Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành lập 3 trường thành viên mới

Ngô Chuyên (ghi)| 14/10/2021 09:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết: Việc thành lập 3 trường là một mốc dấu quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong đó thực hiện xây dựng mô hình tổ chức quản trị, phát triển thành Đại học Bách Khoa Hà Nội.

uy9_1550.jpg
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh Ngô Chuyên.

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn với PGSTS Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

PV: Được biết, trong dịp kỷ niệm 65 năm thành lập, nhà trường sẽ công bố thành lập 3 trường trong ĐH Bách khoa Hà Nội. Vậy việc thành lập 3 trường đó nhằm mục tiêu gì thưa ông?

Ngày 8/10/2021, Hội đồng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã ra nghị quyết thành lập 3 trường trực thuộc: Trường Cơ khí trên cơ sở tổ chức lại 3 Viện đào tạo (Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực và Viện Khoa học và công nghệ nhiệt lạnh);

Trường Điện-Điện tử trên cơ sở tổ chức lại 2 Viện đào tạo và 1 Viện nghiên cứu (Viện Điện, Viện Điện tử viễn thông; Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng);

Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị thuộc Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông.

Đây là một mốc dấu quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong đó thực hiện xây dựng mô hình tổ chức quản trị, phát triển thành Đại học Bách Khoa Hà Nội, đảm bảo triết lý “một Bách Khoa”, cải cách bộ máy tổ chức, xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, tạo động lực cho đổi mới và phát triển.

Các mục tiêu cụ thể cho việc thành lập 3 trường:

Phát triển mạnh mẽ 3 lĩnh vực Cơ khí, Công nghệ thông tin và Truyền thông; các trường sẽ thực hiện đào tạo và nghiên cứu tốt nhất để mỗi nhóm ngành tương ứng được xếp thứ hạng 300-400 của thế giới theo theo bảng xếp hạng QS vào năm 2025 (mức xếp hạng năm 2021 là 401-450);

Mỗi trường Cơ khí, CNTT-TT, Điện-Điên tử tiếp tục là các đơn vị mũi nhọn, một tổ chức sáng tạo của ĐHBKHN, tiếp tục giữ vững vị thế là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (CGCN) số một Việt Nam, hàng đầu khu vực, và có uy tín trên trường quốc tế trong các lĩnh vực tương ứng;

Mỗi trường Cơ khí, CNTT-TT, Điện-Điên tử tiếp tục phát huy và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy và ươm tạo công nghệ để hình thành các doanh nghiệp spin-off/start-up có tầm ảnh hưởng, thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ và quỹ đầu tư khởi nghiệp trong và ngoài nước;

bach-khoa.jpg
Bách khoa Hà Nội - là cái nôi đào tạo nhiều kỹ sư, nhà khoa học hàng đầu cho Việt Nam. Ảnh BK.

Mỗi trường tích cực và chủ động tham gia và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, các đề án quốc gia: Đô thị thông minh, Chuyển đổi số Quốc gia, Chính phủ số, Xã hội số....

PV: Thưa ông trước những thách thức,những yêu cầu mới của đất nước, Bách khoa Hà Nội đang có những sự đổi mới mạnh mẽ như thế nào?

Giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn quan trọng trong xây dựng đất nước và Thủ đô Hà Nội, đươc chỉ rõ trong các văn bản chỉ đạo: Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình hành động của Chính phủ theo Quyết định số 2559/QĐ-BGDĐT ngày 06/08/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình 07-Ctr/TU ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thành ủy Hà Nội. Giai đoạn này (2021-2025) cũng là 5 năm rất quan trọng của Nhà Trường trong thực hiện “Chiến lược phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2025”.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Trường ĐHBKHN để triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược.với quan điểm “Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học làm trung tâm”.

Năm nội dung đổi mới mạnh mẽ nhất ở ĐHBKHN trong giai đoạn này sẽ là:

Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số và phát triển ĐHBKHN theo mô hình đại học số chia sẻ;

Quy hoạch phát triển các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu của ĐHBKHN đảm bảo tính hiện đại và phát triển bền vững;

Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm Make in Bách Khoa Hà Nội trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ then chốt;

Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, khẳng định và nâng cao vị thế thương hiệu ĐHBKHN trong khởi nghiệp, khởi nguồn và đổi mới sáng tạo;

Khai thác và phát huy thế mạnh của Trường trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức để đóng góp nhiều hơn nữa trong sự phát triển của ngành, của Thủ đô Hà Nội và đất nước;

PV: Ông nhìn nhận thế nào về chặng đường phát triển 65 năm qua của ĐH Bách khoa Hà Nội ?

Trong suốt 65 năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự tin tưởng của nhân dân cũng như sự giúp đỡ quý báu của các đơn vị đối tác, bạn bè thân thiết trong và ngoài nước, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng lớn mạnh để trở thành một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trung tâm khoa học-công nghệ hàng đầu của đất nước, góp phần quan trọngvào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong suốt chặng đường phát triển, người Bách Khoa - thầy và trò của Trường luôn mộc mạc, giản dị, chân thành, luôn làm việc với sự tôn trọng cá nhân, với sự đoàn kết, với tinh thần tận tâm, tận lực, đổi mới, khát vọng sáng tạo và đột phá. ĐH Bách khoa Hà Nội luôn chú trọng đào tạo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho xây dựng, phát triển của đất nước. Vai trò và vị thế của ĐH Bách khoa Hà Nội còn được thể hiện đậm nét trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Rất nhiều sản phẩm Make in Bách Khoa Hà Nội đã có giá trị ứng dụng thực tiễn, được cả nước biết đến: rà phá bom từ tính, thủy lôi từ trường, phục hồi hệ thống thông tin VIBA, đường ống dẫn xăng dầu từ miền Bắc vào Trường sơn trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; phần mềm BKED, BKAV của những năm sau đổi mới; và gần đây nhất là những sản phẩm phục vụ phòng chống và điều trị dịch bệnh Covid-19.

Trường ĐHBK Hà Nội luôn tiên phong trong đổi mới: Thực hiện những tìm tòi, thử nghiệm trong đổi mới quản trị nhằm luôn đảm bảo mô hình quản trị tiên tiến, cơ cấu tổ chức tinh gọn, tạo động lực cho sáng tạo và phát triển;

Đổi mới đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế; đổi mới hoạt động KHCN, xây dựng và phát triển hướng nghiên cứu mới nhằm hội nhập khu vực và thế giới;

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo của sinh viên và giảng viên, tập trung vào những nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, hình thành “bí quyết công nghệ của người Việt” để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), khởi nguồn (spin-off).

Xin cảm ông đã nhận lời trả lời phỏng vấn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành lập 3 trường thành viên mới