Việc Iran không chấm dứt hợp tác phát triển vũ khí hạt nhân với Triều Tiên đã khiến Mỹ phải tìm đủ mọi cách để “giết” thỏa thuận hạt nhân.
Ngày 13/10, Tổng thống Trump tuyên bố, ông sẽ không tiếp tục xác nhận thỏa thuận hạt nhân Iran, chính thức được biết đến với cái tên Kế hoạch hành động chung tổng thể (JCPOA) và cảnh báo có thể chấm dứt nó. Lý do mà ông Trump đưa ra là vì thỏa thuận này không đáp ứng lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Mặc dù ông Trump chưa rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận, song quyết định của ông đồng nghĩa với việc Quốc hội có 60 ngày để quyết định có tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran hay không. Điều này trên thực tế sẽ dẫn tới việc chấm dứt thỏa thuận hạt nhân lịch sử.
Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Arkansas, ông Tom Cotton được cho là người đã đưa ra những lý do căn bản cho việc từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Cotton nêu rõ, vì thỏa thuận này không ngăn cản được Iran chế tạo bom. Chính nó đưa Iran vào con đường chế tạo bom trong vòng chưa đầy một thập kỷ tới. Vì thế, không cần phải nói nước đôi về việc Iran có tuân thủ thỏa thuận này trên mặt lý thuyết hay không.
Mỹ đang tìm đủ mọi cách để “giết” thỏa thuận hạt nhân
Ngoài ra, có một sự vi phạm được cho là nghiêm trọng lại chưa được xử lý ,đó là việc Iran không chấm dứt hợp tác vũ khí hạt nhân với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Hoạt động hợp tác này đã được mở rộng và tiếp diễn liên tục kể từ ít nhất là giữa thập kỷ trước. Cụ thể là thỏa thuận hợp tác kỹ thuật công bố hồi tháng 9/2012 giữa Iran và Triều Tiên.
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn nguồn tin ngoại giao phương Tây giấu tên cho rằng, người Iran từ Bộ Quốc phòng cho đến các công ty có liên quan, đang nghiên cứu chương trình hạt nhân và tên lửa.
Trong cả 3 lần nổ hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên (tất cả đều xảy ra trước khi JCPOA có hiệu lực), người Iran trong đó có “kiến trúc sư trưởng” cho chương trình hạt nhân của nước này, ông Mohsen Fakhrizadeh đều có mặt ở bãi thử Punggye-ri. Bản thân sự hiện diện này rõ ràng là sự vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức).
Giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục Chính sách Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPEC) Henry Sokolski cũng chỉ ra rằng, vẫn có sự hợp tác giữa Iran và Triều Tiên trong lĩnh vực quân sự suốt 30 năm qua. Do đó, giới quan sát cho rằng 2 nước đến nay vẫn tiếp tục “đi đêm” với nhau.
Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ Cotton có lẽ đã lầm khi cho rằng chính quyền của ông Trump không cần phải vòng vo trước quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngược Lại, Mỹ phải có trách nhiệm thuyết phục thế giới rằng nước này đưa ra quyết định đó dựa trên cơ sở thực tế và có bằng chứng rõ ràng chứ không phải là một ý định bất chợt hay sự thay đổi chính sách.