Văn hoá giao thông nhìn từ... rượu, bia

Thảo Nguyên| 31/10/2018 19:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia đang trở thành vấn nạn gây ra hiểm họa khôn lường. Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra không ít vụ TNGT thương tâm do sử dụng rượu, bia gây ra mà hậu quả để lại là vô cùng to lớn.

“Bom di động” trên đường

Vụ nữ tài xế BMW lái xe khi uống rượu, bia gây tai nạn giao thông (TNGT) tại ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) gây xôn xao dư luận thời gian qua đã làm tăng thêm nỗi lo ngại đối với toàn xã hội.

Theo đó, lúc 23h10 tối 21/10, xe 4 chỗ hiệu BMW mang biển số 51F-279.10 do bà Nguyễn Thị Nga (SN 1972, trú tại Quận 12, TP.HCM) điều khiển trên đường Điện Biên Phủ, hướng từ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm về cầu Sài Gòn. Khi đến vòng xoay Hàng Xanh, do không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, xe BMW đã va chạm với 5 xe máy đang dừng đèn đỏ. Sau đó, xe BMW tiếp tục lao thẳng vào một chiếc taxi mới dừng lại.

Vụ tai nạn đã khiến 1 người tử vong tại chỗ và 7 người khác bị thương nặng. Kết quả nồng độ cồn được xác định là 0,94mg/lít khí thở, vượt cao mức cho phép đối với người điều khiển ô tô.

Việc lái xe khi đã uống rượu bia gây tai nạn không phải là chuyện riêng của nữ lái xe kia. Đó không phải là câu chuyện của một vài người. Nghiêm túc nhìn nhận, việc uống rượu bia tham gia giao thông chính là vấn nạn xã hội.

Văn hoá giao thông nhìn từ... rượu, bia

Nữ tài xế lái BMW gây tai nạn kinh hoàng ở ngã tư Hàng Xanh có nồng độ cồn vượt mức quy định

Uống rượu từ lâu đã trở thành thói quen sinh hoạt của người dân. Song việc lạm dụng chúng trong bữa ăn hàng ngày hay liên hoan, tiệc tùng, gây tác hại rất lớn cho sức khỏe con người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ, sử dụng rượu bia đúng cách, điều độ còn tốt cho sức khỏe, nhưng uống vượt ngưỡng, hoặc lạm dụng sẽ thành con người khác, lúc đó ma men sẽ “đưa đường chỉ lối”. Đây cũng là một trong những trở ngại đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT).

Thời gian gần đây, những vi phạm về luật giao thông có biểu hiện diễn biến phức tạp, trong đó nguyên nhân liên quan rượu, bia được các chuyên gia đánh giá khá nghiêm trọng. Đặc điểm của người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường là chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Do đó, say rượu bia thường có liên quan mật thiết với việc vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định, đi sai phần đường...

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, mỗi ngày tại Việt Nam có 24 người chết và 60 người bị thương vì TNGT. Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban ATGT quốc gia và Tổ chức y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh, thành cách đây vài năm cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiếm khoảng 39,6%. Tuy nhiên, theo ông Hùng, con số này trong thực tế có thể cao hơn nhiều và vẫn gia tăng theo các năm.

Cũng theo thống kê từ Ủy ban ATGT quốc gia, từ năm 2012 đến nay, TNGT giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, nhưng tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia lại có chiều hướng gia tăng ở cả ba tiêu chí.

Đáng nói hơn, hiện nay ở nhiều công sở đã cấm cán bộ, nhân viên uống rượu bia vào giờ ăn trưa, trong giờ làm việc. Nhưng tại các thành phố lớn, người ta vẫn phá lệ; cả sáng, trưa, chiều, tối các quán nhậu đều đông nghịt khách. Người ta tha hồ chúc tụng, mời mọc nhau, thậm chí ép nhau uống đến say xỉn. Sau đó, đa phần những người này vẫn thản nhiên lái xe tham gia giao thông. Điều này minh chứng vì sao nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT ở Việt Nam chính là do vi phạm nồng độ cồn gây ra.

Theo ông Hùng, “nói không với rượu, bia” khi tham gia giao thông là biện pháp quan trọng hàng đầu để giảm thiểu tai nạn giao thông tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Ông Khuất Việt Hùng cho rằng “Một người say ngồi trong taxi là giảm được một quả bom di chuyển trên đường, là bớt đi được một mối đe dọa ATGT, đẩy lùi được một nguy cơ TNGT”.

Lệch lạc văn hoá

Thừa nhận quy định xử phạt nồng độ cồn đã được đưa vào Luật giao thông, tuy nhiên ông Hùng đánh giá, cũng giống như quy định đội mũ bảo hiểm, Việt Nam là một quốc gia được ghi nhận tuyên truyền, phòng chống xử lý nồng độ cồn nhưng hiệu quả chưa cao đó là thói quen, tập quán bởi uống rượu bia trở thành văn hoá, không chỉ ở nước ta mà hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Dù là nét đẹp văn hóa, nhưng uống thế nào lại là câu chuyện khác. Việc mời mọc nhau theo kiểu ép buộc, uống đến mức say xỉn, không làm chủ được mình là hành vi lạm dụng rượu bia. Điều này khiến văn hóa rượu bia trở nên lệch lạc. Những người đã uống rượu bia, không thấy mình đủ năng lực nhưng vẫn tham gia giao thông, vẫn lái xe lại là câu chuyện ý thức, vi phạm Luật giao thông đường bộ và coi thường mạng sống của người khác. Nếu nói ở khía cạnh đạo đức, hành vi thiếu chuẩn mực đó là những người thiếu văn hóa, một kiểu văn hóa như một tập tục lạc hậu, dã man rất cần lên án.

Đưa ra giải pháp hiệu quả nhất, ông Hùng cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần thực hiện một cặp hành động đó là tuyên truyền và xử phạt. “Các chế tài, xử phạt làm thông điệp tuyên truyền. Xử phạt chính là một trong phần của giáo dục tuyên truyền. Ở các tuyến đường khi xuất hiện lực lượng tuần tra kiểm soát đó là thông điệp của việc hành động này cần phải ngăn chặn và xử phạt đến người dân,” ông Hùng nói.

Ông Khuất Việt Hùng cũng thông tin thêm, vừa qua tại TP.HCM, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp cùng các nhà tài trợ đã tổ chức lễ phát động chiến dịch “Đã uống rượu bia thì không lái xe” giai đoạn 2018-2019. Mục đích chính của chiến dịch là mang lại những thay đổi tích cực và ý nghĩa đối với hành vi lái xe sau khi thưởng thức rượu bia tại Việt Nam. Chiến dịch hướng đến mục đích thay đổi thói quen tham gia giao thông của người Việt, đồng thời mang đến giải pháp thực tiễn để giải quyết vấn đề ATGT như hiện nay.

TNGT đang mang đến nhiều bi kịch cho các gia đình và gánh nặng kinh tế cho toàn xã hội. Làm gì để phòng, tránh và giảm thiểu TNGT là trách nhiệm của chúng ta - mỗi người tham gia giao thông hãy ghi nhớ điều đó. Bằng việc tôn trọng các quy định pháp luật, thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông, tuyệt đối “đã uống rượu bia thì không lái xe”, hãy góp phần để môi trường giao thông an toàn hơn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hoá giao thông nhìn từ... rượu, bia