Sức Khỏe

Trầm cảm nặng vì áp lực công việc

Nguyên Thảo 25/10/2023 - 18:26

Sau khi liên tục thức đêm làm việc, người phụ nữ chán nản, tuyệt vọng, nhiều lần nghĩ đến cái chết. Tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có hội chứng trầm cảm rất nặng.

Chị L.T.S. (40 tuổi, ở Hà Nội), nhập viện trong tình trạng buồn chán, có ý định tự tử. Chị S. có cuộc sống gia đình yên ấm, chồng hết mực yêu thương, không có tiền sử các bệnh tâm thần.

Khoảng 3 tháng qua, chị S. phải làm tăng ca nhiều. thậm chí có ngày 3 - 4h sáng chị mới ngủ. Một tháng chị S. sút 5kg, cơ thể mệt mỏi, mất ngủ kéo dài. Chị S. chán ăn, luôn thấy tương lai ảm đạm, tuyệt vọng và nhiều lần nghĩ tới cái chết.

dieutri.jpeg
Bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần.

Chồng chị S. nhận thấy vợ có nhiều dấu hiệu bất thường nên đã đưa đến Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thăm khám.

ThS.BS Ngô Tuấn Khiêm - Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán đã bị trầm cảm ở giai đoạn nặng, không có các triệu chứng loạn thần nhưng có ý định tự sát. Chị S. được kê thuốc phối hợp với liệu pháp điều trị tâm lý.

Sau 15 ngày, bệnh nhân đã cải thiện nhiều. Bệnh nhân đỡ buồn chán, bi quan, hết ý tưởng tự sát, ăn ngon miệng hơn, đêm ngủ tốt. Đồng thời tư vấn cho người thân cần loại bỏ tất cả các vật có khả năng gây hại như các vật sắc nhọn để hạn chế nguy cơ bệnh nhân có thể tự sát.

Ngoài ra, các bác sĩ đã giải thích cho người nhà phối hợp cùng nhân viên y tế theo dõi sát bệnh nhân 24/24h. Theo dõi chặt chẽ bệnh nhân, đặc biệt là vào ban đêm và những lúc trời rạng sáng. Hiện bệnh nhân đã được xuất viện về gia đình theo dõi và tái khám theo lịch hẹn.

BS Khiêm cho biết thêm, bất kỳ ở độ tuổi nào cũng có nguy cơ rối loạn trầm cảm. Trường hợp như chị S. gần đây do công việc căng thẳng, thức khuya dẫn đến stress. Bệnh nhân không tự điều chỉnh được cảm xúc, rơi vào trầm cảm và muốn tự sát.

Theo BSCK2 Nguyễn Thị Ái Vân - Viện Sức khỏe Tâm thần, trầm cảm là rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện bằng cảm xúc buồn, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ, ăn uống, kém tập trung. Bệnh kéo dài và tái diễn, ảnh hưởng đến cuộc sống và chức năng của người bệnh.

Thống kê của WHO cho thấy, trầm cảm là nguyên nhân hàng thứ 3 của gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới trong năm 2004 và sẽ chuyển sang vị trí dẫn đầu vào năm 2030. Tỉ lệ tử vong được tiêu chuẩn hóa do tự sát ở bệnh nhân trầm cảm tái diễn là 20,9 ở nam và 27,0 ở nữ, tức là các bệnh nhân nam và nữ mắc trầm cảm có nguy cơ tự sát hoàn thành cao gấp 20,9 và 27 lần so với quần thể dân số chung.

Nguy cơ tử vong sau nhồi máu cơ tim ở các bệnh nhân trầm cảm cũng cao hơn và liên quan đến mức độ trầm cảm. Rối loạn trầm cảm cũng liên quan đến giảm năng suất công việc và tăng nguy cơ nghỉ việc, qua đó gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Trầm cảm gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự bền vững trong tình cảm gia đình, dẫn đến ly thân hoặc ly hôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trầm cảm nặng vì áp lực công việc