Những giọt nước mắt muộn màng, những lời nói sau cùng đầy ân hận của các bị cáo trong vụ án đưa - nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn và một số địa phương khác không chỉ là dấu chấm hết cho sự nghiệp của nhiều cựu quan chức, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm, danh dự và cái giá phải trả khi đánh đổi đạo đức để chọn lối đi sai.
Một phiên tòa không ai chối tội - chỉ còn những lời xin lỗi nghẹn ngào
Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Hậu, cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn – cùng gần 40 bị cáo khác, trong đó có nhiều cựu lãnh đạo cấp cao của các địa phương như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi… đã bước vào phần nghị án. Tuy chưa tuyên án, nhưng phiên xử đã khép lại với dư âm nặng trĩu.
Khác với những phiên tòa mà ở đó, người ta tìm đủ lý lẽ để bao biện, lẩn tránh trách nhiệm, tại đây, không có ai phủ nhận sai phạm. Không ai quanh co, chối bỏ. Chỉ còn lại những lời xin lỗi muộn màng, những ánh mắt ngấn lệ, những giọng nói trầm đục đầy ân hận và tiếc nuối.
Bị cáo Nguyễn Văn Hậu - người bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án lên đến 30 năm tù với 3 tội danh đã là người đầu tiên bày tỏ sự đồng thuận với bản luận tội. Không một lời tranh cãi. Không kêu oan. “Tôi đồng tình, đồng thuận, nhất trí với bản luận tội của Viện Kiểm sát. Tôi không có ý kiến gì thêm, chỉ mong được khoan hồng để có thể chuộc lại lỗi lầm…”, bị cáo nghẹn ngào nói.
Có lẽ, ở khoảnh khắc đó, bị cáo Hậu không còn là một doanh nhân từng nổi danh trong giới đầu tư và bất động sản. Hậu chỉ là một người đàn ông đang gánh trên vai trách nhiệm với 40 con người khác - những người vì Hậu mà trượt dài trong vòng xoáy sai phạm. “Tôi xin lỗi họ. Xin lỗi người thân của họ. Xin lỗi vì tôi là người đứng đầu và đã đẩy họ vào vòng lao lý.”
Khi các luật sư khuyên nên tạm dừng khắc phục hậu quả để đợi phiên phúc thẩm, bị cáo Hậu vẫn quyết định làm điều ngược lại. Từ tâm nguyện cá nhân và trách nhiệm với những người cùng bị truy tố, bị cáo đã chủ động vận động đối tác nộp đủ 770 tỷ đồng vào tài khoản thi hành án.
“Tôi không muốn chờ đợi thêm. Tôi muốn sớm khắc phục để phần nào giảm nhẹ cho những người khác trong vụ án này” - bị cáo Hậu nói, mắt đỏ hoe. Cử chỉ đó, dù muộn, nhưng ít nhiều cho thấy sự thành tâm và phần lương tri thức tỉnh.
Bị cáo Hậu kể lại, ngày bị khám xét, điều tra viên hỏi bị cáo tại sao mua gần 10.000 cây vàng mà chỉ còn lại 500 cây. Bị cáo Hậu đáp rằng phần lớn số vàng ấy bị cáo đã dùng để làm nhà cho người nghèo, bởi “nghĩ chết cũng không mang theo được gì”. Một chi tiết khiến nhiều người trong khán phòng lặng đi.
Cũng trong lời sau cùng, bị cáo Hậu nhắc đến người cha quá cố - người đã trao cho Hậu 4 chữ dạy đời: “Hiếu, Nghĩa, Nhân, Đức”. “Khi tôi mới bước chân ra đời buôn bán, bố tôi nói: Hãy sống sao để khi sinh ra con khóc, mọi người cười; khi chết đi, mọi người khóc, mình con cười”.
Bị cáo Hậu cũng cho biết “từ lời dạy của cha, bị cáo đã cố gắng phấn đấu, làm việc nhưng trên đời không ai không có sai sót. Tôi đã phải trả giá bằng việc hơn 1 năm ngồi trong bốn bức tường giam".
“Xin được sự tha thứ”: Nỗi lòng của một cựu Bí thư Tỉnh ủy
Trong danh sách bị cáo, bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - là một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, nhưng cũng là một trong những nhân vật khiến công luận đau lòng nhất khi nhắc đến sai phạm.
Nói lời sau cùng, bị cáo Lan bật khóc: “Bị cáo nhận thức rõ sai phạm, những tổn thương gây ra cho tổ chức, cho Đảng, cho nhân dân và cho gia đình. Tôi xin lỗi Tổng Bí thư, xin lỗi Đảng bộ, xin lỗi người dân Vĩnh Phúc”.
Bị cáo Lan cho biết, bị cáo đã chủ động nộp lại toàn bộ số tiền có được từ hành vi phạm tội. “Đó là cách duy nhất để vơi bớt nỗi lòng ân hận giày vò”, bị cáo nói trong nước mắt.
Nỗi đau lớn nhất với bị cáo Lan là từ ngày bị bắt, bà chưa được gặp lại người mẹ già, trong khi con nhỏ lại bị khuyết tật về mắt. “Bị cáo tha thiết xin được trở về, có cơ hội chăm sóc mẹ, nuôi con. Xin được tha thứ”.
Bà cũng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Hậu và các bị cáo khác, vì cho rằng “sai thì phải chịu, nhưng những người này đã làm rất nhiều điều tốt, họ xứng đáng có cơ hội sửa sai”.
Danh dự, sự nghiệp và tự do - tất cả đều mất sau một quyết định sai lầm
Bị cáo Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói rằng, gần 500 ngày bị tạm giam là quãng thời gian đủ để bị cáo nhìn nhận lại toàn bộ chặng đường mình đi qua. “Tôi đã mất tất cả. Danh dự, sự nghiệp, tự do - tất cả đều không còn. Đây là bài học quá đắt”, bị cáo Thành nói.
Bị cáo xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và đặc biệt gửi lời xin lỗi đến những người từng tin tưởng, kỳ vọng vào mình.
Cựu Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cũng dành nhiều lời nói về vai trò của Tập đoàn Phúc Sơn trong sự phát triển của địa phương, đồng thời bày tỏ lòng trân trọng với người thủ trưởng cũ - bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan - “người đã vượt qua nhiều hoàn cảnh để lãnh đạo tỉnh”. Bị cáo Thành mong Hội đồng xét xử lượng hình cho tất cả bị cáo của tỉnh Vĩnh Phúc để “có thể sớm trở về với gia đình”.
Ngoài các cựu lãnh đạo ở Vĩnh Phúc, nhiều bị cáo khác cũng có phần nói lời sau cùng đầy xúc động. Bị cáo Lê Viết Chữ, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi - chia sẻ: “Tôi đã nhiều đêm mất ngủ, trăn trở về những điều sai trái mình gây ra. Giờ đây chỉ mong được tha thứ, sớm trở về bên mẹ – một người mẹ già 91 tuổi, vợ liệt sĩ, đã hy sinh cả đời nuôi tôi khôn lớn”.
Bị cáo nghẹn ngào đọc câu thơ: “Mẹ tôi như nhánh mạ gầy, hóa thân thành bát cơm đầy nuôi tôi...” khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Còn bị cáo Đặng Trung Hoành, một cán bộ cấp huyện đã nói với giọng run run: “Tôi không phải người nổi tiếng, không có quyền lực lớn, nhưng tôi cũng đã sai. Tôi xin một cơ hội để sửa sai, để tiếp tục sống có ích”.
Sống sao để không phải nói hai chữ “Giá như”
Dù bản án chính thức chưa được tuyên, nhưng bài học từ phiên tòa đã quá rõ ràng. Đó không chỉ là bản án pháp lý, mà còn là bản án của lương tri, bản án của niềm tin đã mất, của trách nhiệm bị đánh đổi vì lòng tham và sự buông lỏng kỷ cương.
Những giọt nước mắt đã rơi - không phải vì hối tiếc cho sự nghiệp, mà là lo lắng cho mẹ già, cho đứa con thơ dại, cho những người thân yêu chưa hề chuẩn bị lời từ biệt. Có những lời xin lỗi được thốt ra giữa hàng trăm người, nhưng có lẽ vẫn không đủ xóa đi những tổn thương cho người dân, cho tổ chức, cho chính họ.
Những hình ảnh, câu nói đắng lòng tại phiên tòa mãi mãi còn như lời cảnh tỉnh, nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy sống sao để khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ta không phải thốt lên hai chữ “giá như…”. Hãy làm việc bằng cái tâm trong sáng, để lương tâm không bị dằn vặt. Pháp luật nghiêm minh, nhưng cũng đầy đủ tính nhân văn - luôn mở đường cho những người biết hối lỗi và sẵn sàng sửa sai.
Qua vụ án này, có lẽ điều lớn nhất còn đọng lại không phải là những con số trong bản luận tội, mà là sự thức tỉnh cho mỗi người chúng ta, từ một công dân bình thường đến người có chức quyền.
Hãy sống và làm việc một cách có trách nhiệm, trung thực, tuân thủ pháp luật, để không ai phải trả giá bằng chính những tháng năm của cuộc đời mình. Đừng đợi đến khi mất tất cả - danh dự, tự do, gia đình mới biết trân quý hai chữ: Lương tâm.