Thời gian qua, trên địa bàn xã Tiền Phong (TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) xuất hiện nhiều tàu bơm cát, bùn từ sông Cái Tráp lên phục vụ san lấp mặt bằng, nhưng không có biện pháp bảo vệ ngăn tràn khiến nước bùn sặc mùi hôi thối chảy ồ ạt ra nguồn nước của các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản.
Ông Lê Văn Thoại, chủ đầm có 56ha đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Tiền Phong (TX. Quảng Yên) cho biết, mỗi năm gia đình ông phải nộp khoán cho HTX hơn 1,3 tỷ đồng tiền thuê đầm.
Bước vào vụ sản xuất, gia đình ông thả hơn 200 triệu tiền tôm giống, hơn 100 triệu tiền cua giống và một số con giống khác. Tuy nhiên, gần đây do nguồn nước ô nhiễm nên cua, tôm, cá trong đầm nhà ông Thoại chết hàng loạt.
Về nguyên nhân tôm, cua chết hàng loạt, ông Lê Văn Thoại cho rằng, nguồn nước từ kênh dẫn vào đầm bị ô nhiễm. Mỗi khi nước thủy triều lên là toàn bộ nước bẩn không qua xử lý của một doanh nghiệp san lấp mặt bằng, sử dụng máy hút bùn, hút cát bơm lên điểm tập kết có diện tích khoảng 20ha (thuộc địa phận huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng) chảy tràn ồ ạt cả ngày lẫn đêm vào nguồn nước nuôi thuỷ sản của người dân.
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực cửa sông giáp ranh đầm của ông Phạm Văn Sự, hàng chục xà lan, tàu bơm hút bùn, cát thường xuyên tập kết hoạt động san lấp mặt bằng dự án.
Đáng chú ý, hoạt động bơm hút bùn, cát với công suất lớn, nhưng không có bể lắng xử lý nước thải khiến khiến dòng nước thải có màu đen đục, bốc mùi hôi thối nồng nặc chảy tràn ra môi trường, có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước nuôi trồng thuỷ hải sản của người dân xung quanh.
Được biết, ngoài 4 đầm diện tích gần 300ha đã có quyết định thu hồi thực hiện các dự án, tính đến tháng 10/2024, HTX nông nghiệp Liên Vị 1 còn 23 đầm nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích khoảng 800ha.
Mỗi năm, HTX khoán thầu và giao thầu cho các xã viên thu về ngân sách khoảng 20 tỷ đồng. Đây là nguồn thu được cho là khá lớn đối với một HTX nông nghiệp hiện nay.
Trao đổi với PV, Lãnh đạo UBND xã Tiền Phong, T.X Quảng Yên xác nhận: Địa phương đã nhận được phản ánh của ông Lê Văn Thoại và một số chủ đầm về việc nguồn nước thải của hoạt động bơm bùn, cát của dự án chảy tràn sang nguồn nước nuôi trồng thuỷ hải sản của người dân trên địa bàn xã.
"Chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng công an tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, vị trí bơm hút bùn, cát nằm tại địa phận huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng nên rất khó khăn trong việc xử lý", Lãnh đạo UBND xã Tiền Phong cho biết.
Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ đầm, góp phần bảo vệ môi trường sống, đề nghị cơ quan chức năng TX. Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh sớm kiểm tra, làm rõ việc nước bùn thải ô nhiễm chảy tràn vào nguồn nước nuôi trồng thuỷ hải sản.
Bên cạnh đó, cần sớm có phương án ngăn chặn hiện tượng bơm bùn, cát nhưng không qua xử lý có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đe doạ nguồn lợi thuỷ hải sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, thu nhập của các chủ đầm.
Bên cạnh đó, cần sớm có phương án ngăn chặn hiện tượng bơm bùn, cát nhưng không qua xử lý có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đe doạ nguồn lợi thuỷ hải sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, thu nhập của các chủ đầm.
Theo quy định hiện hành, hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, tùy theo mức độ mà doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức phạt hành chính hành vi xả thải trái phép ra môi trường, căn cứ theo Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt tối đa 1 tỷ đồng đối với cá nhân, tối đa 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính; Đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp; Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà mức phạt có thể lên đến 7 năm tù.