Hồ sơ vụ án

Truy tố 7 bị can liên quan đến công tác bồi thường tái định cư

Trần Sỹ 02/07/2024 17:02

Tham ô tài sản; Sử dụng trái phép tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là những tội danh mà 7 cán bộ, nguyên cán bộ, nhân viên và một người dân của xã Ia Mơ và huyện Chư Prông vừa bị VKSND tỉnh Gia Lai truy tố. Trong đó, có những bị can bị truy tố cùng lúc 2 tội danh.

Các bị can gây thiệt hại tiền tỷ

Cụ thể các bị can bị truy tố gồm: Hà Ngọc Thẩn (SN 1962, nguyên Trưởng ban Đền bù giải phóng mặt bằng huyện), Nguyễn Tiến Tạo (SN 1981, nguyên Phó trưởng Phòng TN&MT huyện), Rơ Lan Chim (SN 1979, nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, huyện Chư Prông), Nguyễn Thị Luyên (SN 1984, kế toán - nhân viên hợp đồng của ban đền bù huyện), Quách Văn Lực (SN 1987, nhân viên ban đền bù huyện), Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1986, chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện), Bùi Đình Hiếu (SN 1986, công chức địa chính xã) và Trịnh Minh Hòa (SN 1983, làm nông xã Ia Mơ).

Theo đó, vào năm 2016, huyện Chư Prông được tỉnh Gia Lai giao nhiệm vụ triển khai thực hiện việc thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn huyện. Trong quá trình thực hiện, các bị can Thẩn, Tạo, Lực, Hiếu, Chim và Ánh đã có hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị can Thẩn và Luyên còn sử dụng trái phép hơn 41 tỷ đồng là tiền đền bù của các công trình để gửi tiết kiệm.

Cùng với đó, Luyên còn có hành vi lập chứng từ khống để chiếm đoạt hơn 161 triệu đồng; Trịnh Minh Hòa có hành vi gian dối lập giả giấy đổi đất cho ông Rơ Mah Nheng để ông Nheng đứng tên đi nhận hộ tiền nhằm chiếm đoạt gần 649 triệu đồng của Nhà nước.

W_1.jpg
Hồ thủy lợi Ia Mơr trên địa bàn huyện Chư Prông.

Tự ý chỉ đạo và lùi thời điểm sử dụng đất cho 10 hộ dân

Với trách nhiệm là Trưởng ban đền bù, Hà Ngọc Thẩn đã giao trách nhiệm cho nhân viên của mình là Quách Văn Lực lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, kiểm tra, kiểm kê thực tế diện tích đất và tài sản trên đất, nguồn gốc đất thuộc hạng mục Kênh Đông - Tây (Dự án công trình thủy lợi Hồ chứa nước Ia Mơr).

Lúc này, Lực biết các thửa đất của 10 hộ dân được Trung đoàn 710 bố trí ở tạm vào năm 2010, 2011 để ổn định đời sống, không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nên không đủ điều kiện bồi thường về đất và hỗ trợ chuyển đổi nghề, đào tạo việc làm.

Vậy nên, Lực đã báo cáo toàn bộ sự việc, xin ý kiến Trưởng ban rồi nhận được sự đồng ý lùi thời điểm sử dụng đất của 10 người dân này về trước năm 2008 và nhận chuyển nhượng của người khác để đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ.

Sau đó, Lực trao đổi, thống nhất với Bùi Đình Hiếu - địa chính xã Ia Mơ lùi thời gian của 10 hộ dân này về các năm 2004, 2006, 2007, ghi thêm nguồn gốc đất là nhận chuyển nhượng.

Lực hủy bỏ hết các tờ khai đã lập trước đó, rồi tự viết, lập lại các tờ khai mới rồi đưa cho Hiếu ký xác nhận. Ngoài ra, với thủ đoạn tương tự, Lực còn đưa cho Hiếu ký xác nhận 1 trường hợp khác là ông Rơ Mah Nheng.

Ký hồ sơ vì... “tin tưởng cấp dưới”

Khi nhận hồ sơ chuyển tiếp từ Hiếu, bị can Rơ Lan Chim (lúc này là Chủ tịch UBND xã Ia Mơ), vì “tin tưởng cấp dưới” nên không đôn đốc, nhắc nhở Hiếu đi kiểm tra lại nguồn gốc đất, không kiểm tra thành phần hồ sơ mà ký xác nhận trong tờ khai nguồn gốc đất cho 9/10 hộ dân nói trên không đúng với thực tế dẫn đến bồi thường, hỗ trợ trái quy định hơn 400 triệu và trường hợp của ông Rơ Mah Nheng 650 triệu đồng. Một Phó Chủ tịch xã ký xác nhận 1/10 hộ dân số tiền đền bù hơn 1 triệu đồng.

W_2..jpg
Mương dẫn nước của Hồ thủy lợi Ia Mơr.

Đối với 2 bị can Nguyễn Tiến Tạo và Nguyễn Ngọc Ánh, sau khi hoàn thiện hồ sơ, Ban đền bù đã chuyển sang cho Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện. Ánh đã tiếp nhận hồ sơ của 10 hộ dân Trung đoàn 710 và hộ Rơ Mah Nheng để tiến hành thẩm định.

Vậy nhưng, cũng vì tin tưởng nên Ánh và Tạo không kiểm tra các tài liệu làm căn cứ để UBND xã xác định nguồn gốc đất hoặc kiểm tra sơ sài nên không phát hiện việc hồ sơ 10 hộ dân Trung đoàn 710 và ông Nheng không phải là nhận chuyển nhượng, không đủ điều kiện để được hỗ trợ bồi thường... nên Tạo đã ký đồng ý với phương án mà Ánh đã trình, ban đền bù đã lập. Từ đó, dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ trái quy định gần 1 tỷ đồng (hơn 1 tỷ trừ đi số tiền bồi thường vật, kiến trúc).

Mở 29 sổ tiết kiệm, gửi hơn 41 tỷ vào ngân hàng để lấy tiền lãi

Trong khoảng thời gian từ tháng 6-12/2018, với tư cách là Trưởng ban Đền bù, giải phóng mặt bằng của huyện, Hà Ngọc Thẩn đã chỉ đạo bằng miệng cho Nguyễn Thị Luyên sử dụng tiền đền bù của 3 công trình để gửi trái phép 29 sổ tiết kiệm cá nhân mang tên Nguyễn Thị Luyên tại một số ngân hàng với tổng số tiền hơn 41 tỷ đồng. Lãi phát sinh hơn 200 triệu đồng, được Thẩn chỉ đạo Luyên chi cho hoạt động ăn uống, chi phí đi lại của đơn vị nhưng không có hóa đơn, chứng từ.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao là quản lý kinh phí chi trả cho các hộ dân bị giải phóng mặt bằng của một số dự án, Luyên đã tham ô, chiếm đoạt hơn 160 triệu đồng tiền của ngân sách nhà nước.

Với những sai phạm đã nêu ở trên, Nguyễn Thị Luyên bị truy tố về 2 tội danh: Tham ô tài sản quy định tại khoản 2 Điều 353 BLHS và tội Sử dụng trái phép tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 177 BLHS.

Hà Ngọc Thẩn cũng bị truy tố về 2 tội Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 2 Điều 230 BLHS và tội Sử dụng trái phép tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 177 BLHS.

Các bị can Bùi Đình Hiếu và Quách Văn Lực bị truy tố về tội Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 3 và khoản 2 Điều 230 BLHS.

Rơ Lan Chim, Nguyễn Ngọc Ánh, Nguyễn Tiến Tạo bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 360 BLHS. Riêng Trịnh Minh Hòa bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 4 Điều 174 BLHS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truy tố 7 bị can liên quan đến công tác bồi thường tái định cư