Bất động sản

Vì sao không bắt buộc giao dịch bất động sản thông qua sàn?

Duy Tuấn - Nguyên Thảo 31/10/2023 - 10:12

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá các sàn giao dịch bất động sản hiện nay chưa đủ khả năng để bảo đảm tính an toàn pháp lý của giao dịch, có thể dẫn tới nguy cơ lợi dụng pháp luật.

Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó có việc bắt buộc giao dịch qua sàn hay không.

thanh.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo

Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thực tiễn tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cho thấy, các sàn giao dịch bất động sản hiện nay chưa đủ khả năng để bảo đảm tính an toàn pháp lý của giao dịch, đã xuất hiện nhiều trường hợp sàn giao dịch bất động sản có hành vi làm nhiễu loạn thị trường.

Việc bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản sẽ dẫn đến nguy cơ lợi dụng quy định của pháp luật, không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, bền vững.

Tại Kỳ họp thứ 5, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định bắt buộc mà chỉ khuyến khích giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Do vậy, UBTVQH tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh sửa Dự thảo Luật theo hướng bỏ quy định về các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản tại Chương VII Dự thảo Luật; bổ sung khoản 7, Điều 8 Dự thảo Luật về chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản.

Theo đó "Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản".

Về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH đề xuất 2 phương án:

Phương án 1: "Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của luật này".

Phương án 2: "Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 24. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng. Số tiền đặt cọc tối đa theo quy định của Chính phủ nhưng không vượt quá 10% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, từng loại hình bất động sản".

Về điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉnh lý quy định tại khoản 8 Điều 24 và chỉnh lý kỹ thuật điểm c và điểm d khoản 2 Điều 14, theo đó: Việc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn trong dự án BĐS thì bắt buộc có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng gắn với nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh; việc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai thì không bắt buộc có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng bắt buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đối với diện tích đất gắn với nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh…

bds.jpeg
Ảnh minh họa

Cá nhân kinh doanh nhỏ không phải thành lập doanh nghiệp

Theo báo cáo của UBTVQH, có ý kiến đề nghị làm rõ các trường hợp cá nhân tự mua đất chờ bán khi có lãi, cá nhân bỏ vốn mua, đầu tư, xây nhà ở sau đó bán lại, cá nhân mua các loại bất động sản như condotel, shophouse được chủ đầu tư giảm giá bán thông qua hình thức trả lãi, cam kết tiền thuê, khai thác tài sản thì có phải là hoạt động kinh doanh bất động sản?

Về vấn đề này, theo UBTVQH, việc cá nhân mua bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản nhằm mục đích kinh doanh diễn ra phổ biến trên thực tế, có trường hợp thực hiện giao dịch thường xuyên, với giá trị lớn. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và các Nghị định quy định chi tiết (Nghị định 76/2015, Nghị định 02/2022) chưa phân định rõ giữa hoạt động kinh doanh bất động sản của cá nhân và các giao dịch dân sự thông thường.

"Để khắc phục hạn chế này, Dự thảo Luật được quy định tại khoản 3 Điều 9 về trường hợp cá nhân kinh doanh bất động sản với quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 9 giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí xác định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ theo giá trị, số lượng đối với các loại bất động sản", báo cáo giải trình của UBTVQH nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao không bắt buộc giao dịch bất động sản thông qua sàn?