Công ty TNHH phát triển quản lý Đá Đỉnh Vòm (Cty Đá Đỉnh Vòm) đã có đơn gửi các cơ quan chức năng và báo chí về việc tố hành vi phá hoại và tẩu tán tài sản của Cty TNHH Bằng Giang.
Mua bán khách sạn: Đã bàn giao thực tế
Ngày 3/5/2012, Cty Đá Đỉnh Vòm do bà Nguyễn Thị Giáng Hương -Tổng Giám đốc đại diện và Công ty TNHH Bằng Giang (Cty Bằng Giang) do ông Lê Văn Thài- Chủ tịch Hội đồng thành viên đại diện đã ký “Biên bản thỏa thuận mua bán”. Theo đó, Cty Đá Đỉnh Vòm mua Cty Bằng Giang (theo bà Hương là mua bán Khách sạn Bằng Giang) tọa lạc tại đường Lê Lợi, thị xã Sầm Sơn (nay là thành phố Sầm Sơn), tỉnh Thanh Hóa của Cty Bằng Giang với giá 70 tỷ đồng. Giá trị mua bán bao gồm toàn bộ tài sản là nhà đất, nội thất, khuôn viên khách sạn, thiết bị máy móc, công cụ vật tư.
Các bên thỏa thuận mua bán và đã bàn giao thực tế từ năm 2012
Ngày 6/5/2012, Giám đốc Cty Bằng Giang Đào Trọng Thắng đã bàn giao con dấu, bàn giao toàn bộ tài sản sẵn có theo thỏa thuận mua bán và bàn giao cả nhân sự đang làm việc tại khách sạn cho Cty Đá Đỉnh Vòm. Các bên cũng cam kết, bên mua là chủ tài khoản mới của khách sạn mở tại Ngân hàng SeABank và bên mua chịu trách nhiệm thanh toán số tiền mà Cty Bằng Giang đang nợ tại ngân hàng này (cả gốc và lãi) là hơn 47 tỷ đồng. Thỏa thuận này đã được phía ngân hàng nhất trí bằng văn bản và Cty Đá Đỉnh Vòm đã trả cho Ngân hàng SeABank số tiền hơn 7,57 tỉ đồng trong tổng số nợ ngân hàng của Cty Bằng Giang.
Trước đó 3 ngày, với sự tham dự và nhất trí của Giám đốc Đào Trọng Thắng, các bên đã thống nhất thay đổi tên chủ tài khoản từ ông Lê Văn Thài sang tên bà Nguyễn Thị Giáng Hương. Cty Đá Đỉnh Vòm cũng trả cho 33 nhà thầu phụ số tiền mà Cty Bằng Giang đang nợ.
Sau khi nhận bàn giao khách sạn, Cty Đá Đỉnh Vòm đã bỏ ra trên 10 tỷ để sửa chữa, nâng cấp, thay mới toàn bộ nội thất và đăng ký với Sở KH-ĐT tỉnh Thanh Hóa cho mở khách sạn 4 sao, đổi tên từ Khách sạn Bằng Giang thành Khách sạn Marino. Chi cục Thuế thị xã Sầm Sơn cũng ấn định số thuế phải nộp, khách sạn Marino và Cty Đá Đỉnh Vòm đã thực hiện nghĩa vụ nộp các loại thuế trong việc kinh doanh Khách sạn Marino.
Theo đơn trình báo của Cty Đá Đỉnh Vòm, tính đến ngày 30/8/2013, công ty này đã đầu tư, nhận nợ và trả nợ cho Cty Bằng Giang với số tiền hơn 61,3 tỷ đồng là vượt hơn thời gian quy định theo thỏa thuận. Nhưng sau đó, theo Cty Đá Đỉnh Vòm, do đối tác không chịu sang tên giấy phép kinh doanh đồng thời lật lọng không bán khách sạn nữa nên cực chẳng đã, công ty này phải khởi kiện ra Tòa.
Chính quyền vào cuộc chỉ đạo xử lý
Vụ mua bán này đang được Tòa án giải quyết và cho đến nay vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, theo đơn kêu cứu khẩn cấp của Cty Đá Đỉnh Vòm và theo tường trình của các nhân viên bảo vệ khách sạn Marino, sáng ngày 8/2/2017, chính Giám đốc Cty Bằng Giang Đào Trọng Thắng và ông Nguyễn Bá Hải (Phó Giám đốc) đã kéo theo hơn 50 người mang theo đao búa, nhân danh Cty Bằng Giang, sử dụng vũ lực đuổi nhân viên bảo vệ, cắt khóa hàng rào, phá khóa hầm để chiếm dụng và quản lý trái phép khách sạn.
Nhóm người này còn phá dỡ biển hiệu Marino và một số tài sản khác của khách sạn. Ngay sau khi chiếm quyền quản lý khách sạn, nhóm người này đã tẩu tán và phá hủy nhiều tài sản có giá trị hàng tỷ đồng trong khách sạn do Cty Đá Đỉnh Vòng là chủ sở hữu và đang trực tiếp quản lý. Lực lượng bảo vệ bất lực đứng nhìn đồng thời trình báo nhờ Công an và chính quyền can thiệp.
Vẫn theo lãnh đạo Cty Đá Đỉnh Vòm, hành động cướp khách sạn đó không những gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công ty mà còn thể hiện rõ hành vi phạm tội nghiêm trọng, có tổ chức, mang dấu hiệu của tội “Hủy hoại tài sản” và “Chiếm hữu trái phép tài sản của người khác”, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an khu vực. Nguyện vọng của Cty Đá Đỉnh Vòm là đề nghị khởi tố hành vi vi phạm hình sự nói trên và trục xuất những người chiếm giữ trái phép khách sạn.
Mô hình khách sạn Marino
Về vụ việc này, ngày 13/2/2017, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn đã có ý kiến chỉ đạo các ban, ngành (do Phòng Tư pháp chủ trì) cùng UBND phường Trường Sơn xem xét, làm rõ và đề xuất biện pháp xử lý.
Ngày 16/2/2017, cuộc họp với đầy đủ các thành phần theo chỉ đạo đã đi đến thống nhất một số nội dung cụ thể. Lãnh đạo Phòng Tài chính- Kế hoạch thị xã (đơn vị đã cấp đăng ký kinh doanh cho ông Nguyễn Đình Nam kinh doanh tại khách sạn này) tự đề nghị thu lại giấy phép kinh doanh.
Ông Văn Tiến Mạnh, Chủ tịch UBND phường Trường Sơn cho rằng, khi bàn giao tài sản đều có biên bản nên các bên cần phải tuân thủ pháp luật. Ông Mạnh khẳng định, việc Cty Bằng Giang chưa thỏa thuận được mà cho người phá khóa khách sạn là sai. Phó Trưởng Công an thị xã Sầm Sơn- ông Trần Trọng Bình đề nghị, khi đang tranh chấp thì không được cấp giấy phép kinh doanh, các bên phải bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Bình cho biết, Công an thị xã đang tiến hành điều tra vụ việc theo trình báo.
Đến ngày 16/2/2017, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn Lê Ngọc Chiến đã ký Công văn chỉ đạo số 353/UBND-TP với nội dung giao Công an thị xã “Điều tra làm rõ vụ việc thay biển hiệu, phá khóa và các dấu hiệu gây thiệt hại đến tài sản tại khách sạn Marino (Bằng Giang), xử lý theo quy định pháp luật.”; giao cho Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp cho ông Nguyễn Đình Nam và kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân liên quan đến việc cấp phép này".
Liên quan đến vụ việc này, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, giao cho Công an thị xã Sầm Sơn xử lý.