Vấn đề quan tâm

Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Nên cấm hay thí điểm?

Trang Nhi 23/11/2024 - 07:54

Chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) gồm thuốc lá nung nóng (TLNN) và thuốc lá điện tử (TLĐT) đang tồn tại nhiều ý kiến khác biệt về sở cứ khoa học, pháp lý lẫn quy trình ban hành quy định căn cứ trên Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Còn khoảng trống pháp lý trong quản lý thuốc lá mới

Qua 15 năm triển khai thực hiện, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã thể hiện được vai trò đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên qua quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều nội dung liên quan đến việc xác định đối tượng chịu thuế, chưa phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

thuoc-la-dien-tu.jpg
Ảnh minh họa

Do vậy, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết, thậm chí nên làm từ sớm để bảo đảm sự đồng bộ và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình), tỷ lệ nam giới hút thuốc lá trên phạm vi cả nước thời gian qua rất cao. Đặc biệt, trong xu hướng phát triển hiện nay, việc thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử cũng như thuốc lá nung nóng gia tăng rất nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ trẻ từ thành phố đến nông thôn. Chính vì vậy, nhiều ĐBQH đã đề xuất nên cấm việc sử dụng loại hình thuốc lá này vì đang ảnh hưởng rất lớn tới tình hình an ninh trật tự hiện nay.

Đại biểu Ngọc cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này cần bao quát đánh thuế đối với toàn bộ các loại mặt hàng thuốc lá, nhất là các loại thuốc lá mới trong thực tế hiện nay. Bởi, tại Điều 2 dự thảo về đối tượng chịu thuế đang dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng không quy định cụ thể liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá mới; và tại Điều 12 dự thảo Luật về tổ chức thực hiện thì quy định các sản phẩm thuốc lá mới sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như các loại thuốc lá tại Điều 2.

Nếu chỉ dẫn chiếu như Điều 2 thì không mâu thuẫn với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tuy nhiên, thực tế hiện nay chúng ta thấy khoảng trống pháp lý rất lớn trong quản lý các loại thuốc lá mới.

Đại biểu cho rằng, nếu quy định như dự thảo Luật thì chưa rõ ràng và chưa thật sự bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc quản lý các loại thuốc lá, nhất là thuốc lá mới. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như quy định thật chặt chẽ, tránh khoảng trống pháp lý đối với loại thuốc lá này.

Nên có lộ trình tăng thuế phù hợp

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đồng tình với việc dự thảo Luật giữ nguyên quy định thuế suất 75% như hiện nay cho mặt hàng thuốc lá. Bởi, nếu tăng đột ngột sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp phụ trợ. Do vậy nên có lộ trình tăng phù hợp; đồng thời, Chính phủ cần rà soát, nghiên cứu các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, lâu dài trong việc chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá.

Trước đó, tại tọa đàm “Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp” diễn ra hôm 16/10, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật kinh tế - dân sự, Bộ Tư pháp phân tích, theo Hiến pháp, nếu muốn cấm những vấn đề liên quan đến quyền con người thì cần thiết phải sửa luật, còn việc ban hành nghị quyết thì áp dụng trong trường hợp thí điểm quản lý.

Ông Hải cho biết, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điểm b, Khoản 2, Điều 15 - PV), có hai trường hợp Quốc hội có quyền ban hành nghị quyết thí điểm: Thứ nhất là chưa có luật điều chỉnh, thứ hai là chưa tương thích với luật hiện hành.

Theo Luật Đầu tư, thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện, do Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) quản lý. Như vậy, sản phẩm TLTHM nào được xác định là thuốc lá thì sẽ thuộc Luật PCTHTL và rơi vào trường hợp thứ hai. Với TLTHM, Quốc hội có quyền ban hành nghị quyết thí điểm có thời hạn. Nếu kết quả thí điểm tích cực thì sẽ hợp pháp hóa, áp dụng thành luật; ngược lại, sẽ bãi bỏ.

Ông Hải cho rằng, vì đã có Luật PCTHTL nên việc trình nghị quyết cấm TLTHM lên Quốc hội là chưa hợp lý. Nếu cấm, phải sửa cả Luật Đầu tư và Luật PCTHTL. Cần thêm vào Luật Đầu tư điều khoản: “Thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trừ TLĐT hay TLTHM trong tương lai là thuộc danh mục bị cấm”. Đồng thời, sửa Luật PCTHTL chỉ điều chỉnh đối với thuốc lá điếu.

Theo các đại biểu, phương án sửa luật hay ban hành nghị quyết thì đều mất ít nhất 2 năm, với điều kiện không có quan điểm khác biệt về các cơ sở khoa học để chứng minh TLTHM độc hại hơn thuốc lá điếu đến mức phải cấm.

ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng nêu quan điểm, vì không phải là ngành hàng bị cấm, nên thuốc lá cần được ứng xử mềm dẻo, nhằm mục tiêu vừa hài hòa lợi ích của các chủ thể, gián tiếp vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc cấm những loại thuốc lá mới sẽ sớm đưa vào sửa đổi trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng phải theo đúng quy trình, thủ tục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Nên cấm hay thí điểm?