Việt Nam thuộc nhóm 4 nước có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay, cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ.
Ngày 23/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.
Trình bày tờ trình dự án Luật này trước Quốc hội, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau khi Luật Phòng, chống HIV/AIDS được ban hành năm 2006, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã được triển khai rộng rãi, đồng bộ và có hiệu quả cao.
Trung bình, hằng năm xét nghiệm HIV cho trên 700.000 lượt người có nguy cơ cao, phát hiện 8.000-10.000 người nhiễm HIV. Trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS liên tục thuyên giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%.
“Theo ước tính của UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS), Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS", ông Long nói và cho biết, Việt Nam thuộc 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ.
Tuy nhiên bên cạnh đó, một số quy định của Luật HIV đã bộc lộ các tồn tại, bất cập dẫn đến việc sửa đổi, bổ sung Luật HIV là cần thiết để bảo đảm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Nghị quyết 20-NQ/TW.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS dựa trên hai chính sách: Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và Bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng.
Trong đó bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV cho người có quan hệ tình dục với mình để phòng lây nhiễm HIV cho người đó; Điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng được ưu tiên tiếp cận truyền thông về HIV/AIDS; Bổ sung trường hợp cơ quan thông tin đại chúng được thu phí truyền thông về HIV/AIDS theo đặt hàng để phù hợp với thực tiễn về tự chủ tài chính hiện nay; Mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được triển khai một số dịch vụ HIV/AIDS;
Giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi cho phù hợp với thực tiễn; Quy định cụ thể các kỹ thuật xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu phát triển kỹ thuật hiện nay. Bổ sung quy định người được xét nghiệm HIV cung cấp thông tin cá nhân để nhận kết quả xét nghiệm khẳng định HIV;…
Về việc xét nghiệm đối với phụ nữ mang thai, có thể nói, đây là một chính sách hết sức nhân văn và ý nghĩa. Trước đây, khi 100 bà mẹ mang thai dương tính với HIV/AIDS mà chúng ta chưa xét nghiệm hoặc chưa có phương pháp điều trị thì có tới 35 cháu sinh ra bị dương tính. Nhưng sau khi chúng ta triển khai các chương trình xét nghiệm cũng như vấn đề về điều trị thì con số này giảm một cách rõ rệt, có thể dự phòng được cho khoảng 99,5% các cháu sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV không bị dương tính.
Tuy nhiên, do những hạn chế về nguồn lực cho nên trong thời gian qua chúng ta chưa triển khai được việc này một cách rộng khắp. Chúng ta phải nhờ vào nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cũng như huy động sự đóng góp của cộng đồng.
Bộ Y tế nghiên cứu và xin đề nghị Quốc hội cho phép sửa trong Luật là đối với tất cả những phụ nữ mang thai có thẻ bảo hiểm y tế thì được Bảo hiểm y tế thanh toán khi xét nghiệm HIV/AIDS. Hiện nay, chúng ta có khoảng 90% người dân đã có thẻ bảo hiểm y tế, số 10% còn lại cũng như phần đồng chi trả sẽ do ngân sách nhà nước chi trả. Như vậy, chúng ta đảm bảo được 100% phụ nữ mang thai sẽ được miễn phí trong việc xét nghiệm HIV, đảm bảo tính công bằng cũng như tiếp cận đối với việc dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Việc huy động cho Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV rất hạn chế và hiện đã được các chính sách khác bảo đảm nên không cần thiết duy trì quỹ này.
Từ thực tế trên, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HIV 2006 là cần thiết, để đáp ứng kịp thời và phát huy hiệu quả của Luật phòng, chống tác hại của HIV/AIDS.
Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội lưu ý, chính sách này có liên quan, ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm. Vì vậy, việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa giữa đảm bảo quản lý nhà nước nhưng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bệnh, phù hợp với khuyến nghị quốc tế.
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS vào ngày 16/11.