Ngày hội việc làm – VLU’S JOB FAIR quy tụ hơn 300 doanh nghiệp, mang đến hơn 11.000 cơ hội việc làm và thực tập trong nước và quốc tế cho sinh viên TP.HCM.
Ngày 12/4, tại trường Đại học Văn Lang, TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM phối hợp tổ chức Ngày hội việc làm VLU’S JOB FAIR 2025.
Chủ đề “SUSTAINABILITY” của ngày hội gắn với cam kết đào tạo sinh viên toàn diện, không chỉ vững chuyên môn mà còn sở hữu tư duy dài hạn, năng lực ứng biến và sẵn sàng hội nhập thị trường lao động hiện đại.
Ngày hội việc làm là sự kiện thường niên nhằm kết nối doanh nghiệp – sinh viên, là cầu nối giúp sinh viên hiểu rõ nhu cầu thị trường, phát triển kỹ năng nghề nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm. Từ đó, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận sớm với nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.
Sự kiện năm nay quy tụ hơn 300 doanh nghiệp, mang đến hơn 11.000 cơ hội việc làm và thực tập trong nước và quốc tế, dự kiến thu hút hơn 24.000 lượt sinh viên tham gia trực tiếp và trực tuyến trong suốt tháng diễn ra hoạt động.
Có mặt tại ngày hội việc làm, Anh Kiệt, sinh viên năm 4 ngành Logistics trường Đại học Văn Lang đặt mục tiêu tìm kiếm được việc làm phù hợp sau khi ra trường.
"Công việc em đang hướng đến là nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu, mức lương khoảng 8 triệu đồng trở lên. Hiện tại, nếu đi phỏng vấn, em tự tin khoảng 50%. Bản thân em thấy rằng, ngày hội việc làm là cơ hội để những sinh viên sắp ra trường như em được tiếp cận với các doanh nghiệp hàng đầu, được thử sức phỏng vấn và tìm kiếm việc làm cho tương lai", Anh Kiệt nói.
Là sinh viên năm 3 ngành Quản trị kinh doanh của trường Đại học Văn Lang, Đỗ Như đến ngày hội việc làm để nhờ các chuyên gia tư vấn, hướng dẫn và chỉnh sửa CV xin việc, đồng thời nắm bắt nhu cầu tuyển dụng.
"Em tham khảo trên mạng và tự hoàn thiện CV nhưng mọi người nhận xét chưa ổn nên em mang đến đây để nhờ các nhà tuyển dụng cho ý kiến thêm. Sáng nay, em cũng tranh thủ đi phỏng vấn ở một vài gian hàng", Đỗ Như nói.
Bên cạnh hoạt động phỏng vấn tuyển dụng, ngày hội còn diễn ra Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa trường Đại học Văn Lang với nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực mũi nhọn, nhằm mở rộng chương trình kiến tập – thực tập và định hướng nghề nghiệp dài hạn tạo nền tảng phát triển nghề nghiệp sớm cho sinh viên.
Ngoài ra, còn có Tọa đàm “Sustainable Career Path – Con đường sự nghiệp bền vững”; Workshop “Việc làm Remote: Bí quyết chinh phục cơ hội nghề nghiệp tại các công ty nước ngoài”; cuộc thi CV Challenge; cổng việc làm trực tuyến EJOB – Điểm chạm kết nối sự nghiệp số...
Anh Lê Nguyễn Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM cho biết, trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh ngày càng khốc liệt và liên tục thay đổi xu hướng khi công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) được áp dụng ngày càng sâu rộng trong doanh nghiệp.
Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM cùng các đơn vị cam kết đồng hành, trang bị cho sinh viên kỹ năng, tư duy sáng tạo và sự thích ứng với thời đại số để các bạn tự tin, chủ động nắm bắt cơ hội và thành công trên hành trình chinh phục nghề nghiệp.
Dự báo năm 2025, TP.HCM cần khoảng 310.000 – 330.000 lao động, với nhu cầu tuyển dụng phân bổ theo từng quý như sau: quý I cần 79.000 – 84.000 lao động, quý II cần 77.000 – 82.000 người, quý III cần 75.500 – 80.500 người và quý IV cần 78.500 – 83.500 lao động.
Trong đó, khu vực thương mại – dịch vụ tiếp tục dẫn đầu với 67,7% tổng nhu cầu, ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 31,8%, còn nông – lâm – thủy sản chỉ chiếm 0,5%.
Riêng ngành công nghiệp trọng điểm, nhu cầu nhân lực chiếm 18,6%, trong đó cơ khí chiếm 6,58%, hóa dược 4,96%, chế biến lương thực – thực phẩm 3,99% và sản xuất hàng điện tử 3,07%.
Các ngành dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất gồm bán buôn – bán lẻ, sửa chữa xe (20,77%), thông tin – truyền thông (8,36%), bất động sản (8,17%), khoa học – công nghệ (7,72%), tài chính – ngân hàng – bảo hiểm (4,29%), dịch vụ lưu trú – ăn uống (3,79%), vận tải – kho bãi (3,51%), giáo dục – đào tạo (2,26%) và y tế – trợ giúp xã hội (1,04%).
Về trình độ chuyên môn, nhu cầu lao động qua đào tạo chiếm tỉ lệ áp đảo (88,11%). Trong đó, lao động có trình độ sơ cấp chiếm 34,61%, trung cấp 20,14%, cao đẳng 14,6% và đại học trở lên 18,76%. Chỉ có 11,89% nhu cầu lao động thuộc nhóm phổ thông.