35% bệnh nhân rối loạn giấc ngủ gặp một vấn đề rối loạn tâm thần. Người mất ngủ có nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 4 lần người không có mất ngủ.
Chị D. (42 tuổi, ở Hải Dương) đến Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám vì bị mất ngủ.
Là một giáo viên, chị D. có tiền sử khỏe mạnh. Gần một năm nay, chị có biểu hiện ngủ ít dần. Khoảng 3 tháng gần đây, tình trạng này càng nặng hơn, mỗi đêm chị chỉ ngủ được 2-3 tiếng, khó vào giấc ngủ hơn, ngủ chập chờn.
Tình trạng mất ngủ kéo dài khiến chị mệt mỏi nhiều, đau đầu, khó tập trung vào công việc hơn, hay lơ đãng, dễ nổi cáu, ăn kém ngon miệng, sụt mất 2kg trong 2 tháng. Nhiều lần học sinh hỏi bài nhưng chị không chú ý.
Lo lắng cho sức khỏe, chị D. đã đi khám ở bệnh viện tuyến dưới, có dùng thuốc 1 tháng, tình trạng mất ngủ vẫn không cải thiện mà bệnh nhân ngày càng trở nên nhạy cảm hơn, tiếng động nhỏ cũng làm tỉnh giấc và không ngủ lại được. Điều này khiến chị không dám ngủ chung giường với chồng vì chồng ngủ ngáy.
BSCKII Phạm Công Huân - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chẩn đoán bệnh nhân mắc chứng rối loạn giấc ngủ, phải nhập viện điều trị. Sau 7 ngày dùng thuốc kết hợp với liệu pháp thư giãn luyện tập, vệ sinh giấc ngủ, trị liệu tâm lý, tình trạng của bệnh nhân cải thiện, mỗi tối ngủ được 5-6 tiếng, ngủ sâu giấc hơn.
BSCKII Đoàn Thị Huệ - Phó Trưởng phòng M8, Viện Sức khoẻ tâm thần cho biết, số lượng bệnh nhân gặp rối loạn giấc ngủ tới Viện Sức khỏe tâm thần khám khá cao. Một buổi khám khoảng 20 bệnh nhân thì trên 50% có vấn đề rối loạn giấc ngủ.
Mới đây, bác sĩ Huệ tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân cứ lên giường là có cảm giác khó ngủ.
Trường hợp thứ nhất nữ bệnh nhân khi lên giường là có cảm giác như dòi bò trong chân không thể ngủ được. Với bệnh nhân này cần phải khám chuyên sâu để loại trừ hội chứng chân không yên. Hội chứng này thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn và tăng theo tuổi.
Trường hợp thứ hai, bệnh nhân cứ lên giường là hồi hộp khó ngủ. Bệnh nhân được bác sĩ cho thuốc uống nhưng tình trạng càng nặng thêm.
Theo bác sĩ Huệ, hội chứng chân không yên liên quan đến rối loạn thần kinh, làm xuất hiện những cơn xung động thần kinh không kiểm soát xuống chân. Tình trạng bứt rứt ở chân không diễn ra liên tục, thường gặp ở buổi tối hoặc khi đang ngủ, gây phá vỡ giấc ngủ. Điều này khiến người bệnh thiếu ngủ.
"Sau khi khai thác thêm, các bệnh nhân này có rối loạn lo âu gây ra mất ngủ nặng. Bệnh nhân sau khi được chẩn đoán điều trị đã cải thiện tình trạng mất ngủ", bác sĩ Huệ thông tin.
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng liên quan đến các vấn đề về chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ khiến người bệnh bị mệt mỏi vào ban ngày và suy giảm chức năng. Có nhiều rối loạn giấc ngủ khác nhau, trong đó mất ngủ là phổ biến nhất.
Những năm gần đây, có khoảng 80% bệnh nhân đến khám được phát hiện rối loạn giấc ngủ liên quan tới sự căng thẳng trong cuộc sống như mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ, ác mộng… Trong đó 5%-6,7% mất ngủ nặng có trầm cảm, lo âu; 14,6% trầm cảm cơ thể.
Theo thống kê, 35% bệnh nhân bệnh nhân rối loạn mất ngủ có một rối loạn tâm thần và một nửa trong số đó là rối loạn cảm xúc. Mất ngủ là yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm, gấp 3,95 lần so với không có mất ngủ…
Nguyên nhân của mất ngủ có thể liên quan đến nhiều vấn đề bệnh lý mạn tính, như bệnh tim và tiểu đường. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề bệnh thể chất hoặc các bệnh lý hệ thần kinh, như suy tim sung huyết, viêm xương khớp và bệnh Parkinson... Ngoài ra, có một số bệnh nhân mất ngủ do sử dụng thuốc hay các tác nhân khác như rượu, caffeine, theobromine, methyl xanthenes…
Để điều trị rối loạn giấc ngủ, theo các bác sĩ, bệnh nhân cần được hướng dẫn về thói quen ngủ lành mạnh, tạo thói quen ngủ đúng quy tắc; duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, kết hợp thể dục, tránh sử dụng các chất kích thích…
Một biện pháp điều trị chứng mất ngủ có thể kể đến là liệu pháp thư giãn. Theo đó, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ hướng dẫn thở bằng cơ hoành, phản hồi sinh học, hình ảnh và thiền định. Bệnh nhân thực hiện bài tập hít thở sâu, sau đó là căng và thư giãn xen kẽ các nhóm cơ (ví dụ: cánh tay, cổ, lưng, chân) trên toàn cơ thể, hướng dẫn chú ý đến cảm giác thư giãn sau quá trình so với cảm giác căng thẳng trước đó và thực hành kỹ thuật này một lần trong ngày và trước khi đi ngủ.