Tư vấn pháp luật

Người dân có được dựng rạp cưới dưới lòng đường?

Việt An 12/11/2024 - 09:50

Theo quy định, người dân được phép dựng rạp tổ chức đám cưới tạm thời trên hè phố nhưng không quá 48 giờ. Tuy nhiên, không được phép dựng rạp cưới dưới lòng đường.

Từ lâu nay, tình trạng các gia đình tổ chức đám cưới thường tận dụng lòng đường, vỉa hè để dựng rạp diễn ra phổ biến, nhất là vào dịp cao điểm “mùa cưới”.

Mặc dù gia chủ có dựng tấm biển “Nhà có việc xin nhường đường”, nhưng việc dựng rạp cưới trên vỉa hè, dưới lòng đường vẫn gây không ít phiền toái cho người tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do thói quen và không ít gia đình có nhà mặt đường diện tích nhỏ hẹp, muốn tiết kiệm chi phí thuê địa điểm tổ chức.

rung-rap-cuoi.jpg
Rạp đám cưới chiếm nửa lòng đường tiền ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), việc tự ý dựng rạp phục vụ hiếu, hỉ của hộ gia đình dưới lòng đường, trên toàn bộ hè phố là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông bởi đa phần các rạp đều không có cảnh báo, người điều khiển phương tiện chỉ thiếu chú ý quan sát, không bảo đảm tốc độ, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Rất nhiều độc giả quan tâm, việc người dân dựng rạp cưới trên vỉa hè, dưới lòng đường chế tài xử phạt sẽ như thế nào, pháp luật quy định ra sao về vấn đề này?

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Quốc Hòe, (Trưởng văn phòng luật sư Interla, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay: Việc các hộ gia đình tổ chức đám cưới, đám hỏi và các sự kiện vui chơi khác sử dụng lòng đường vìa hẻ để dựng rạp diễn ra rất phổ biến ở nhiều xã phường, thị trấn và thành phố lớn. Việc làm này gây cản trở cho các phương tiện tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho cả người tham gia giao thông và khách tham dự lễ cưới.

Phân tích dưới góc độ pháp luật, theo luật sư Hòe, Nghị định 100/2013/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông. Trong một số trường hợp, người dân được sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông như dựng rạp đám cưới, tang ma...

Cụ thể, tại Điểm b,c thuộc khoản 2, Điều 25a của Nghị định 100 cho phép: Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình, thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ; tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình, thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ.

Đồng thời, tại Điều 25b của Nghị định này cũng quy định lòng đường chỉ được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong hai trường hợp gồm: điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội. Thời gian sử dụng tạm thời lòng đường không quá thời gian tổ chức hoạt động đó và điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của công ty vệ sinh môi trường đô thị. Thời gian sử dụng tạm thời chỉ từ 22h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

“Việc tổ chức đám cưới chỉ được sử dụng tạm thời không quá 48 tiếng tại vỉa hè mà không được dựng rạp dưới lòng đường. Đặc biệt, trước khi sử dụng tạm, gia đình phải thông báo với UBND phường, xã sở tại”, luật sư Hòe nhấn mạnh.

Trường hợp vi phạm, gia chủ có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 5, Điều 12 Nghị định 100/2019. Mức phạt đối với việc dựng rạp trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài bị xử phạ‌t hàn‌h chính, cá nhân, tổ chức còn buộc phải tháo dỡ và khôi phục lại tìn‌h trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạ‌m hàn‌h chính gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân có được dựng rạp cưới dưới lòng đường?