Chính trị

Vẫn nhiều ý kiến khác nhau về 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Duy Tuấn 27/05/2024 13:51

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

toancanh1.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Cần phương án khả thi hơn

Về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, hai phương án được đưa ra trong Dự thảo Luật đều chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao.

Bà Thu kiến nghị, về lâu dài, hướng dần tới nguyên tắc phổ quát của BHXH “là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia BHXH để tích lũy cho tương lai khi về già, trong bối cảnh già hóa ngày càng gia tăng”.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, phương án 1 là phương án tối ưu nhất, tuy nhiên phương án 1 lại "tạo ra lát cắt, chia thành 2 nhóm tham gia BHXH trước và sau ngày Luật này có hiệu lực".

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhận thấy, vẫn cần bổ sung các đánh giá tác động cho kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động về vấn đề này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.

tranhoary.jpeg
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu.

Đối với phương án 2, cần tiếp tục hoàn thiện, vì không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút BHXH một lần của người lao động. Bởi, việc rút BHXH một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Theo đại biểu Phan Thái Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, cả 2 phương án đều có ưu điểm và hạn chế, “nhưng chưa có phương án tối ưu”.

Điểm khác biệt giữa 2 phương án là thời điểm đóng BHXH trước hoặc sau khi Luật có hiệu lực, dự kiến 1/7/2025, cụ thể là đóng trước thời điểm Luật có hiệu lực thì được rút BHXH một lần, còn sau thời điểm này thì không được rút. Tuy vậy, việc rút BHXH một lần là một thực tế, cấp thiết và hợp pháp của người lao động, mà “không phụ thuộc việc đóng trước hay sau thời điểm Luật có hiệu lực”.

phanthaibinh.jpeg
Đại biểu Phan Thái Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu đề xuất phương án tích hợp cả 2 phương án. Theo đó, người đang đóng BHXH trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, thì được rút BHXH một lần. Người bắt đầu đóng bảo hiểm từ thời điểm luật có hiệu lực thì cho rút một phần, có thể là phần do chính người lao động đóng, hoặc có thể cho rút 50%. Như thế sẽ giải quyết được bài toán trước mắt của người lao động cũng như giải quyết vấn đề lâu dài.

Rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề khó

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án rút BHXH một lần. Theo đó, phương án 1, Người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần.

thuyanh.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Đối với phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng BHXH một lần.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thêm về vấn đề này, cũng như các phương án cụ thể để tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Thêm biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp

Quan tâm đến biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều 39, Điều 40 của dự thảo Luật, Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, 2 Điều này quy định về biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm bắt buộc. Cụ thể, Điều 39 quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, Điều 40 xử lý vi phạm bị trốn đóng.

“Tuy nhiên, nội dung biện pháp xử lý của hai Điều này cơ bản là giống nhau, riêng việc trốn đóng BHXH có thể bị áp dụng thêm biện pháp hình sự. Do vậy, dự thảo Luật nên thiết kế quy định Điều 40 theo hướng rút gọn thành 2 khoản. Theo đó, khoản 1 là các biện pháp xử lý như quy định tại Điều 39; khoản 2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, đại biểu Nam đề xuất.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị dự thảo quy định cụ thể, xử lý nghiêm đối với các hành vi: “Cầm cố, chuyển nhượng sổ BHXH dưới mọi hình thức”. Về các hành vi bị cấm, đại biểu đề nghị làm rõ quy định cấm hành vi: “Thông đồng, móc nối, bao che, giúp sức cho tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH”.

nguyethithuthuy.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Về biện pháp xử lý vi phạm chậm, trốn đóng BHXH đối với doanh nghiệp được quy định tại Điều 37 đến Điều 40, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, theo đại biểu “chưa có sự tương thích giữa Luật Bảo hiểm y tế và dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này”. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm từ các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động vào xử lý hoặc chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm.

Về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý hành vi được quy định tại Điều 37 và Điều 38, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị bổ sung thêm các quy định về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để “đảm bảo sự đồng bộ trong việc xử lý, trong khi chúng ta chưa sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế và Luật Việc làm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn nhiều ý kiến khác nhau về 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần