Phóng sự - Ghi chép

Trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người vì bẫy "việc nhẹ lương cao"

Gia Ân- Huyền Trang 29/07/2023 - 18:45

Với đường biên giới dài, địa hình đồi núi, hiểm trở lại tập trung nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, những vùng đất giáp biên ở Nghệ An luôn là địa bàn hoạt động lý tưởng của tội phạm buôn người. Các đối tượng đã không từ thủ đoạn nào để lừa bán hàng xóm, người quen, phụ nữ đang mang thai và thậm chí là cả con đẻ của mình sang bên kia biên giới để lấy tiền.

Vì tiền bán cả người thân

Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn ngừa tội phạm mua bán người, song vì lợi nhuận và một phần do đặc thù vùng miền, vấn nạn này vẫn tiếp diễn phức tạp, khó lường, với thủ đoạn tinh vi.

Hậu quả là vẫn có những sơn nữ bị lừa bán, khiến cho danh sách về những nạn nhân mua bán người ở miền Tây xứ Nghệ ngày càng thêm nối dài.

buon-nguoi-2.jpg
Một đối tượng mua bán người bị Công an Nghệ An bắt giữ.

Trong số những vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người, chuyện về người cha vì quá túng quẫn, cần tiền chữa bệnh mà nhẫn tâm bán cả con gái sang xứ người có lẽ là câu chuyện đắng lòng nhất. Người cha ấy chính là Lô Phò Phèng (SN 1975, trú xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), còn nạn nhân là cô con gái L.T M.Ch. (SN 2005).

Khoảng cuối tháng 11/2018, do bệnh tim tái phát, cần tiền chữa bệnh nên Phèng gặp và đặt vấn đề với người họ hàng tên Lo Thị Căm (SN 1987), nhờ tìm người đưa con gái sang Trung Quốc bán, để lấy tiền chữa bệnh. Nghe Phèng đặt vấn đề, Căm đi gặp Moong Thị Xúm (SN 1976) nhờ tìm người đưa cháu gái của mình đi bán.

Sau khi thỏa thuận giá cả, Xúm câu kết với một người phụ nữ khác đưa cháu Ch. sang Trung Quốc bán làm vợ với giá 150 triệu đồng. Cơ quan điều tra xác định, trong vụ án này Lô Phò Phèng hưởng lợi 100 triệu đồng, Xúm hưởng lợi 7 triệu đồng, Căm hưởng lợi 13 triệu.

Sau 3 năm bị lừa bán, tháng 10/2021, cháu Ch. bỏ trốn về Việt Nam. Vụ mua bán người dưới 16 tuổi bị bại lộ, lần lượt các đối tượng bị bắt trong đó có Phèng. Ông bố này đã phải trả giá bằng án tù 14 năm vì tham gia vào việc bán con gái mình.

Thủ đoạn lừa bán người thân, anh em họ hàng cũng được các đối tượng áp dụng trong nhiều vụ án khác. Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa vụ án "Mua bán trẻ em" ra xét xử. Một trong 3 bị cáo là Ven Phò Ngọc (SN 1988), trú xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn.

Ngọc là người đã câu kết với các đối tượng đưa em vợ khi đó mới hơn 14 tuổi sang Trung Quốc bán. Nạn nhân vì muốn chạy trốn khỏi cuộc sống bị chồng đánh đập nên nhờ anh rể tìm việc làm nhưng lại bị lừa bán. Với hành vi vi phạm pháp luật, Ven Phò Ngọc bị HĐXX tuyên phạt 6 năm tù.

Nhiều chiêu thức, vỏ bọc buôn bán người

Nghệ An được xác định là địa bàn trọng điểm của tình hình tội phạm mua bán người. Giai đoạn 2020 - 2023, lực lượng chức năng Nghệ An đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ 31 vụ, 36 đối tượng phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em.

Công an tỉnh phát hiện, xử lý 1.055 trường hợp vi phạm liên quan đến lĩnh vực xuất, nhập cảnh, xử phạt 2,581 tỷ đồng. Các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tiến hành tổ chức tiếp nhận, xác minh 307 nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc phòng, chống mua bán người, song loại tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp. Thủ đoạn chủ yếu của tội phạm mua bán người là lợi dụng vào các mối quan hệ quen biết hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân, dùng lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm cho các cô gái với mức lương cao. Bên cạnh đó, các đối tượng còn công khai ngã giá, rủ rê nạn nhân đi lấy chồng ở nước ngoài sẽ có cuộc sống nhàn hạ hơn.

buon-nguoi-1.jpg
Lô Phò Phèng phải vào tù vì bán con gái.

Trên thực tế, nhiều vụ án mua bán người, mua bán trẻ em chỉ được điều tra và đưa ra xét xử khi các nạn nhân vỡ mộng “giấc mơ Trung Quốc” trở về Việt Nam và tố cáo người đưa mình đi. Hầu hết các nạn nhân đều cho biết, sau khi sang bên kia thì bị bán làm vợ, phải chịu sự kìm kẹp, quản lý của gia đình chồng, hoặc tệ hơn là bị bán vào các cơ sở mại dâm…

Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng mua bán người thường tổ chức thành các đường dây khép kín, có sự cấu kết chặt chẽ từ địa bàn nội địa, khu vực biên giới và ở nước ngoài.

Các đối tượng núp bóng dưới nhiều vỏ bọc, bằng nhiều chiêu thức khác nhau như: môi giới xuất khẩu lao động, tuyển người đi làm trong các công ty, hoặc thông qua các trang mạng xã hội để tán tỉnh, hẹn hò, giả vờ yêu đương rồi tiếp cận, lừa bán nạn nhân sang bên kia biên giới.

Thực tế thời gian qua, các đối tượng xấu còn tìm cách dụ dỗ phụ nữ miền núi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ly thân... hay đang mang thai đưa sang Trung Quốc sinh con rồi bán.

Đặc biệt, gần đây còn nổi lên hoạt động của các đối tượng người Việt Nam tại nước ngoài móc nối với đối tượng ở trong nước, sử dụng “chiêu bài” quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động “việc nhẹ, lương cao”, sau đó đưa ra nước ngoài ép làm việc trong các casino, công ty đánh bạc trực tuyến...

Ngoài ra, cần phải kể đến việc một số đối tượng trước đây là nạn nhân bị lừa bán, sau một thời gian ở nước ngoài đã về nước hoặc móc nối với một số đối tượng để hình thành thành các đường dây mua bán người.

Hành vi mua bán người đặc biệt là mua bán phụ nữ không chỉ xâm phạm nhân phẩm, danh dự và quyền tự do của con người mà còn để lại những hậu quả đau lòng, những vết sẹo khó lành đối với nạn nhân, gia đình và là nỗi đau nhức nhối với toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người vì bẫy "việc nhẹ lương cao"