thực hiện ủy thác, sử dụng vốn vay. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả… giúp các hộ dân từng bước thoát nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh.