Lãnh đạo TP.HCM khẳng định phải đảm bảo giãn cách "chặt trong chặt ngoài" thì mới giảm được lây nhiễm. Thực hiện được giãn cách là mấu chốt để kìm hãm, giảm nhanh F0 thời gian tới.
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp
Ngày 13/8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi và Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức đã chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông Đức, còn vài ngày nữa (ngày 15/8) TP sẽ kết thúc đợt hai thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch bệnh tại TP vẫn diễn biến phức tạp. Bình quân trong 7 ngày từ 5/8 đến nay, trung bình có 3.687 ca nhiễm/ngày, hầu hết nằm trong các khu phong tỏa, cách ly.
Hiện TP có 62.986 ca F0, đã điều trị khỏi 32.629 ca; có 1.558 ca nặng và 16 ca trong tình trạng nguy kịch; có 10.221 ca F0 không triệu chứng, 12.000 ca F0 điều trị trên 7 ngày, có thể về cách ly theo dõi tại nhà.
Tỷ lệ tử vong trung bình mỗi ngày 241 ca trong thời gian gần đây.
“Trước tình hình trên, TP tập trung nâng cao hiệu quả điều trị và đặt mục tiêu trong thời gian tới phải giảm được tỷ lệ tử vong. Trong đó, kiên quyết giảm ca bệnh nặng từ tầng 2 và 3 để giảm áp lực cho các tầng trên, từ đó sẽ giảm được tỷ lệ tử vong”, ông Đức chia sẻ.
TP.HCM đã phối hợp với Bộ Y tế đưa vào hoạt động thêm 4 trung tâm hồi sức tích cực quy mô 1.750 giường; nâng cao năng lực của Trung tâm cấp cứu 115; thành lập 5 cơ sở cấp cứu vệ tinh của Trung tâm cấp 115.
Nhận định chung, ông Dương Anh Đức cho rằng dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, số ca nhiễm tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, khả năng sau thời gian kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tăng cường (sau ngày 15/8), số ca nhiễm vẫn ở mức trên 3.000 ca mỗi ngày.
Giảm số ca nhiễm tại khu phong tỏa
Theo ông Đức, có thể thấy tình hình các ca bệnh trong thời gian qua đã đi ngang, nhưng số ca tử vong vẫn rất cao.
"Do đó, chúng ta sẽ phải tập trung các biện pháp mạnh mẽ để giảm số ca tử vong. Trước tiên, phải làm sao giảm được số ca F0 có nguy cơ trở nặng. Vì vậy, TP cần tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, đây là biện pháp quan trọng nhất.
Khi chúng ta đảm bảo được việc giãn cách xã hội, đảm bảo được việc cách ly nhà với nhà, đặc biệt trong các khu phong tỏa (ở đó 80% ca F0 được phát hiện) thì lúc đó mới thật sự giảm được số ca F0 phát sinh ở khu vực phong tỏa", ông Dương Anh Đức nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch TP.HCM, muốn làm được điều đó, những nhà đang không có F0 phải nghiêm túc thực hiện phòng, chống dịch để không bị nhiễm bệnh. Trong trường hợp không may có F0, gia đình đó phải ý thức không được để phát sinh và lây lan trong cộng đồng.
Tuy nhiên thời gian qua, phần lớn trong một gia đình có 1 F0 thì hầu như cả gia đình đều bị F0. Vì vậy, biện pháp giảm F0 cần siết chặt, đặc biệt trong khu phong tỏa. Đây là điểm mấu chốt kìm hãm và giảm mạnh số F0 trong thời gian sắp tới. Chỉ cần giảm 50% số ca F0 tại khu vực phong tỏa thì sẽ giảm được hàng ngàn ca F0 tại khu vực này.
TP sẽ luôn đảm bảo việc “chặt trong, chặt ngoài”, thực hiện được mục tiêu kìm hãm và giảm F0 trong thời gian tới, vì khoảng 70-80% ca nhiễm là trong khu phong tỏa.
Giữ vững thành quả, phát huy tốt mô hình “vùng xanh”, nâng cao ý thức mỗi người dân là một chiến sĩ, bảo vệ và từ từ mở rộng “vùng xanh”, tiến tới xanh hóa toàn TP.
Xây dựng kế hoạch kiểm soát dịch trước ngày 15/9
Tại buổi họp báo, ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, TP đang xây dựng kế hoạch tăng cường phòng chống dịch trong giai đoạn từ 15/8 đến 15/9. Trong đó, phân ra hai giai đoạn từ 15/8 đến cuối tháng 8 và 1/9 đến 15/9.
"Kế hoạch được xây dựng theo hướng TP tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng", ông Phan Văn Mãi thông tin.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ thêm, trong thực tế, TP đã nỗ lực đẩy lùi dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp. Từ nay đến ngày 15/9 là mốc thời gian ngắn, toàn địa bàn cần cố gắng để từng bước chuyển biến tình hình.
"Ngay cả khi kiểm soát được tình hình trước ngày 15/9, chúng ta vẫn cần thêm một khoảng thời gian nữa tập trung phòng, chống dịch bệnh. Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần khó khăn sẽ kéo dài hơn nữa, sau ngày 15/9", Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM quán triệt.
Theo đó, từ nay đến 30/8 cố gắng sàng lọc đánh giá cụ thể địa bàn để khu trú cho đúng thực hiện các khu phong tỏa, có phân định "vùng xanh, vùng đỏ" trên bản đồ Covid-19 để thực hiện những biện pháp giãn cách phù hợp để không ảnh hưởng đến việc lây lan trong cộng đồng.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nguy cơ còn kéo dài, ông Mãi khuyến cáo: “Người dân cần chuẩn bị tâm lý "trường kỳ kháng chiến" với dịch Covid-19 dài hơn ở những cấp độ khác nhau. Ở nhiều quốc gia đã phải thực hiện giãn cách xã hội rất nhiều tháng mới nỗ lực kiểm soát tình hình”.