Tòa án địa phương

Vị Thẩm phán giữ vững bản lĩnh, phẩm chất người bảo vệ công lý

Tâm Phúc - Sông Hương 02/06/2024 16:25

Xuyên suốt quá trình công tác, Thẩm phán Bùi Quang Sơn luôn khắc ghi lời Bác và không ngừng trau dồi, bồi đắp phẩm chất của người bảo vệ công lý. Trong ông luôn vẹn nguyên lời thề trước Đảng, giữ vững bản lĩnh, sự thanh liêm và nhân văn của người Thẩm phán Tòa án nhân dân.

Phụng công thủ pháp

13 năm về trước, với cương vị Thẩm phán Tòa Hình sự (Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre), Thẩm phán Bùi Quang Sơn đã trực tiếp xét xử vụ án mà các bị cáo vi phạm pháp luật, móc nối với tổ chức phản động người nước để chống phá Đảng và Nhà nước. Đây là vụ án mà ông nhớ mãi vì tính chất phạm tội cũng như hành vi, thủ đoạn mà các đối tượng dụ dỗ, mua chuộc ông không thành rồi chuyển sang uy hiếp, đe dọa đến tính mạng của ông và gia đình.

Thẩm phán Bùi Quang Sơn nhớ lại, chuyên án KH710 được triệt phá và đưa ra xét xử năm 2011. Đây là chuyên án đấu tranh chống tội phạm phản động do Trần Thị Th. cầm đầu. Các đối tượng hoạt động với mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Vụ án có tính chất phức tạp, có sự tham gia của nhiều đối tượng, lôi kéo theo hàng trăm người ở 12 tỉnh, thành trong cả nước và đặc biệt là có sự giật dây của tổ chức phản động Việt Tân.

z5500098498154_505484fe3c6589d1999223adce1e584f.jpg
Thẩm phán Bùi Quang Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre

Thời điểm đó, Thẩm phán Bùi Quang Sơn được phân công là Chủ tọa phiên tòa xét xử các đối tượng của chuyên án KH710. Khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, ông liên tục bị uy hiếp tinh thần. Các đối tượng phản động bên ngoài thường xuyên bôi nhọ, thông tin sai sự thật về hệ thống Tòa án nhân dân nói chung và về cá nhân Thẩm phán Bùi Quang Sơn nói riêng trên các trang báo, đài phản động…

Không những thế, nhiều đối tượng còn thường xuyên nhắn tin, gọi điện thoại vào số di động của ông. Ban đầu là dụ dỗ, lôi kéo ông với nhiều hứa hẹn, cùng lời khuyên: “Hãy quay về với chính nghĩa”. Khi ông kiên quyết từ chối thì các đối tượng chuyển qua hăm dọa, đe dọa tính mạng của ông và gia đình.

2-anh-bai-2.png

Các lần bị dụ dỗ, hăm dọa, Thẩm phán Bùi Quang Sơn đều thông báo với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền và đều nhận được sự động viên, được đảm bảo an toàn tuyệt đối… Các đối tượng đã bị đưa ra xét xử và chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

Sau khi xét xử chuyên án KH710, Thẩm phán Bùi Quang Sơn còn tham gia xét xử nhiều vụ án có các đối tượng phản động và với những đóng góp của mình, năm 2020, Thẩm phán Bùi Quang Sơn được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Chí công vô tư

Tháng 4 năm 2018, Thẩm phán Bùi Quang Sơn khi đó là Phó Chánh án TAND tỉnh Bến Tre, được phân công xét xử vụ án hình sự về tội đánh bạc. Sau khi vụ án có thông báo đưa ra xét xử, lập tức có người quen liên lạc và thông báo sẽ đến nhà ông chơi. Chiều muộn, khi Thẩm phán Bùi Quang Sơn đang tưới cây ngoài sân thì thấy người phụ nữ (người gọi điện thoại trước đó hẹn đến nhà chơi), đang đứng ngoài cổng, theo cùng là một người đàn ông.

Sau lời chào hỏi, người phụ nữ giới thiệu người đàn ông đi cùng là đương sự trong vụ án mà Thẩm phán Bùi Quang Sơn chuẩn bị xét xử và ngỏ lời nhờ giúp đỡ. Ngay lập tức, Thẩm phán Bùi Quang Sơn thẳng thắn từ chối và không đồng ý việc dẫn đương sự đến nhà; đồng thời mời người phụ nữ và đương sự về.

bt.png
Thẩm phán Bùi Quang Sơn vinh dự được Chánh án TANDTC tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng

Khi quay vào nhà, Thẩm phán Bùi Quang Sơn thấy có túi xách đen, bên trong có 2 trái bưởi và một chiếc phong bì; ông liền gọi điện thoại cho người phụ nữ và yêu cầu quay lại mang quà về nhưng người phụ nữ nói: “Không có gì đâu, anh cứ nhận đi”.

Sáng hôm sau, ông Sơn tiếp tục gọi điện cho người phụ nữ nhưng không liên lạc được. Ngay lập tức, Thẩm phán Bùi Quang Sơn đã mang túi xách ấy lên Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre để báo cáo sự việc với lãnh đạo đơn vị. Khi đơn vị có thẩm quyền lập biên bản, mở phong bì kiểm đếm số tiền là 80 triệu đồng. Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã mời đương sự lên để làm rõ và yêu cầu nhận lại số tiền.

z4803831441504_d67bc32a88d90884d11851ed48bc459c.jpg
Thẩm phán Phạm Văn Ngọt - Chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên (Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre) vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng

Câu chuyện của Thẩm phán Bùi Quang Sơn đã lan tỏa rộng và ông trở thành tấm gương cho cán bộ Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bến Tre học tập, noi theo.

Thực tiễn đã xuất hiện thêm nhiều cá nhân điển hình về sự liêm chính như: Thẩm phán Phạm Văn Ngọt - Chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên (Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre); Thẩm phán Huỳnh Thị Thanh Như (Tòa án nhân dân TP Bến Tre)... nhiều lần từ chối nhận tiền “bồi dưỡng” của đương sự.

Thẩm phán Bùi Quang Sơn cho biết, với người cán bộ Tòa án đặc biệt là Thẩm phán phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, phải đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân lên trên hết; đặc biệt là phải trung thực, liêm chính, chí công vô tư; đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí... và xác định đây vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là yêu cầu cấp bách.

img_9665(1).jpg
Thẩm phán Huỳnh Thị Thanh Như (Tòa án nhân dân TP Bến Tre), nhiều lần từ chối nhận tiền "bồi dưỡng" của đương sự

Mỗi người công tác trong hệ thống Tòa án nhân dân phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ và luôn chú trọng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... và nên bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.

Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân

Trải qua 30 năm làm việc trong hệ thống Tòa án nhân dân, từ thực tiễn công tác cho thấy, dù ở cương vị nào Thẩm phán Bùi Quang Sơn vẫn luôn khắc ghi lời Bác dạy cán bộ tư pháp: “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” và “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”.

Năm 2013, khi về nhận nhiệm vụ Chánh án TAND thành phố Bến Tre, ông có nghe thấy dư luận về tình trạng một số cán bộ Tòa án có thái độ giao tiếp chưa chuẩn mực với công dân. Ngay lập tức, Chánh án Bùi Quang Sơn họp cơ quan, yêu cầu sửa chữa phòng tiếp dân, trong đó lập phiếu đánh giá với 4 mục là: rất hài lòng, hài lòng, chưa hài lòng và ý kiến khác.

img_9657.jpg
Người dân đến liên hệ công tác tại Tòa án và sau đó ghi phiếu đánh giá.

Mỗi một công dân đến liên hệ Tòa án đều được phát phiếu đánh giá, sau khi đánh giá xong thì bỏ vào thùng phiếu. Đặc biệt, trên thùng phiếu có dòng chữ: “Nếu quý khách chưa hài lòng về sự phục vụ của cán bộ công chức thì liên hệ số điện thoại 090xxx”, số điện thoại dán trên thùng phiếu chính là số của Chánh án Bùi Quang Sơn.

Mô hình lấy phiếu đánh giá của TAND thành phố Bến Tre sau đó được nhân rộng ra toàn bộ Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bến Tre và nhiều Tòa án các địa phương cũng về học tập mô hình này để áp dụng tại đơn vị mình.

anh-co-nen-bai-2-2-.png

Trong chương trình hành động ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2021 - 2026 và sau khi trúng cử, Thẩm phán Bùi Quang Sơn luôn thực hiện lời hứa trước cử tri, thực hiện chương trình hành động của mình là: Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, hiệu lực, hiệu quả trong xử lý công việc và công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án; xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền con người và quyền công dân…

Theo đánh giá của Thẩm phán Bùi Quang Sơn, khi hệ thống Tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì cũng chính là góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

10.jpg
Thẩm phán Bùi Quang Sơn làm chủ tọa phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án hình sự (ngày 31/5/2024), được truyền trực tuyến đến 146 điểm cầu trong TAND hai cấp các tỉnh thuộc địa hạt thẩm quyền tư pháp của TAND cấp cao tại TP.HCM.

“Là đại biểu của dân, tôi ý thức bản thân phải luôn cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu được nỗi trăn trở, bức xúc của cử tri về an sinh xã hội, an ninh trật tự, môi trường và đặc biệt là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, để tìm ra giải pháp phù hợp từng bước ngăn chặn và đẩy lùi. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương và cả nước”, Thẩm phán Bùi Quang Sơn chia sẻ thêm.

Xuyên suốt quá trình công tác cho thấy, Thẩm phán Bùi Quang Sơn thực sự là tấm gương về đức tính thanh liêm, cương trực và nhân hậu. Những tấm gương như ông đã và đang ngày đêm tận tụy công tác, góp phần xây dựng hình ảnh hệ thống Tòa án nhân dân trong sạch vững mạnh và xây dựng quê hương Đồng Khởi ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Trong quá trình thực thi công vụ, Thẩm phán Bùi Quang Sơn từng trực tiếp xét xử vụ án có tính chất phức tạp nên nhiều lần đối mặt với sự đe dọa, nguy hiểm và cám dỗ. Nhưng với phẩm chất trong sáng, bản lĩnh vững vàng, dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý, ông đã vượt qua tất cả... và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị Thẩm phán giữ vững bản lĩnh, phẩm chất người bảo vệ công lý