Về Từ Vân những ngày này, sẽ thấy không khí rộn ràng tiếng nhạc xen lẫn tiếng cắt vải xoèn xoẹt, tiếng máy cờ dồn dập của người dân để kịp nhuộm sắc đỏ khắp mọi miền đất nước trong ngày lễ lớn. Qua bao thăng trầm lịch sử, người dân làng may quốc kỳ vẫn tự hào với sứ mệnh “giữ hồn tổ quốc”.
Thiêng liêng lá cờ trong những mốc son của dân tộc
Ngôi làng quanh năm rợp bóng cờ hoa nằm gần quốc lộ 1A, thuộc xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Những người già ở đây kể, làng Từ Vân đã nức tiếng từ thời xa xưa, nghề may bắt đầu từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám bùng nổ năm 1945. Thời điểm đó, không ít người dân làng Từ Vân lên Hà Nội mở cửa hàng buôn bán các sản phẩm thêu, dệt, cờ may truyền thống trên phố Hàng Bông.
Gia đình anh Nguyễn Văn Duy (1987) - xưởng sản xuất lớn nhất ở Từ Vân đã gìn giữ nghề may cờ Tổ quốc qua ba thế hệ. Cha truyền, con nối, từ khi mười mấy tuổi, cậu bé Duy đã đi giao cờ khắp nơi cho bố mẹ. Ngày ngày sống trong sắc cờ đỏ sao vàng tươi thắm, anh trưởng thành và tự mở cơ sở sản xuất. Tới giờ, những đứa con của anh Duy cũng luôn quẩn quanh bên xưởng cờ rực rỡ.
Nhiều hộ ở làng Từ Vân vẫn giữ nghề truyền thống 70 năm nay dù có nhiều nghề đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Bởi trong ký ức, tâm khảm của họ: niềm tự hào chưa ngày nào nguôi khi được góp những lá cờ vào sự kiện lịch sử của đất nước. Nhiều người dân Từ Vân may mắn được trực tiếp tham gia sản xuất tại tổ Cờ Đỏ và được giao nhiệm vụ thiêng liêng may cờ Tổ quốc phục vụ Cách mạng. Hàng trăm nghìn lá cờ từ đây cũng được tung bay trong rừng cờ mừng quốc khánh 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Cứ thế, họ đã gắn bó máu thịt với những tấm vải thiêng liêng đến tận bây giờ.
Anh Duy chia sẻ, “Ông cha, vợ chồng con cái chúng tôi đã sống nhờ những lá cờ này, nó còn là lòng yêu tổ quốc giản đơn của dân làng Từ Vân. Chúng tôi muốn truyền lửa cho thế hệ sau niềm tự hào, vẻ vang này”.
Không được chứng kiến những sự kiện lịch sử ngày xưa, nhưng có lẽ chẳng người nào may cờ ở đây quên được thời khắc lịch sử như trận chung kết Việt Nam gặp Uzbekistan dưới mưa tuyết và cái rét -3 độ C. Những ngày ấy, người dân Từ Vân gần như thức thâu đêm suốt sáng để kịp may hàng trăm nghìn lá cờ Tổ quốc phục vụ người dân. Sự cổ vũ cuồng nhiệt cho đội tuyển Việt Nam dồn vào những lá cờ tươi thắm, trong không khí gấp gáp náo nhiệt chưa từng có về một trận bóng có một không hai từ trước đến giờ.
Mũi chỉ đường kim thời hội nhập
Ở làng Từ Vân, quanh năm gần như lúc nào người ta cũng cảm nhận được niềm vui, rộn rã của may cờ. Nhiều người nhìn một lá cờ có vẻ giản đơn nhưng để làm ra nó đòi hỏi ở người thợ sự tận tâm, tỉ mỉ đến từng đường kim, mũi chỉ. Thế nên, dù có rất nhiều nơi sản xuất cờ nhưng lá cờ Từ Vân luôn sắc nét và có dấu ấn riêng.
Một lá cờ đẹp trước hết phải là một lá cờ đỏ thẫm, màu sao vàng phải thật vàng tươi được tuyển chọn qua con mắt người thợ có kinh nghiệm với kích thước chính xác: chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, tỷ lệ khi may ngôi sao là 1:5, sao phải được đặt chính giữa lá cờ sao cho từ đỉnh cánh này đến cánh kia phải là 1 đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao phẳng phiu không bầu bĩnh, một cánh sao có trục vuông với chiều dài lá cờ và hai ngôi sao ở hai mặt lá cờ phải trùng nhau.
Nhìn cách những người trẻ ở đây tập trung tuyệt đối vào việc máy cờ, thêu cờ ta mới hiểu để đạt được tỷ lệ chuẩn mực ấy, đôi bàn tay, con mắt, sự tinh tế phải được rèn luyện qua thời gian bằng một sự cầu thị học hỏi miệt mài của mỗi người. Sự trưởng thành của họ trong nghề được đánh giá qua vẻ đẹp vuông vắn, mượt mà của mỗi lá cờ.
“Công nhân các xưởng sản xuất ở đây mỗi ngày được nhận lương 200.000 – 250.000 đồng. Thu nhập phải đảm bảo đời sống thì mới khiến họ gắn bó với nghề. Chính vì vậy, chúng tôi cũng phải tìm cách “lớn lên””, anh Duy chia sẻ.
Từ Vân vất vả để bươn chải giữa thời cuộc để gìn giữ được nghề, người dân ở đây đã bắt đầu cập nhật ưu công nghệ và máy móc để tối ưu hoá thời gian, công sức làm ra sản phẩm. Hàng năm, xưởng sản xuất như anh Duy đều bỏ tiền ra để cập nhật những phương pháp làm mới, sao cho cờ may được đẹp hơn, nhanh hơn như đầu tư mua máy cắt lazer và máy in màu.
Những việc thủ công giờ chỉ duy trì vừa đủ cho khoảng 15 đến 20 người trong xưởng. Ngoài may cờ, các xưởng may cũng đa dạng hóa các mặt hàng từ băng rôn, khẩu hiệu, cờ lưu niệm, cờ nước ngoài để có thêm doanh thu. Tình yêu nào cũng cần phải trưởng thành theo thời gian. Đó cũng chính là cách những người dân Từ Vân duy trì được nghề và theo kịp xu thế hội nhập trong thời đại 4.0 như ngày nay.
Mỗi nét in, đường thêu của lá cờ Từ Vân tung bay trên khắp mọi miền của Tổ quốc từ đảo Trường Sa đến cột cờ Lũng Cú, từ phố phường cho đến làng quê luôn khơi dậy trong lòng chúng ta hai tiếng quê hương đầy tự hào.