Theo phản ánh của phụ huynh có con em học tại trường THCS Cam Lâm (xã Cam Lâm, Con Cuông, Nghệ An) trong năm học 2014 -2015, nhà trường đã bớt xén tiền và gạo hỗ trợ của học sinh nghèo, ngoài ra còn tổ chức thu nhiều khoản khác trái với quy định.
Nhà trường ăn chặn tiền và gạo hỗ trợ của học sinh
Qua tìm hiểu được biết, Trường THCS Cam Lâm đóng trên địa bàn của xã nghèo vùng núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ở đây đa phần học sinh được hưởng chế độ phụ cấp chi phí học tập và gạo theo Nghị Định 74 và quyết định số 36 của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm học 2014- 2015, trường THCS Cam Lâm có 92 em được hưởng chế độ phụ cấp trên (chủ yếu thuộc hai bản nghèo là Bạch Sơn và bản Cam).
Theo phản ánh của phụ huynh, chúng tôi tìm đến bản Bạch Sơn, vào nhà chị Lô Thị Tuyết (thuộc hộ nghèo của xã) có con là Lô Thị Thu Hà đang học lớp 8A, tại Trường THCS Cam Lâm.
Khi hỏi về việc năm học vừa qua nhà trường có thu lại tiền và gạo hỗ trợ không? Chị Tuyết cho biết: theo quy định thì con chị đi học mỗi tháng được Nhà Nước hỗ trợ 15kg gạo. Cuối kỳ I, nhà trường tổ chức phát gạo (5 tháng) là 75kg nhưng chị chỉ nhận được 50kg, bị nhà trường thu lại 25kg gạo với lý do 20kg để nấu ăn bán trú và 5kg trừ tiền bốc vác, vận chuyển, cân gạo.
Sang kỳ II phát gạo (4 tháng) là 60kg nhưng cũng chỉ nhận được 50kg gạo. Còn tiền hỗ trợ thì kỳ I nhà trường thu lại 100 ngàn đồng, kỳ II là 200 ngàn đồng với lý do ủng hộ nhà trường.
Chị Lô Thị Tuyết trao đổi với PV
Khi được hỏi về việc nhà trường thu gạo và tiền vô lý như vậy thì chị và những phụ huynh khác có gặp lãnh đạo nhà trường để hỏi không? Chị Tuyết cho biết: lúc đầu phụ huynh tập trung lại phản đối, rồi thầy Minh (Hiệu trưởng) đứng ra lý giải rằng đó cũng là thu để phục vụ cho học sinh, chứ không phải thu cho nhà trường. Nếu phụ huynh tiếp tục phản đối nhà trường sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền Nhà nước hỗ trợ ra kho Bạc. Nghe thầy Hiệu trưởng nói thế nên nhiều người sợ, không dám lên tiếng.
“Chúng tôi phản đối, thầy Hiệu trưởng ra gặp chúng tôi để lý giải. Ngày đầu tiên họp đòi thu 500 ngàn mỗi em, chúng tôi không đồng ý, đến gần 12h trưa không thống nhất được nên chúng tôi ra về. Ngày hôm sau họp tiếp, cũng đến gần trưa, lại nghe thầy Hiệu trưởng nói trả lại tiền cho kho Bạc chúng tôi sợ nên đồng ý ở mức thu 200 ngàn mỗi em” – chị Tuyết nói.
Căn nhà xiêu vẹo của mẹ con chị Tuyết tại bản Bạch Sơn
Cũng đang có con học tại trường THCS Cam Lâm, chị Lộc Thị Xin (Bản Bạch Sơn, cũng là hộ nghèo của xã) cho biết, năm học vừa qua, con chị cũng bị nhà trường thu mất 35kg gạo và 300 ngàn tiền hỗ trợ với lý do tương tự.
“Nhà trường nói thu thì tôi cũng làm theo thôi chứ thực sự không thỏa mãn, tiền và gạo Nhà nước hỗ trợ, nhà trường không ủng hộ thêm thì thôi, lại ăn bớt đi của học sinh nghèo” – chị Xin nói.
Để khách quan hơn, chúng tôi sang bản Cam để tìm gặp những phụ huynh khác. Đường vào bản Cam hết sức khó đi, đường đất nhấp nhô, rãnh xoáy với những đoạn uốn cong như vòng cung. Học sinh ở bản Cam muốn tới trường học phải đi từ lúc 4 giờ sáng và phải đi bộ hơn chục cây số.
Vào đến bản Cam trời cũng đã xế chiều, người dân đã lên rẫy lấy măng hết, gần chục hộ ghé vào đều không có ai ở nhà. Khi chúng tôi quay ra thì gặp vợ chồng anh Lô Văn Ùi và chị Vi Thị Hít. Họ có con là em Lô Văn Kh. đang học tại trường THCS Cam Lâm.
Khi được hỏi về việc nhà trường có thu lại tiền và gạo không? Chị Hít khẳng định việc đó là có thật, năm học vừa qua con chị cũng bị nhà trường thu mất 35kg gạo và 300 ngàn. Cũng họp bàn phản đối nhưng rồi cũng phải để cho nhà trường thu.
Chị Hít cho biết thêm, đầu năm học nhà trường thu mỗi học sinh hơn 1 triệu đồng, trong đó ngoài khoản tiền xã hội hóa là 400 ngàn thì còn có những khoản như: tiền điện nước 120 ngàn, tiền hỗ trợ giáo dục 140 ngàn, tiền giữ xe 90 ngàn, khảo sát 30 ngàn…
Chị Vi Thị Hít ở bản Cam đang làm việc với PV
Những phụ huynh ở hai bản Bạch Sơn và bản Cam mà chúng tôi gặp được đều có chung một câu trả lời về các khoản thu chi của nhà trường. Họ thực sự bức xúc trước những khoản thu trái qui định và việc bị nhà trường “ăn chặn” tiền, gạo hỗ trợ của con em họ.
Nhà trường thu mục đích... vì học sinh?
Trao đổi với PV về việc thu gạo và tiền hỗ trợ của học sinh, thầy Nguyễn Trọng Minh- Hiệu trưởng trường THCS Cam Lâm cho biết: “Năm học 2014- 2015, nhà trường có 136 học sinh, trong đó có 92 em được hưởng chế độ bán trú và 46/92 em đó có ăn bán trú tại trường. Những em ở lại ăn, nhà trường có giữ lại mỗi em 10kg gạo để phục vụ nấu ăn cho các em”.
Thầy Minh phủ nhận việc nhà trường giữ lại 25kg ở học kỳ I như phụ huynh phản ánh. Còn về việc thu tiền, nhà trường chỉ thu 200 ngàn đồng đối với những em được nhận tiền hỗ trợ là đã thông qua hội phụ huynh. Thu khoản tiền này để mua dụng cụ nấu ăn cho các em và khoản tiền này được phụ huynh tự nguyện đóng.
“Thực sự nhà trường gặp nhiều khó khăn, nên có thông qua hội phụ huynh để thống nhất thu mỗi em 200 ngàn, ủng hộ nhà trường xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm đồ dùng cho các em, chứ không phải thu cho nhà trường. Đại đa số phụ huynh đồng ý, chỉ có một số ít phụ huynh phản đối thôi!. Còn việc thu gạo cũng là lấy để nấu cho các em ăn.”- thầy Minh lý giải.
Về các khoản như: Điện nước 120 ngàn đồng, Hỗ trợ giáo dục 140 ngàn đồng, tiền khảo sát 30 ngàn đồng… thầy Minh lại lấy lí do vì nhà trường gặp nhiều khó khăn, ngân sách chi thường xuyên 1 năm nhà trường chỉ được 75 triệu không thể trang trải đủ nên thu thêm những khoản này, mục đích chính cũng để phục vụ cho các em học sinh.
Thầy Nguyễn Trọng Minh – Hiệu trưởng trường THCS Cam Lâm
Khi PV hỏi về việc tại sao lại có nhiều phụ huynh khẳng định việc nhà trường thu của các em mỗi năm 35 kg gạo và 300 ngàn thì thầy Minh nói không biết vì nhà trường không thu như vậy và cũng không cung cấp được danh sách phát tiền và gạo hỗ trợ năm học qua với lý do danh sách đó cô kế toán đang giữ nhưng hôm nay lại nghỉ.
Trao đổi với PV, thầy Phan Anh Tài – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho biết: việc nhà trường giữ lại gạo của học sinh bây giờ phòng mới biết thông tin và sẽ yêu cầu thầy Minh làm tường trình cụ thể. Còn việc thu lại tiền của học sinh được nhận tiền hỗ trợ của nhà nước để mua sắm, xây dựng cơ sở nhà trường là hoàn toàn sai, trái với quy định, bất kể là 200 ngàn hay 300 ngàn.
Về các khoản thu như tiền điện nước, tiền hỗ trợ giáo dục, tiền khảo sát... đều sai cả, không có chủ trương cho thu và cũng không được thu. Qua đây, cảm ơn báo chí đã cũng cấp thông tin, phòng sẽ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra lại các khoản thu chi tại trường THCS Cam Lâm.
Hỗ trợ cho học sinh vùng 135, học sinh là con em hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, là chủ trương chính sách lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp GD&ĐT, thì trường THCS Cam Lâm đang có chiều hướng đi ngược lại những chính sách, chủ trương đó. Đề nghị các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc, làm rõ những vấn đề báo nêu.