Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, Trung tâm giao dịch bất động sản là đơn vị sự nghiệp có mô hình tích hợp sàn giao dịch quyền sử dụng đất với sàn giao dịch bất động sản.
Là đơn vị sự nghiệp công
Bộ Xây dựng vừa đề xuất thành lập trung tâm giao dịch bất động sản của nhà nước, tích hợp sàn giao dịch bất động sản và sàn giao dịch quyền sử dụng đất tại dự thảo Báo cáo việc nghiên cứu mô hình tích hợp sàn giao dịch quyền sử dụng đất với sàn giao dịch bất động sản gửi Thủ tướng.
Theo đó, mô hình có tên gọi là “Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất tỉnh…”( Trung tâm-PV); là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND các tỉnh/thành phố, có con dấu riêng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, hoạt động của UBND tỉnh/thành phố và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương ứng.
Trung tâm có 3 nhiệm vụ chính gồm: Quản lý giao dịch bất động sản; Quản lý thu thuế; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lãnh đạo Trung tâm gồm: 01 Giám đốc và 02 Phó Giám đốc do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bổ nhiệm và bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo báo cáo đề xuất của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh/thành phố bố trí Trụ sở Trung tâm đảm bảo Trung tâm được bố trí tại vị trí thuận lợi kết nối các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh/thành phố; thuận lợi cho các tổ chức, các nhân đến giao dịch. Hoặc có thể sử dụng trụ sở của đơn vị sự nghiệp hiện tại của UBND tỉnh/thành phố hoặc Sở Xây dựng). Bố trí tối thiểu đủ 4 khu vực chức năng chính: khu vực giao dịch bất động sản; khu vực thực hiện thủ tục thuế; khu vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khu vực tư vấn.
Kinh phí hoạt động của Trung tâm do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán cho hoạt động thường xuyên của Sở Xây dựng hoặc đơn vị sự nghiệp của UBND tỉnh/thành phố được cơ quan có thẩm quyền giao hàng năm. Trung tâm có thể tạo nguồn thu khác từ việc thực hiện các hoạt động dịch vụ có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Trung tâm khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu và được cơ quan có thẩm quyền thông qua,không trái với quy định của pháp luật.
Cơ chế hoạt động thế nào?
Về cơ chế hoạt động, Theo dự thảo Báo cáo của Bộ Xây dựng, Trung tâm là đầu mối tập trung để các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đến thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, tư vấn, phối hợp thực hiện công tác quản lý các giao dịch bất động sản, giao dịch quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức theo phương thức: Công khai - Minh bạch - Văn minh - Hiện đại.
Việc xử lý, giải quyết thủ tục giao dịch bất động sản, giao dịch quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đảm bảo giảm tối đa thời gian so với quy định. Sử dụng hệ thống kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương được thực hiện xuyên suốt toàn bộ quá trình giao dịch như: Thông tin doanh nghiệp, thông tin cá nhân của người mua, người bán, thông tin về tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp và người dân. Tiến tới thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường mạng máy tính, không tồn tại song song các quy trình, giấy tờ truyền thống (trừ những trường hợp đặc biệt sau khi cơ quan, đơn vị có thủ tục hành chính đã thống nhất với Trung tâm).
Về quy trình giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất, Trung tâm hoạt động theo cơ chế một cửa liên thông, tăng cường sử dụng hệ thống công nghệ 4.0, tạo điều kiện tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Sau khi bên bán và bên mua đạt được thỏa thuận mua bán và làm thủ tục lập hồ sơ ký hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật, hai bên truy cập website cổng thông tin điện tử của Trung tâm, điền vào thông tin mua nhà liên quan, nộp đơn xin yêu cầu làm thủ tục sang tên trực tuyến, ba cơ quan thẩm quyền thụ lý trực tuyến, xét duyệt theo chức năng của từng cơ quan, sau 2 ngày làm việc hoàn tất xét duyệt, sau khi bên mua nhận được tin nhắn đã thông qua xét duyệt, có thể đặt lịch hẹn đến Trung tâm để được cấp giấy chứng nhận sở hữu bất động sản lấy ngay.
"Hai bên giao dịch chỉ cần đi lại một lần đến Trung tâm thì có thể làm xong tất cả mọi thủ tục. Các giao dịch bất động sản chủ yếu bao gồm giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai, giao dịch quyền sử dụng đất, giao dịch bất động sản có sẵn, cho thuê nhà ở", theo Bộ Xây dựng.
Sàn giao dịch BĐS do doanh nghiệp thành lập không đáp ứng được nhu cầu thực tế
Theo Bộ Xây dựng, trước sự phục hồi của thị trường bất động sản và sự phát triển nhanh chóng của các sàn giao dịch bất động sản từ năm 2014 đến nay, những cơ chế chính sách hiện hành đã không còn phù hợp với tình hình thực tế của thị trường bất động sản, thiếu tính chặt chẽ, đặc biệt là quy định không bắt buộc qua sàn BĐS, điều kiện Sàn giao dịch BĐS được hoạt động quá dễ dàng, năng lực, tính pháp lý của Sàn giao dịch BĐS do doanh nghiệp thành lập không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Các sàn giao dịch bất động sản là đơn vị kinh doanh, mang tính chất môi giới, đại lý, không cung cấp dịch vụ công; các sàn giao dịch bất động sản sẽ thúc đẩy giao dịch thành công vì mục tiêu lợi nhuận, dẫn đến nguy cơ thiếu an toàn pháp lý; chủ đầu tư có thể tự thành lập sàn giao dịch bất động sản để bán sản phẩm của mình, tạo giao dịch ảo, không bảo đảm tính khách quan, quyền và lợi ích của người dân – những người yếu thế sẽ không được đảm bảo.
Với mục tiêu thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, minh bạch; Bộ Xây dựng đề xuất Thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản của nhà nước, trung tâm này sẽ tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu của các đơn vị có liên quan để thực hiện công tác quản lý giao dịch bất động sản (trong đó có giao dịch Nhà ở xã hội), thuê mua bất động sản, giao dịch quyền sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của các tổ chức, các nhân.