Ký sự pháp đình

Trả giá vì ghen…

Trang Trần 01/01/2024 - 13:12

Đối với Trần Phi Tùng, thực sự yêu một người là luôn muốn gói người mình yêu vào trong tầm mắt. Chính vì quá cực đoan, Tùng đã dùng hết cả tương lai của mình mong đổi lấy tình yêu.

Người ta nói Trần Phi Tùng (SN 1995, trú huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) là kẻ lụy tình, người lại nói chỉ có điên mới gọi cái kiểu hành xử của Tùng là yêu. Người cảm thông, người chỉ trích, nhưng với Tùng đều không quan trọng, bởi lẽ chỉ cần nghĩ đến người con gái ấy, lòng Tùng thấy ấm áp, vui vẻ thì Tùng sẽ bỏ ngoài tai tất cả.

Trần Phi Tùng đã từng thừa nhận, ngay thời khắc mắt chạm mắt với cô gái Nguyễn Thị Tuyền (SN 2001, trú quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) là bản thân “mắc” vào lưới tình đầy cám dỗ. Tình yêu của Tùng dành cho Tuyền có dịu dàng, có ấm áp nhưng lại dư thừa tính sở hữu. Và cũng chính cái thói ghen tuông vô đối ấy đã biến Tùng từ một thanh niên hiểu chuyện thành một người ích kỷ, tàn độc.

tra-gia-sau-con-ghen.jpg
Trần Phi Tùng phải trả giá vì ghen tuông mù quáng.

Trần Phi Tùng là đầu bếp của một quán nhậu, còn Nguyễn Thị Tuyền là nhân viên phục vụ. Mặc dù làm việc cùng một chỗ nhưng hai người hai vị trí khác nhau, tính chất công việc cũng khác nhau, ấy vậy mà ánh mắt của Tùng lúc nào cũng khóa chặt lấy Tuyền.

Những lúc Tuyền nâng ly mời khách, những lúc thấy Tuyền cười với người khác giới, ánh mắt ấy lại như than nóng ném về phía người con gái đó. Lý do Tùng đưa ra để giải thích đơn giản, ngắn gọn… vì quá yêu.

Vì yêu, Tùng tự cho mình có quyền được nói, thậm chí có quyền được “tác động vật lý” để người yêu hạn chế giao lưu với người đàn ông khác ngoài Tùng. Một lần, hai lần… Tuyền có thể mắt nhắm mắt mở cho đó là hành động vì yêu, nhưng số lần cứ cộng rồi nhân lên khiến cô bắt đầu kháng cự.

Những cuộc cãi vã nảy lửa, những lần “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” không còn giấu giếm, cuối cùng chủ quán cho cả hai nghỉ việc. Hai công việc, hai nơi làm mới khác nhau tưởng rằng sẽ giúp cho Tùng “mắt không thấy, tim không đau” nhưng hóa ra sự tưởng tượng lại càng dày vò Tùng hơn.

Những hành động gây tổn thương về thể xác, những câu nói khiến con tim vỡ vụn, những lời đe dọa nghe đến ám ảnh… cuối cùng đã khiến Tuyền quyết định buông bỏ và đề nghị chia tay. Dù không muốn nhưng Tùng không thể làm gì khác.

tra-gia-sau-con-ghen-1.jpg
Yêu đúng cách sẽ hạnh phúc, yêu sai cách và cố chấp đều phải trả giá, Tùng chính là vậy.

Tùng tạm rời Đà Nẵng về quê, cốt là để tịnh tâm cũng là muốn thử xem rốt cuộc “xa mặt có cách được lòng”. Theo lời của Tùng, “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, Tuyền gửi cho Tùng những hình ảnh cô đi chơi, thân mật cùng người đàn ông khác. Điên chính là cảm xúc lúc đó của Tùng.

Tối ngày 06/8/2023, Tùng nhắn tin cho chị Tuyền trách móc, chửi và đe dọa với nội dung “đời mi coi như tan rồi đó”. Tùng đã nảy ra ý nghĩ điên rồ “không sống được với nhau thì chết cùng nhau” cũng bắt đầu từ đó.

Khoảng 7 giờ ngày 07/8/2023, Tùng đón xe khách từ Huế vào Đà Nẵng. Khoảng 08 giờ cùng ngày, Tùng đến chợ Hòa Cầm và thấy chị Tuyền đang đứng bán hàng, Tùng đi đến áp sát từ phía sau lưng đấm một cái vào đầu. Tùng đè người chị Tuyền xuống bàn, tay phải lấy con dao trên bàn (dao dùng để chặt dừa) chém liên tiếp 3-4 nhát vào vùng đàu, vùng cổ chị Tuyền.

Bị chém, chị Tuyền la hét và dùng hai tay ôm cổ, Tùng bỏ dao xuống, đấm tiếp một cái vào đầu chị Tuyền. Sau đó, Tùng cầm dao tiếp tục chém vào vùng cổ của chị Tuyền, rồi dùng dao tự chặt vào cổ của mình 5 nhát để tự tử.

Trong hàng ngàn cái rủi vẫn còn lại một cái may, đó là con dao dùng để gây án của Tùng không đủ sắc nên giữ lại được mạng của hai người. Chị Tuyền bị thương tích 10%. Vết thương ấy cũng là dấu chấm hết, hết một cách dứt khoát đoạn tình cảm của hai người.

Phiên tòa xét xử Tùng được TAND TP. Đà Nẵng tổ chức lưu động với mục đích tuyên truyền pháp luật rộng rãi đến người dân. Hành vi phạm tội của Tùng vì động cơ đê hèn, Tùng đã phải trả giá bằng 10 năm 6 tháng tù.

Cái tin Tùng phạm tội “Giết người” khiến gia đình ở quê bàng hoàng, người thân ngã gục nhưng lại không hoàn toàn khiến những người quen của Tùng tại Đà Nẵng quá ngạc nhiên. Đơn giản, trong số đó đã có người khuyên Tùng đừng quá mù quáng khi yêu, đi được với người mình yêu đến hết cuộc đời thì cần có đủ duyên và đủ nợ. Họ cũng đã hết lời khuyên Tùng dừng lại trước khi quá muộn, đừng để đến lúc phải dùng đến hai chữ “giá như”… Tại phiên xét xử ngày hôm ấy, anh trai Tùng khóc nức nở như một đứa trẻ khi chạm mặt em trai của mình.

“Bị cáo có còn nghĩ đến bị hại, có còn tình cảm với bị hại?”, sau câu hỏi của vị Hội thẩm, Tùng trả lời dõng dạc “dạ còn”. “Còn? Người ta không yêu, nói lời chia tay rồi thì thôi đi, sao lại cố chấp mê muội. Bị cáo nói còn yêu, còn nghĩ vậy bị cáo có nghĩ đến gia đình, nghĩ đến tình cảm người thân dành cho mình. Bị cáo nhìn anh trai ngồi đó không, đau lòng vì mình như thế, bị cáo thấy có xứng đáng…”, lời vị Hội thẩm khiến Tùng cứng miệng, ấp a ấp úng mãi không thốt ra được lời nào tử tế.

Ghen tuông một chút có thể làm cho tình yêu trở nên thi vị. Tùng trong câu chuyện trên vì yêu mà trở nên cố chấp, vì ghen tuông mù quáng mà đã đánh mất hoàn toàn lý trí để rồi bây giờ phải hối tiếc.

(Tên bị hại đã được thay đổi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trả giá vì ghen…