Những ngày vừa qua, thông tin về ĐBQH Phạm Phú Quốc (đoàn ĐBQH TP. HCM) có 2 quốc tịch: Việt Nam và Cộng hoà Síp (Cyprus) khiến nhiều người quan tâm. Vậy, về góc độ pháp lý, Việt Nam có áp dụng nguyên tắc hai quốc tịch hay không và hướng xử ra sao?
ĐBQH không thể có hai quốc tịch
Liên quan đến việc ĐBQH Phạm Phú Quốc (Đoàn ĐBQH TP. HCM) có 2 quốc tịch như báo chí đăng tải những ngày vừa qua, trả lời báo chí, TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội khẳng định, ĐBQH không thể có hai quốc tịch.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, Luật Quốc tịch 2008 quy định: Công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch Việt Nam, không được có quốc tịch thứ hai, ai muốn nhập quốc tịch khác phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Năm 2014, Luật Quốc tịch được sửa đổi, có mở ra một số trường hợp có thể có hai quốc tịch, nhưng ĐBQH không thuộc diện này. Quan trọng hơn, theo nguyên tắc pháp quyền, công dân được làm những gì pháp luật không cấm, nhưng công chức, viên chức và cán bộ cơ quan Nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép. Pháp luật không cho phép ĐBQH có 2 quốc tịch. Bên cạnh đó, để vào quốc tịch Síp phải có số tiền rất lớn, mà theo thông tin tới hiện tại, đại biểu Phạm Phú Quốc chưa kê khai tài sản này, tức vi phạm nguyên tắc kê khai tài sản.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Tuý, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội cũng cho biết, tới thời điểm hiện tại, ĐBQH Phạm Phú Quốc chưa kê khai việc có quốc tịch Síp với bất cứ cơ quan nào của Quốc hội. Theo quy định, trong quá trình làm ĐBQH, nếu có thay đổi về lý lịch, đại biểu phải báo cáo với cơ quan quản lý.
Về Phương án xử lý, ông Trần Văn Túy cho hay, ĐBQH Phạm Phú Quốc thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nên đại biểu Quốc phải báo cáo, giải trình sự việc đến cơ quan này. Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phải xác minh cụ thể (từ cơ quan quản lý hộ chiếu, hộ tịch, xem đại biểu Phạm Phú Quốc có hai hộ chiếu, hộ tịch hay không, thời điểm nhận hộ chiếu Cộng hòa Síp là khi nào…; lấy ý kiến từ Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh (là cơ quan tổ chức hiệp thương giới thiệu ông Phạm Phú Quốc ứng cử ĐBQH khóa XIV) rồi gửi Ban Công tác ĐBQH; sau đó Ban Công tác đại biểu sẽ tập hợp toàn bộ hồ sơ trình lên UBTVQH xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng về trường hợp của ông Phạm Phú Quốc.
Đây cũng không phải lần đầu tiên xuất hiện việc ĐBQH Việt Nam mang hai quốc tịch mà không khai báo. Trước đó, năm 2016, ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng bị phát hiện mang hai quốc tịch. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã nhập quốc tịch Cộng hòa Malta và việc nhập quốc tịch Malta cũng không được bà kê khai trong hồ sơ ứng cử ĐBQH. Sau đó Hội đồng bầu cử Quốc gia sau đó đã có cuộc họp không công nhận tư cách ĐBQH khóa XIV của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Vậy vấn đề hai quốc tịch đối với người Việt Nam nói chung và ĐBQH nói riêng được quy định trong luật như thế nào là vấn đề chúng ta cần được bàn đến.
Hiện nay, Luật Quốc tịch các nước không quy định thành nguyên tắc cứng nhưng quan điểm 01 quốc tịch là quan điểm xuyên suốt toàn bộ nội dung của pháp luật quốc tịch các nước trên thế giới, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt luật quy định thì công dân của nước đó mới được phép mang 2 quốc tịch.
ĐBQH Phạm Phú Quốc
Theo các chuyên gia, do tình trạng pháp lý đặc biệt của người 2 hay nhiều quốc tịch, nên trong pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của các quốc gia đều quan tâm giải quyết. Trong những thập kỷ trước, vấn đề này được giải quyết theo hướng hạn chế, giảm tối đa tình trạng 2 hay nhiều quốc tịch, người đó thường trú hoặc cư trú chủ yếu ở nước ngoài và nếu họ đáp ứng các điều kiện quy định trong pháp luật quốc gia về thôi quốc tịch.
Đối với quyền ứng cử, thông thường các quốc gia chỉ công nhận công dân ứng cử là công dân chỉ có một quốc tịch nước ứng cử. Do vậy, nếu ứng cử viên có nhiều quốc tịch sẽ không được tham gia ứng cử vào hệ thống chính trị hoặc là người đó phải từ bỏ quốc tịch khác của mình, thậm chí phải cư trú trên lãnh thổ quốc gia người này ứng cử một thời gian nhất định. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó phần lớn là do sự khác biệt trong quy định pháp luật quốc tịch của các quốc gia nên dẫn tới tình trạng 1 người có 2 hoặc nhiều quốc tịch.
Nguyên tắc 01 quốc tịch xuyên suốt
Qua nghiên cứu các văn bản pháp luật về quốc tịch của Việt Nam cho thấy, Việt Nam lấy nguyên tắc một quốc tịch làm chủ đạo trong xây dựng, thực thi pháp luật và quản lý nhà nước về quốc tịch, phù hợp xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới.
Luật Quốc tịch năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cơ bản đầy đủ điều chỉnh các vấn đề về quốc tịch. Luật cũng quy định những trường hợp đặc biệt có hai quốc tịch gồm: “Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam mà cha mẹ không thoả thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam”. Quy định này nhằm đảm bảo trẻ sinh ra trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam, có cha và mẹ là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho trẻ.
Luật Quốc tịch cũng xây dựng nguyên tắc 01 quốc tịch một cách “mềm dẻo” bằng cơ sở pháp lý để tiếp nhận, đề xuất giải quyết các trường hợp xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam muốn giữ quốc tịch nước ngoài, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép; tạo cơ sở pháp lý để công nhận tình trạng 2 quốc tịch của trẻ được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Và như vậy, trong những trường hợp đặc biệt phải được Chủ tịch nước cho phép không có trường hợp là ĐBQH.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên khi áp dụng Luật Quốc tịch Việt Nam vẫn còn một số vướng mắc do một số quy định chưa rõ ràng và cụ thể, dẫn đến việc khó triển khai thực hiện, như: Luật Quốc tịch Việt Nam quy định khá rõ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch Việt Nam, nhưng chưa có quy định về cơ chế thu hồi các quyết định về quốc tịch để bảo đảm tôn trọng nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam; chưa quy định rõ các biện pháp hữu hiệu để bảo đảm thực thi nguyên tắc một quốc tịch mà chỉ sửa đổi cho “mềm dẻo” để phù hợp hơn với nhiệm vụ, hoàn cảnh thực tế của đất nước.
Đáng chú ý, Luật Quốc tịch năm 2008 quy định:“Vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được giải quyết theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trường hợp chưa có điều ước quốc tế thì được giải quyết theo tập quán và thông lệ quốc tế”.
Nhưng cho đến nay, hầu như Việt Nam chưa ký kết điều ước quốc tế song phương, đa phương với quốc gia nào để giải quyết vấn đề quốc tịch của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, giải quyết các vấn đề liên quan đến công dân Việt Nam có quốc tịch nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc, Luật Quốc tịch 2008 không giải quyết được vấn đề quốc tịch phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.
Bên cạnh những quy định còn chưa cụ thể, rõ ràng như trên, hiện nay, Việt Nam còn thiếu cả cơ chế pháp lý cũng như cơ chế vận hành để giải quyết hậu quả phát sinh từ tình trạng người có 2 hay nhiều quốc tịch. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo nguyên tắc 01 quốc tịch Việt Nam, vì vậy cần chú trọng giải pháp hài hòa giữa nguyên tắc 1 quốc tịch với việc thừa nhận một số ngoại lệ theo quy định về vấn đề 2 quốc tịch, nhưng phải ưu tiên áp dụng quốc tịch Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.
Thứ nhất, cần phải cụ thể hóa các trường hợp đặc biệt (khoản 3 điều 19 Luật Quốc tịch 2008) bởi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa quy định rõ “thế nào là trường hợp đặc biệt” để được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập quốc tịch, xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Thứ hai, giải pháp nhằm nâng cao quản lý nhà nước liên quan đến giấy tờ chứng minh quốc tịch như: Bổ sung quy định nhằm hủy bỏ giá trị của giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (Điều 11 Luật Quốc tịch) của những người đã được thôi quốc tịch bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Cần có cơ chế thông tin giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an để thực hiện việc xóa đăng ký thường trú, thu hồi hộ chiếu Việt Nam, chứng minh thư nhân dân của những người đã được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Thứ ba, thực hiện rà soát, thống kê và có biện pháp xử lý các trường hợp cấp chưa đúng giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.