Dòng người nghẹn ngào đưa tiễn 3 mẹ con ở Thanh Hóa ra nghĩa trang trong một ngày mưa, lạnh. Sự ra đi đường đột của họ lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh bảo về sự khốc liệt của “giặc lửa”. Phòng hơn chống và “cẩn tắc vô ưu”, mỗi người dân cần trang bị cho mình những kỹ năng xử lý khi phát hiện ra hỏa hoạn tấn công.
Vụ cháy trong đêm ngày 29/1 tại gia đình anh Lê Ngọc Tuấn (thôn 4, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã cướp đi sinh mạng của chị Trịnh Thị L. (SN 1984, giáo viên ở Trường mầm non xã Vĩnh Hưng) cùng hai con Lê Trịnh Ngọc S. (SN 2013) và Lê Trịnh Ngọc Th. (SN 2018). Những người thân, bà con lối xóm ai cũng bàng hoàng, tiếc thương.
Anh Lê Ngọc Tuấn (41 tuổi) già sọm đi sau sự việc. Nhớ lại giây phút phát hiện sự việc: “Khoảng 23h30, đang ngủ trên tầng 2 của căn nhà thì tôi nghe tiếng động dưới tầng 1 (nơi vợ và 2 con đang ngủ). Tôi vội xuống thì thấy có đám cháy xuất hiện tại khu vực sửa chữa xe máy gần hiên nhà. Lao vào tìm vợ con nhưng không thấy đâu nên chạy vòng lên tầng 2. Lúc này khói đen bốc lên và mất điện nên không nhận thấy gì.
Tôi hô hoán và thấy vợ dẫn 2 con chạy lên tầng trên. Tôi cũng định chạy lên trên nhưng ngọn lửa đã bao trùm cầu thang. Tôi lao ra ngoài tìm người giải cứu. Lúc này ngọn lửa đã lan nhanh ra toàn bộ khu vực tầng 1. Đến lúc mọi người tiếp cận được ngôi nhà thì 3 mẹ con đã tử vong từ lúc nào.”
Những người hàng xóm khi nghe tiếng tri hô thì lao vào dùng bình cứu hỏa mi ni xịt dập lửa nhưng bất thành. Một số người nhanh nhẹn leo lên tầng hai, đạp cửa để vào trong, khi tiếp cận được đã thấy chị L. và hai cháu bị tử vong.
Hoàn cảnh của anh Tuấn khá éo le. Bố đẻ mới mất được hơn 100 ngày vì ung thư vòm họng, không lâu sau thì mẹ của anh ấy phát hiện bị ung thư vú, giờ lại xảy ra chuyện bi thảm này nữa. Hơn 100 ngày mất 4 người thân trong gia đình. Cách đây hơn 10 năm, vợ chồng anh Tuấn có một người con trai qua đời vì tai nạn giao thông.
Sau sự việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã có văn bản gửi lời thăm hỏi, chia buồn tới thân nhân, gia đình bị nạn. Đồng thời, để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, hạn chế mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu: UBND huyện Vĩnh Lộc tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho gia đình người bị nạn; phối hợp với cơ quan công an và đơn vị liên quan khắc phục hậu quả vụ cháy, điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).
Công điện khẩn cũng yêu cầu giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của pháp luật và phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy; phát huy hiệu quả các mô hình "tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng".
Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, để xảy ra cháy lớn, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại đơn vị, địa phương trong phạm vi quản lý.
Trao đổi với PV, đại diện Phòng Cảnh sát chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thời gian qua tình hình cháy nổ diễn biến rất phức tạp, khó lường, đặc biệt là cháy, nổ tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn,… gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, môi trường đầu tư và an sinh xã hội.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ có thể dẫn đến cháy, nổ và xử lý kịp thời khi cháy nổ xảy ra trên địa bàn, người dân cần trang bị cho mình kỹ năng, kiến thức, quy trình xử lý khi cháy xảy ra.
Khi phát hiện ra cháy, nhanh chóng báo động cho mọi người biết bằng cách: hô hoán, đánh kẻng, ấn nút báo cháy,… hướng dẫn mọi người thoát nạn ra nơi an toàn. Ngắt điện khu vực xảy ra cháy. Nếu đám cháy nhỏ, chưa phát triển rộng thì sử dụng các phương tiện như: Xô, chậu, chăn chiên, bình chữa cháy, họng nước chữa cháy vách tường,… để dập tắt đám cháy. Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy theo số máy 114 và chính quyền, công an địa phương nơi gần nhất.
Đối với các hộ gia đình vừa ở vừa kết hợp kinh doanh, sửa chữa, buôn bán cần trang bị các vật dụng, phương tiện phòng cháy. Bố trí hàng hóa gọn gàng, cách xa khu điện, chất dễ cháy, có lối thoát hiểm khi sự cố xảy ra. Mỗi người dần thuộc cách sử dụng bình chữa cháy.
Các gia đình không nên bố trí "chuồng cọp", nếu cần thiết phải bố trí ô cửa; hãy tạo lối thoát nạn thứ 2 qua cửa phụ, ban công, lên mái, sang nhà bên cạnh. Mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn và chia sẻ cho các thành viên được biết. Khi cháy xảy ra, phải nhanh chóng thoát nạn qua cửa chính, cửa phụ, qua cầu thang, ban công, lô gia hoặc lối lên mái.
Để bảo vệ tính mạng của mình và người thân, khi phát hiện cháy, không hoảng sợ, không chạy loạn, không ẩn núp trong các khu vực nhà vệ sinh, tủ, gầm giường khi có cháy... Không sử dụng thang máy khi cháy xảy ra, chỉ dùng cầu thang bộ thoát nạn;
Không cố gắng chữa cháy, trừ khi bạn biết sử dụng phương tiện chữa cháy và nhận thấy có thể khống chế đám cháy an toàn. Không đặt bản thân vào tình huống nguy hiểm, không cố gắng quay lại khu vực đang xảy ra cháy. Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.
Tuân thủ các biện pháp phòng cháy. Chủ động trang bị một số phương tiện phòng cháy. Hiện nay nhiều nhà xây dựng theo dạng nhà ống nên hãy chủ động tham gia mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy để bố trí lối thoát hiểm mà vẫn đảm bảo an ninh, trật tự. Mỗi người dân cần tích cực, chủ động phòng cháy tốt, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chữa cháy kịp thời và có hiệu quả.