Vấn đề quan tâm

Từ vụ drone va chạm làm 1 người chết: Cần tuân thủ an toàn hoạt động bay

Đỗ Việt 27/11/2024 - 09:00

Thời gian qua đã xảy ra không ít các trường hợp vi phạm liên quan đến sử dụng thiết bị bay không người lái (drone). Mới nhất là vụ việc gây hậu hậu quả nghiêm trọng làm 1 người chết xảy ra tại địa bàn xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

2 tháng xảy ra 2 vụ việc nghiêm trọng liên quan đến drone

Theo thông tin ban đầu, sáng 20/11, ông B.V.T (SN 1975) điều khiển xe máy biển đi đến đoạn đường kênh 15 (thuộc Tổ 9, ấp Hiệp Trung, xã Mỹ Hiệp Sơn) thì bất ngờ va vào thiết bị phun thuốc không người lái do anh M.V.L (SN 1995) điều khiển.

Hậu quả, ông T bị cánh quạt của thiết bị bay không người lái chém vào đầu và cổ, bị thương nặng sau đó tử vong tại bệnh viện.

tu-vong-do-thiet-bi-bay-khong-nguoi-lai.jpg
Hiện trường vụ thiết bị bay không người lái va chạm với người đi xe máy khiến 1 người tử vong

Cũng liên quan đến thiết bị phun thuốc không người lái, ngày 13/10, một thiết bị drone của người dân sử dụng để phun thuốc đã vướng vào dây dẫn khoảng trụ 146-147 của đường dây 174 Cai Lậy-171 Tan Thạnh làm mất điện đường dây 110kV 174 Cai Lậy – 171 Tân Thạnh và 2 trạm biến áp 110kV: Mộc Hóa và Vĩnh Hưng.

Báo cáo của Công ty Điện lực Long An (PC Long An) cho biết, sự việc nghiêm trọng này gây gián đoạn cung cấp điện khoảng 76.000 khách hàng trên địa bàn các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và Thị xã Kiến Tường.

Trong hai tháng đã xảy ra hai vụ việc nghiêm trọng liên quan đến thiết bị bay không người lái (drone) cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong việc thực thi và giám sát đối với loại thiết bị bay này.

Ngoài hai vụ việc điển hình nêu trên, tại một số địa phương cũng xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến thiết bị bay siêu nhẹ như bay không có phép, bay vào khu vực cấm bay, vi phạm khoảng cách an toàn…

Tại Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường biện pháp quản lý, giám sát đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ nêu: trong vài năm gần đây đã phát hiện và xử lý nhiều vụ sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ trái phép. Một số đơn vị Quân đội cũng đã phát hiện tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ xâm phạm khu vực quân sự. Đáng chú ý các vụ vi phạm trong sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ gia tăng cả về số lượng và tính chất nguy hiểm.

Để quản lý chặt chẽ tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng điều tra, rà soát, yêu cầu khai báo đối với các tổ chức, cá nhân sở hữu tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ. Đồng thời, quản lý các tổ chức, cá nhân sở hữu tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ thông qua việc khai báo, đăng ký tại các địa bàn…

Sử dụng thiết bị bay phun thuốc phải tuân thủ quy chuẩn

Theo một số chuyên gia pháp lý, việc sử dụng thiết bị bay không người lái cần tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nếu không sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Hiện nay, theo quy định pháp luật về quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ được quy định cụ thể tại Nghị định 36/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 79/2011/NĐ-CP. Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ quy định: “Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó". Theo đó, flycam/drone được xem như một thiết bị tàu bay không người lái.

Từ ngày 1/1/2025 Luật Trật tự, an toàn giao thông có hiệu lực, tại khoản 27, Điều 9 của Luật quy định: nghiêm cấm điều khiển vật thể bay, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động trong phạm vi khổ giới hạn đường bộ gây cản trở hoặc nguy cơ mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, trừ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ được cấp phép bay.

anh-1.png
Một trong những quy định bắt buộc khi sử dụng drone phun thuốc là tổ chức, cá nhân cung cấp và vận hành phải được cấp phép sử dụng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu không còn xa lạ với người nông dân. Tuy nhiên khi sử dụng thiết bị này, các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành, phải kiểm chứng thời gian, địa điểm sử dụng thiết bị bay trong giấy phép bay và phải tuân thủ nghiêm các quy định bảo vệ thực vật.

Một trong những quy định bắt buộc là tổ chức, cá nhân cung cấp và vận hành drone phải được cấp phép sử dụng thiết bị bay theo quy định. Địa điểm và thời gian sử dụng drone phải được sự cho phép của cơ quan quản lý và đáp ứng các quy định về sử dụng phương tiện bay không người lái hiện hành.

Còn nhiều bất cập trong thực thi, giám sát

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng( Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định, người điều khiển drone có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho cộng đồng và những người xung quanh trong quá trình bay, đặc biệt là khi sử dụng drone để phun thuốc. Nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý về trách nhiệm hình sự.

luat-su-nguyen-doan-hung-1-.jpg
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng

Riêng việc sử dụng drone trong nông nghiệp, theo luật sư Hùng, mặc dù pháp luật đã có các quy định về việc sử dụng drone, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong việc thực thi và giám sát.

“Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ drone trong nông nghiệp, việc có một hệ thống giám sát chặt chẽ là cực kỳ cần thiết. Các cơ quan chức năng cần phải có một cơ sở dữ liệu về các drone đang hoạt động, thường xuyên kiểm tra hoạt động, đặc biệt là trong các khu vực dễ xảy ra tai nạn. Hệ thống giám sát có thể bao gồm việc theo dõi vị trí, tốc độ, độ cao và tình trạng hoạt động của drone qua các công nghệ hiện đại. Điều này không chỉ giúp bảo vệ người dân mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và an toàn của ngành nông nghiệp”, luật sư Hùng bày tỏ.

Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ drone cần phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho người dân. Họ không chỉ cần cung cấp các thiết bị đúng tiêu chuẩn mà còn phải tổ chức các khóa đào tạo cho người điều khiển, theo dõi và giám sát quá trình sử dụng. Nếu các cơ quan, tổ chức này không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn, cũng có thể bị xem xét trách nhiệm về việc để xảy ra tai nạn.

Người trực tiếp điều khiển drone phải có kiến thức về hàng không

Đây là một trong những nội dung được nêu tại dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Theo dự thảo, người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không. Đồng thời phải thông báo hoạt động bay và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, “phương tiện bay siêu nhẹ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ vụ drone va chạm làm 1 người chết: Cần tuân thủ an toàn hoạt động bay