Vietnam Airlines bị phạt 170 triệu đồng do các vi phạm về chứng khoán

Nhật Minh| 23/07/2022 21:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Do những sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Vietnam Airlines vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính với tổng số tiền 170 triệu đồng.

Ngày 21/7/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 491/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN), địa chỉ: 200 Nguyễn Sơn, phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

hangkhongvietnam.jpg
Thông tin về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam được đăng tải trên website Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Cụ thể, Vietnam Airlines công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) các tài liệu: Báo cáo thường niên năm 2020, báo cáo tài chính quý I/2022, thông tin về việc thoái vốn tại Hãng Hàng không Cambodia Angkor Air từ công ty liên kết thành không còn là công ty liên kết.

Theo đó, hãng bay bị phạt tiền 50 triệu đồng theo quy định điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn bị phạt tiền 100 triệu đồng quy định tại điểm a khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021 ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020 (Nghị định số 128/2021) do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Nhiệm kỳ 2021-2025, hãng hàng không này chỉ có 7 thành viên Hội đồng quản trị, trong đó chỉ có 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

UBCKNN cũng phạt tiền 20 triệu đồng với Vietnam Airlines theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 156/2020 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021 do công ty đại chúng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty. Trong Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán, Vietnam Airlines chưa thuyết minh chi tiết thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Ban Tổng Giám đốc.

Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày 21/7. Tổng cộng, Vietnam Airlines bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán là 170 triệu đồng.

Trước đó, ghi nhận tại cuộc họp Đại hội cổ đông hồi tháng 6 cho thấy, trong năm 2022, Vietnam Airlines dự kiến thu về 45.252 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

vietnamairlines.jpg
Ảnh minh họa

Theo Tổng giám đốc Lê Hồng Hà, việc nối lại các chuyến bay quốc tế, cũng như hoạt động du lịch sau đại dịch sẽ giúp ngành hàng không có cơ hội phục hồi.

Mặc dù vậy, Vietnam Airlines vẫn dự kiến lỗ ròng 9.335 tỷ đồng, thu hẹp khoảng 23,5% so với khoản lỗ ghi nhận trong năm 2021. Nguyên nhân được cho là do giá nhiên liệu có tác động đến hoạt động kinh doanh, đẩy chi phí của công ty thêm 4.300 tỷ đồng nếu tiếp tục duy trì hoạt động ở mức cao.

Bên cạnh việc giá nhiên liệu tăng, ông Lê Hồng Hà cũng chỉ ra những yếu tố khác như xung đột giữa Nga và Ukraine, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát…

Thêm vào đó, sự tăng trưởng chậm của thị trường hàng không châu Á, ví dụ như việc Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách Zero COVID-19 hay Hàn Quốc và Nhật Bản mở cửa từ từ đã làm giảm tốc độ phục hồi của hàng không trong nước...

Trong hai năm 2020 và 2021, dưới tác động của dịch Covid-19, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu 68.850 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế lên tới 24.516 tỷ đồng.

Trong quý I năm nay, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 11.600 tỷ đồng, tăng mạnh 55% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ quý II năm 2020.

So với kết quả kinh doanh các năm trước, hãng báo lãi khá khiêm tốn dù doanh thu gần chạm ngưỡng 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, biên lợi nhuận ròng của công ty có xu hướng giảm dần theo thời gian, từ 2,9% trong năm 2016 xuống 2,5% vào năm 2019.

Trong năm 2022, Vietnam Airlines tập trung tái cơ cấu danh mục đầu tư. Cụ thể, hãng sẽ hoàn thành việc tái cơ cấu Pacific Airlines, thanh lý tài sản, bán và cho thuê máy bay, tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines dự kiến chuyển nhượng, thoái vốn tại một số doanh nghiệp thành viên. Hiện công ty này đang có 19 công ty con và 2 công ty liên kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vietnam Airlines bị phạt 170 triệu đồng do các vi phạm về chứng khoán