Tranh cãi trách nhiệm trong vụ xe bồn cháy khiến 6 người chết

Huy Hoàng(TH)| 23/11/2018 18:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ tai nạn xe bồn thảm khốc xảy ra tại tỉnh Bình Phước làm 6 người chết và cháy 19 căn nhà. Trước hậu quả vô cùng nghiêm trọng để lại, nhiều người đang đặt ra câu hỏi: Trách nghiệm thuộc về ai?

Liên quan đến vụ tai nạn kinh hoàng tại huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), ngày 22/11, Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đơn vị đang phối hợp với phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt, công an tỉnh điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Đức Trí – Giám đốc hãng luật Roma (đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, đây là vụ tai nạn thảm khốc, hậu quả nghiêm trọng về cả người và của.

Theo đó, ông Trí cho rằng, thông tin ban đầu từ cơ quan Công an tỉnh Bình Phước, chiếc xe bồn chở xăng, dầu do tài xế Thạch Văn Phong điều khiển chạy với tốc độ 96km/h là quá tốc độ cho phép. Bản thân tài xế điều khiển chiếc xe chở xăng dầu phải lường trước được mức độ nguy hiểm nếu không may gây tai nạn, nhưng trong trường hợp này, tài xế chạy quá tốc độ nên lỗi trước hết thuộc về tài xế xe bồn.

Tranh cãi trách nhiệm trong vụ xe bồn cháy khiến 6 người chết

Khu phố tan hoang sau đám cháy kinh hoàng

Trong vụ tai nạn này, xe bồn sau khi đâm, va vào xe ba gác đã lao sang phần đường ngược lại, bị lật và tràn xăng, dầu ra ngoài gây cháy. Chắc chắn đó là điều tài xế không mong muốn nhưng thực tế đã xảy ra. Vậy đây có phải là trường hợp bất khả kháng hay không?

Luật sư Trí nói: “Trường hợp bất khả kháng là tài xế phải lưu thông đúng làn đường, tuân thủ đúng về tốc độ cho phép. Rồi nếu có một chướng ngại vật nào đó, một chiếc xe nào đó xuất hiện bất ngờ, đâm vào xe bồn khiến tài xế không kịp trở tay, tức là nguyên nhân vụ tai nạn do yếu tố khách quan thì mới gọi là trường hợp bất khả kháng.

"Còn trong trường hợp này, tài xế điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định (theo thông tin ban đầu từ Công an tỉnh Bình Phước) thì bản thân tài xế là người sai trước. Tai nạn xảy ra là lỗi của tài xế nên trong trường hợp này không thể gọi là bất khả kháng”, vị luật sư phân tích thêm.

Sau vụ việc, dư luận cũng đặt ra câu hỏi lớn là ai sẽ phải chịu trách nhiệm và phải bồi thường những thiệt hại trong vụ tai nạn.

Theo Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, trách nhiệm này trước hết thuộc về người gây ra tai nạn. Nếu người gây ra tai nạn là người của pháp nhân, người làm công, học nghề thì pháp nhân đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, cần xem xét mối quan hệ pháp luật giữa người lái chiếc xe bồn với đơn vị vận tải (nếu có).

Trong vụ việc này, ngoài thiệt hại về tính mạng, sức khỏe còn có thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, đó là 19 căn nhà bị thiêu rụi. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường dân sự phải bồi thường cả những thiệt hại thực tế về tài sản theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, một cán bộ PCCC cho rằng trách nhiệm bồi thường dân sự ra sao sẽ có tòa án phán quyết nhưng vụ việc cần đề cao tính nhân văn, không nên áp mọi trách nhiệm lên tài xế xe bồn.

"Phía công ty bảo hiểm, phía chủ hàng và cả chính quyền cũng như phía bị thiệt hại đều phải chia sẻ với nhau. Qua vụ việc này, các tài xế xe bồn chở xăng dầu cũng nên nghiêm khắc nhìn lại mình để không gây hậu quả đau lòng như thế”, vị cán bộ này chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh cãi trách nhiệm trong vụ xe bồn cháy khiến 6 người chết