Có thể Triều Tiên sẽ dùng cơ sở Sohae để tiến hành một vụ phóng vệ tinh, nhằm tạo thêm sức ép chính trị với Mỹ trong đàm phán tương lai.
Theo Yonhap chỉ một tuần sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc mà không đạt được kết quả, tình báo Hàn Quốc và nhiều nhà phân tích quốc tế công bố các bức ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang xây dựng lại một bệ thử động cơ và bãi phóng ở cơ sở phóng vệ tinh Sohae, hay còn gọi là Tongchang-ri.
Victor Cha, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết, về cơ bản là Triều Tiên đang lắp lại những thứ họ đã tháo dỡ sau hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim đầu tiên ở Singapore.
Được biết, Sohae chính là cơ sở mà Chủ tịch Kim đã cam kết sẽ "phá dỡ vĩnh viễn" trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump hồi tháng 6 năm ngoái. Bình Nhưỡng sau đó cũng có những bước đi đầu tiên nhằm chấm dứt hoạt động của cơ sở này.
Các công trình đang được khôi phục tại cơ sở phóng vệ tinh Sohae của Triều Tiên
Thông tin này làm dấy lên lo ngại rằng Triều Tiên đang tìm cách "nắn gân" Mỹ và có thể làm gia tăng trở lại căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhận định, ông Kim Jong-un có nhiều lý do để cho nối lại các hoạt động ở bãi phóng Sohae sau một thời gian dài im ắng.
Một số quan sát viên lại lo ngại rằng, việc khôi phục bãi phóng Sohae là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ quay lại với chương trình hạt nhân, tên lửa của mình nhằm thu hút sự chú ý của dư luận thế giới và tăng sức nặng đàm phán.
Nhưng Joel S. Wit, chuyên gia tại trang 38 North cho rằng, đây là kịch bản rất khó xảy ra. Theo Wit, việc sử dụng cơ sở Sohae để phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) không chỉ là động thái thiếu khôn ngoan mà còn rất mạo hiểm. Vụ phóng thử như vậy sẽ châm ngòi cho làn sóng chỉ trích trong dư luận quốc tế. Wit tin rằng việc Triều Tiên khôi phục lại cơ sở Sohae là để phục vụ cho một vụ phóng vệ tinh vào vũ trụ trong tương lai.
Nhưng Mỹ lại tin rằng, chương trình không gian và bãi phóng Sohae của Bình Nhưỡng có đóng góp không nhỏ để các kỹ sư Triều Tiên hoàn thiện tên lửa tầm xa.
Trước đó, một vụ phóng vệ tinh ở Sohae tháng 4/2012 đã làm sụp đổ "Thỏa thuận ngày nhuận" được chính quyền tổng thống Barack Obama ký với Bình Nhưỡng, vì Washington cho rằng đây là một vụ thử tên lửa tầm xa trá hình.
Bởi vậy, các chuyên gia tin rằng tuyên bố phá dỡ hoàn toàn cơ sở Sohae của Chủ tịch Kim là một nỗ lực nhằm "bịt lỗ hổng" trong nhận thức chung giữa Mỹ với Triều Tiên về các vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng.
Giờ đây, với việc xây dựng lại cơ sở Sohae, ông Kim dường như đang mở ra lỗ hổng đó nhằm phát đi thông điệp chính trị quan trọng tới Trump.
Việc gia tăng sức ép chính trị bằng một vụ phóng vệ tinh được coi là lựa chọn hợp lý với ông Kim, bởi Triều Tiên có thể viện dẫn lý do cho hành động này là nhằm phục vụ chương trình khám phá không gian vì mục đích hòa bình. Đây cũng là cách giải thích có thể dễ dàng được Trung Quốc và Nga chấp thuận, trong khi nó vẫn gây được áp lực dư luận đáng kể với chính quyền Trump.