Phóng sự - Ghi chép

Trăn trở hướng đi cho làng nghề đóng tàu thuyền truyền thống

Gia Ân-Đức Chung 13/07/2024 - 13:57

Có tuổi đời ngót nghét 700 năm, thế nhưng giờ đây làng nghề Trung Kiên xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đang phải loay hoay để tìm cách giữ nghề. Còn nhiều cơ sở đóng tàu với quy mô vừa và nhỏ khác cũng trong cảnh “lay lắt”, bỏ không được mà làm cũng không xong.

Nghề truyền thống đi đâu về đâu?

Nói đến xã Nghi Thiết, nhiều người không thể không nhắc tới làng nghề đóng tàu truyền thống Trung Kiên có tuổi đời ngót nghét 700 năm. Làng nghề đóng tàu Trung Kiên còn được biết đến là làng nghề đóng thuyền lâu đời nhất cả nước.

Sau thời gian hoạt động theo hộ gia đình, năm 2003, Hợp tác xã làng nghề đóng tàu Trung Kiên ra đời gồm 39 thành viên với hơn 300 lao động. Mỗi năm, Hợp tác xã xuất xưởng khoảng 80-100 con tàu cho khắp các vùng biển từ Bắc tới Nam với công suất từ 24-1200 CV để ngư dân bán biển, vươn khơi bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Có thể nói, thời vàng son làng nghề làm không hết việc, những người thợ không lúc nào được ngơi tay, khi nhu cầu đóng mới và sửa chữa tàu cá để vươn khơi đánh bắt ngày một nhiều. Thế nhưng, hiện nay làng nghề đóng tàu Trung Kiên đang phải chật vật tìm hướng đi mới.

Giờ đây, thay vì nghe những thứ âm thanh quen thuộc ngày nào của tiếng búa chát chúa, tiếng đục lạch cạch, tiếng máy cưa lẹt xẹt thì cả một vùng im lìm đến lạ thường.

Thay vào đó là những chiếc tàu đã phai màu sơn, hoen gỉ nằm nép mình một góc. Nhiều cơ sở đã đóng cửa, mặt bằng bỏ trống, máy móc, dụng cụ đóng tàu… lâu ngày không sử dụng đã hư hỏng phần nhiều.

Ông Nguyễn Gia In – Giám đốc Hợp tác xã làng nghề đóng tàu Trung Kiên, cho biết: "Những năm gần đây, các xưởng đóng tàu chủ yếu là sửa chữa tàu cũ, tuy nghề vẫn còn duy trì nhưng không còn nhộn nhịp, tất bật như trước, thay vào đó, người dân cũng chuyển mình với những công việc phù hợp hơn. Làng nghề Trung Kiên xưa có hơn 30 xưởng đóng tàu hoạt động đêm ngày, nay chỉ còn vài xưởng duy trì hoạt động”.

Nguyên nhân khiến làng nghề đóng tàu Trung kiên gặp nhiều khó khăn là do sau khi Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản ban hành với nhiều ưu đãi cho tàu xa bờ và ưu tiên tàu bằng vỏ thép, nên ngư dân Nghệ An và các ngư dân vùng biển khác không còn tha thiết đầu tư đóng mới tàu thuyền vỏ gỗ, các xưởng đóng tàu, thuyền không còn hoạt động hiệu quả như trước.

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết, cho biết : “Đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn, nên ngư dân không còn mặn mà với nghề biển như trước đây.

61761ae49ca69156211e3577_nghe-thu-cong-nghe-an6_high(1).jpg
Ông Nguyễn Văn Đông (chủ cơ sở đóng tàu xã Diễn Bích) giờ vừa làm chủ kiêm thợ sửa chữa tàu do ít việc.

Dù năm nay làng nghề đóng mới được 7 chiếc tàu mới, nhưng so với những năm trước là không đáng kể. Giờ ngoài đóng tàu, làng nghề còn làm thêm nghề mộc gia dụng nên công việc vẫn tiếp tục được duy trì”.

Chồng chất khó khăn

Không sản xuất quy mô như làng nghề đóng tàu Trung Kiên, ở xã ven biển Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu cũng có tới 7 cơ sở đóng tàu ra đời từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 67 ra đời, tàu vỏ gỗ công suất nhỏ đã không còn được mặn mà như trước, thay vào đó là các tàu vỏ sắt, vỏ gỗ công suất lớn hơn.

Sau nhiều thăng trầm với nghề đi biển, khi giá vật tư tăng cao, sản lượng đánh bắt giảm xuống, nguồn hải sản cạn kiệt dần, nhiều chủ tàu càng ngày càng thua lỗ, dẫn đến bị ngân hàng xiết nợ, có người phải bán tàu để trả lãi, có người đã rao bán nhiều tháng qua nhưng người mua thì không mấy ai mặn mà…

Nếu như trước đây nghề đóng tàu tạo công ăn việc làm cho lực lượng lớn lao động tại địa phương, thì giờ không còn mấy ai còn trụ lại được với nghề, có chăng là những người thợ đã gắn bó lâu năm, tuổi đã cao nên muốn đổi nghề cũng không thể”.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu

Còn ông Nguyễn Văn Đông (54 tuổi) là chủ cơ sở đóng tàu xã Diễn Bích huyện Diễn Châu, cho hay: “Cơ sở ông trước đây có tới 10 công nhân làm việc, nhưng giờ tàu mới không ai đóng, tàu cũ làm ăn càng ngày càng thua lỗ nên không có công việc, họa hoằn lắm đó là những chiếc tàu còn trụ được đến giờ, nên ông vừa làm chủ nhưng cũng là thợ sửa chữa”.

6(1).jpg
Làng nghề đóng tàu Trung Kiên giờ chủ yếu sửa chữa và làm mộc dân dụng, những xác tàu cũ nát nằm nép mình ở mép sông.

Xã Diễn Bích trước đây có 4 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu, nhưng giờ chỉ có một cơ sở của ông Đông còn hoạt động cầm chừng., để sửa chữa các tàu hư hỏng của ngư dân trong vùng.

Còn anh Lê Hùng Phi, chủ tàu cá đang sửa chữa cũng ngậm ngùi chia sẻ: “Từ Tết đến giờ tàu ra khơi đánh bắt nhưng tôi không có tiền mang về, may mắn chỉ phục vụ đủ trang trải tiền dầu và sửa chữa hư hỏng.

Vậy nên thanh niên ở làng giờ không mấy ai gắn bó với nghề đi biển nữa, thay vào đó họ chọn đi làm công nhân hay đi xuất khẩu lao động với tương lại tươi sáng hơn”.

Anh Phi mua lại tàu cá cũ năm 2012 với giá 350 triệu đồng. Sau nhiều năm bám biển cùng bạn thuyền có phần gặp may mắn. Thế nhưng, những năm gần đây, anh đã phải suy nghĩ tìm công việc mới khi nghề đi biển ngày một khó khăn.

Minh chứng cho những gì vừa nói, anh nhẩm tính về số phận những con tàu tiền tỷ như tàu cá của anh Nguyễn Văn Phúc (SN 1974) lúc đóng mới trị giá 1,7 tỷ đồng, giờ rao bán 650 triệu đồng; hay tàu anh Đặng Văn Chuyền (xóm Hải Nam xã Diễn Bích), đóng mới 1,7 tỷ đồng, giờ rao bán 480 triệu đồng, đều do đi biển thua lỗ, và cách không xa nơi anh sửa tàu là con tàu khác được che phủ bạt đang rao bán để trả nợ ngân hàng.

2-1-.jpg
5.jpg
Càng đi biển càng thua lỗ, tàu cá của ngư dân Diễn Châu neo đậu kín ở lạch.

Để có được “ngôi nhà thứ hai” ấy, anh Phi cũng như biết bao ngư dân khác đã phải cầm cố đất đai, nhà cửa hay phải vay mượn nhiều nơi khác để có thể vươn khơi bám biển.

Đó không chỉ là niềm mơ ước của anh Phi, mà còn là cột mốc sống để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc, thế nhưng giờ đây biết bao ngư dân đang trăn trở tìm hướng đi mới cho mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở hướng đi cho làng nghề đóng tàu thuyền truyền thống