Hàng năm, hệ thống TAND giải quyết hàng nghìn vụ án hôn nhân gia đình. Nhiều vụ án phức tạp do các bên không có tiếng nói chung vì không cùng một nhận thức. Hòa giải đã giúp họ nhận ra, từ đó trở lại đoàn tụ, xây dựng gia đình hạnh phúc...
Dưới đây là một ví dụ về thành công trong công tác hòa giải do Trung tâm hòa giải, đối thoại quận Lê Chân (Hải Phòng) vừa thực hiện.
Khi hôn nhân bên bờ vực ly hôn
Năm 2006, anh Đào Văn Vinh và chị Trần Thị Thu, trú tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng kết hôn sau nhiều năm tìm hiểu. Thời gian đầu về chung sống với nhau, cuộc sống gia đình tuy gặp nhiều khó khăn do đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng nhưng không vì thế mái ấm thiếu đi tiếng cười, nhất là từ khi anh chị sinh được hai con, có “đủ nếp, đủ tẻ”.
Niềm vui là thế nhưng trong cuộc sống, thêm người lại phải thêm gánh nặng lo toan về tài chính, cơm áo gạo tiền trong khi đồng lương vốn đã không đủ trang trải, nay phải dốc toàn tâm, toàn lực để chăm lo cho con cái nên vợ chồng chị Thu cũng không còn thời gian để quan tâm, chia sẻ với nhau. Khó khăn chồng chất khó khăn, chính vì thế, vợ chồng chị Thu đã phát sinh những mâu thuẫn, nhiều khi đã xảy ra xô xát, cãi vã nhau. Cũng từ đó, không khí gia đình luôn trong tình trạng hết sức ngột ngạt, vợ chồng bằng mặt nhưng không bằng lòng, vì hai con nên anh chị vẫn tiếp tục chung sống.
“Tức nước vỡ bờ”, chị Thu nghĩ rằng không thể tiếp tục chung sống với anh Vinh nên quyết định sống ly thân, mỗi người một nơi, sau nhiều năm anh chị chung sống bên nhau. Và rồi đến một ngày, khi tình cảm vợ chồng không còn mặn nồng, vì muốn dứt bỏ tất cả những gì hai vợ chồng đã từng vun đắp, chị Thu đã quyết định gửi đơn ra Tòa án đề nghị giải quyết việc ly hôn giữa chị với anh Vinh.
Sau khi nhận được đơn của chị Thu, TAND quận Lê Chân đã chuyển đơn đến Trung tâm hòa giải và Hòa giải viên nghiên cứu, giải quyết.
Từng là cán bộ điều tra bên ngành Công an đã nghỉ hưu, ông Đỗ Hữu Thắng lẽ ra sẽ nghỉ ngơi sau hàng chục năm công tác. Nhưng với lương tâm, trách nhiệm và luôn mong muốn góp sức mình cho xã hội, ông Thắng đã tình nguyện tham gia Trung tâm hòa giải tại TAND quận Lê Chân với tư cách là Hòa giải viên. Được Giám đốc Trung tâm hòa giải giao nhiệm vụ, Hòa giải viên Đỗ Hữu Thắng đã nghiên cứu hồ sơ để lên phương án hòa giải, đối thoại.
Ông Đỗ Hữu Thắng, Hòa giải viên trao đổi về công tác hòa giải, đối thoại
Sau khi gặp gỡ vợ chồng chị Thu để nghe tâm tư nguyện vọng và tìm hiểu về lý do ly hôn, Hòa giải viên đã nhận định cuộc hôn nhân rạn nứt do vợ chồng chị Thu còn tồn tại những hiểu lầm về nhau. Cuộc sống nảy sinh những bất đồng, mâu thuẫn do anh chị chưa tìm được tiếng nói chung. Nhận thấy, việc vợ chồng có những hiểu lầm về nhau, có bất đồng, mâu thuẫn với nhau trong cuộc sống cũng là lẽ thường, hơn nữa anh chị đã có với nhau hai đứa con nên Hòa giải viên đã tìm hướng để hóa giải mâu thuẫn, giúp vợ chồng chị Thu hàn gắn hạnh phúc.
Cầu nối hàn gắn hôn nhân
Trong buổi đầu hòa giải, đối thoại, chị Thu cho rằng, chồng chỉ đưa cho chị 3 triệu đồng/tháng, còn mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình một tay chị phải lo. Ngoài ra, chồng chị còn khắt khe trong việc chị về thăm quê ngoại ở xa và hạn chế chị ngoại giao, tiếp xúc với người khác nên chị cảm thấy rất bị áp lực khi vợ chồng không tin tưởng nhau. Còn anh Vinh cũng tâm sự rằng, lương của anh có 3,5 triệu đồng/tháng nên cũng chỉ đưa cho vợ được ngần ấy, anh khắt khe cũng vì muốn tốt cho vợ mình.
Tại buổi đầu hòa giải, đối thoại, hòa giải viên đã phân tích để vợ chồng chị Thu hiểu, nếu anh chị quyết tâm ly hôn, người được giải thoát là anh chị nhưng người gánh chịu hậu quả lại là những đứa con đang tuổi mới lớn. Cùng với đó, Hòa giải viên cũng lấy những dẫn chứng từ thực tế cuộc sống, công việc mà bản thân ông khi còn công tác đã tận mắt chứng kiến để thuyết phục anh Vinh, chị Thu nghĩ lại. Những phân tích bám sát thực tế và chia sẻ chân tình của Hòa giải viên đã ít nhiều tác động đến vợ chồng chị Thu. Đến cuối buổi hòa giải, đối thoại, chị Thu cho biết sẽ ghi nhận những chia sẻ của Hòa giải viên và đề nghị có thời gian để suy nghĩ lại việc ly hôn của vợ chồng chị.
Sau khi hiểu được nỗi lòng vợ chồng chị Thu, hòa giải viên nhận thấy, những mâu thuẫn trên đều có thể hóa giải được nên ông quyết tâm phải hàn gắn cuộc hôn nhân này trong lần hòa giải thứ hai.
Tại buổi đầu hòa giải, đối thoại lần hai, Hòa giải viên phân tích những khúc mắc, tâm tư của vợ chồng chị Thu để tác động, định hướng cho hai vợ chồng tìm được tiếng nói chung. Ngay sau đó, chị Thu và anh Vinh đã lắng nghe ý kiến, có sự cảm thông, chia sẻ với nhau. Anh Vinh đã hứa sẽ cố gắng sửa chữa những khuyết điểm còn tồn tại, tiếp tục chăm lo cho gia đình, còn chị Thu như trút bỏ được bao nỗi niềm dồn nén lâu nay và vui vẻ trở lại.
Ngay trong buổi hòa giải đối thoại lần hai, vợ chồng chị Thu đã đồng thuận, quyết định giữ gìn tổ ấm gia đình, cùng nhau chăm lo cho con cái. Đồng thời, chị Thu đã rút đơn đề nghị Tòa án giải quyết việc ly hôn của vợ chồng chị. Ngay sau đó, TAND quận Lê Chân đã ra thông báo trả lại đơn theo yêu cầu của chị Thu.
Chứng kiến vợ chồng chị Thu đoàn tụ, bản thân Hòa giải viên Đỗ Hữu Thắng rất vui mừng vì đã làm được một việc vô cùng ý nghĩa. Việc này không đơn giản là hàn gắn một cuộc hôn nhân đầy tính nhân văn, mà còn giúp xã hội ngăn chặn những hiểm họa từ xa. Bởi lẽ, hòa giải viên vốn là một cán bộ công an, đã từng tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp phạm pháp trong độ tuổi vị thành niên, động cơ phạm pháp phần lớn xuất phát từ hoàn cảnh gia đình tan vỡ. Không chỉ lường được những hậu quả sẽ xảy ra, bản thân hòa giải viên cũng là người làm cha làm mẹ, nên anh tin rằng anh Vinh, chị Thu dù có thế nào cũng vì các con mà phấn đấu, hy sinh tất cả. Cũng chính bởi nhận thấy điều đó đã khiến hòa giải viên thôi thúc, quyết tâm hàn gắn cuộc hôn nhân này.
(Tên đương sự đã được thay đổi).