Hà Lan - Việt Nam hoàn toàn có thể vượt xa hơn nhiều những thành quả đã đạt được cho đến hôm nay và trở thành sự kết nối kinh tế sâu sắc toàn diện giữa ASEAN và EU, Thủ tướng khẳng định tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan.
Chiều 10/7 theo giờ địa phương (tối 10/7, giờ Việt Nam), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức làm việc tại Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan.
Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Giới chủ Hà Lan tổ chức, với sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Chính sách xã hội và việc làm Hà Lan, ông Lodewijck Asscher, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoàng gia Hà Lan, ông Michael van Straalem. Về phía Việt Nam, có lãnh đạo một số bộ, ngành, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cùng hơn 450 doanh nghiệp hai nước.
Kết hợp sức mạnh của “Rồng và Sư tử”
Mở đầu bài phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Hà Lan Lodewijck Asscher đã dẫn câu thành ngữ của Việt Nam “Ăn bát cơm dẻo nhớ nẻo đường đi” có ngụ ý là nếu muốn đi nhanh đến đích thì hãy chọn con đường cũ. Ông cho rằng câu thành ngữ này hoàn toàn đúng đối với sự kiện hôm nay và đây cũng là một nguyên tắc dẫn tới thành công. “Tôi rất mừng khi chúng ta có tiến triển trong lĩnh vực này những năm gần đây”, ông Lodewijck Asscher bày tỏ và nhìn nhận với 93 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ khổng lồ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan
Bắt đầu bằng câu thành ngữ Việt Nam, kết thúc phát biểu, Phó Thủ tướng Lodewijck Asscher dẫn câu ngạn ngữ Hà Lan đại ý rằng khi nhìn thấy những con gấu trên đường, nhiều người chỉ nhìn thấy nguy hiểm và trở ngại mà không nhìn thấy những cơ hội tiềm năng. “Khi tôi nhìn quanh khán phòng ngày hôm nay, tôi cảm thấy rất vui khi không chỉ có sự hiện diện của những chú gấu đại diện cho thách thức và cơ hội. Tôi còn nhìn thấy những con rồng Việt Nam và những con sư tử Hà Lan đang sẵn sàng đồng hành trên con đường đi tới thành công”, ông Lodewijck Asscher nói.
Nhất trí với so sánh của Phó Thủ tướng Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự kết hợp của những con rồng, sư tử của hai nước sẽ tạo ra sức mạnh rất lớn mà “chúng ta đón nhận trong tương lai”.
“Câu nói mà Ngài Phó Thủ tướng vừa trích lại rằng muốn đi nhanh chọn con đường cũ, câu nói đó hoàn toàn đúng trong bối cảnh hiện nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Điểm lại lịch sử quan hệ Việt Nam – Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước bắt đầu từ thế kỷ 17, khi các đội tàu buôn của Công ty Đông Ấn Hà Lan đã cập cảng, buôn bán và lập chi nhánh tại Hội An, Quảng Nam. Nay Hội An là di sản Văn hóa thế giới do UNESCO công nhận. Các thương nhân Hà Lan cũng là các thương nhân phương Tây đầu tiên mở thương điếm ở Phố Hiến thuộc tỉnh Hưng Yên miền Bắc Việt Nam.
“Có thể nói từ 400 năm trước, người Hà Lan chính là doanh nhân phương Tây tiên phong trong giao thương với đất nước của chúng tôi. Tổ tiên của các bạn chính là những người phương Tây thông thái, nhạy bén, hiểu rõ Việt Nam nhất”, Thủ tướng nói và cho rằng có lẽ vì vậy mà chúng ta không ngạc nhiên khi hôm nay nhiều doanh nghiệp của Hà Lan không chỉ được ưa chuộng mà còn là những doanh nghiệp FDI thành công toàn diện nhất tại Việt Nam.
Những năm qua, hiện nay và sắp tới đây, Hà Lan là một trong những đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu lớn hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Số dân hai nước cộng lại chỉ trên 100 triệu, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều đã lên trên 7 tỉ USD. Đến tháng 3/2017, đầu tư Hà Lan vào Việt Nam đã đạt 7,65 tỉ USD, đứng đầu EU và chiếm 35,5% tổng vốn đầu tư của khu vực này đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam-Hà Lan, sự kết nối kinh tế toàn diện giữa ASEAN và EU
Cho biết về quá trình tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã cam kết dỡ bỏ các hạn chế trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ viễn thông, tài chính, ngân hàng, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia không hạn chế hoặc nâng trần giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
“Môi trường kinh doanh của Việt Nam hoàn toàn đủ màu mỡ để ươm mầm nên những doanh nghiệp hàng đầu châu Á”, Thủ tướng khẳng định và cho biết, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh năm 2016 – 2017, Việt Nam đã tăng lên 9 bậc từ 82 lên 91 trên 190 quốc gia. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 60 trên 138 nước.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thuộc tốp 1.000 doanh nghiệp hàng đầu châu Á. Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng nhanh nhất của châu Á. Quy mô thị trường chứng khoán hiện nay đã lên trên mức 100 tỷ USD. 20 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên và sẽ có nhiều doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD khác chuẩn bị lên sàn.
Về điều kiện tự nhiên, Việt Nam có thể mạnh độc đáo trong nông nghiệp, đặc biệt về nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, các loại trái cây đặc sản nhiệt đới, cây lương thực và dược liệu. Thủ tướng mong muốn và khuyến khích các doanh nghiệp Hà Lan tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực chế biến sâu, hướng Việt Nam vào các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt trước thách thức về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí việc tham gia của khu vực tư nhân vào các mục tiêu phát triển bền vững có ý nghĩa quyết định. “Việt Nam chờ đợi sự quan tâm của khu vực kinh tế tư nhân Hà Lan giúp Việt Nam giải quyết những thách thức này”, Thủ tướng nêu rõ. Đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Hà Lan, kể cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nếu biết tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế ngoại giao, đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam– EU sắp được ký kết chính thức, Hà Lan – Việt Nam hoàn toàn có thể vượt xa hơn nhiều những thành quả đã đạt được cho đến hôm nay và trở thành sự kết nối kinh tế sâu sắc toàn diện giữa ASEAN và EU, giữa một bên là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới và một bên là khối thị trường có sức cầu, có công nghệ và những công ty danh tiếng hàng đầu thế giới.
“Chính phủ Việt Nam chắc chắn luôn đồng hành, cùng chia sẻ, cùng bảo vệ các bạn và chúc các bạn thành công”, Thủ tướng nói trong tiếng vỗ tay hoan nghênh của các đại biểu.
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc trao đổi, đối thoại về các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm như tầm nhìn và chiến lược của Chính phủ về xuất khẩu nông nghiệp những năm sắp tới, thách thức của thị trường Việt Nam.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng cũng chứng kiến việc trao đổi 11 văn kiện hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trị giá khoảng 700 triệu USD.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng món quà đặc biệt của Chương trình Thương hiệu Thực phẩm Việt Nam cho đại diện Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan. Hộp quà gồm một số sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của thực phẩm Việt Nam đã được xuất khẩu ra nhiều nước.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Doanh nghiệp bàn tròn tập trung thảo luận về chủ đề thành phố thông minh và thành phố sân bay.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam đang nghiên cứu nghiêm túc để áp dụng, phát triển thành phố thông minh. Thủ tướng mong đối tác Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh tới đây, mô hình này sẽ được xây dựng tại Bình Dương. Đây không đơn thuần là vấn đề giao thông, đó còn là vấn đề liên quan người dân, chính sách...
Về thành phố sân bay, Thủ tướng cho rằng đột phá của ngành hàng không hiện nay là xây dựng các cảng hàng không hiện đại. Các mô hình thành phố sân bay thân thiện môi trường rất được quan tâm tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu và Thủ tướng hy vọng đối tác Hà Lan giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam lĩnh vực này.