Từ năm 2014 đến nay, TP.HCM đã tiến hành kiểm tra 445 tổ chức, cá nhân vi phạm Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, với tổng số tiền xử phạt hơn 8 tỷ đồng.
Ngày 31/3, tại TP.HCM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị Tổng kết việc thi hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Loan Mười - Phó Chánh Thanh tra Sở Văn hoá & Thể thao TP.HCM cho biết, TP.HCM là nơi hội tụ đa dạng loại hình hoạt động văn hóa và tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng với phương thức hoạt động phong phú và mang tính dịch vụ giải trí cao. Theo thống kê, có khoảng 483 cơ sở kinh doanh karaoke có giấy phép kinh doanh karaoke, 1 cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ vũ trường đang hoạt động và hàng ngàn các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ thu âm, nhà hàng, quán ăn, cà phê, quán bar, beer club, cà phê DJ... có tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn, sử dụng tác phẩm âm nhạc.
Đa số các cơ sở chấp hành quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, nhưng cũng có nhiều cơ sở không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm trả tiền sử dụng tác phẩm cho chủ sở hữu, tác giả, tác phẩm.
Theo ông Mười, công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, chấn chỉnh các hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực văn hóa và thể thao tại TP.HCM luôn được quan tâm, tăng cường triển khai, thực hiện.
Từ năm 2014 đến nay, các lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội Thành phố, TP. Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn, lực lượng kiểm tra chuyên ngành văn hóa trên địa bàn TP.HCM đã tiến hành kiểm tra 445 tổ chức, cá nhân có vi phạm tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 8.164.800.000 đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, TP.HCM gặp một số vướng mắc như: Rất ít khi nhận đơn kiến nghị của chủ thể quyền tác giả, hoặc có nhưng chưa phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý vi phạm; không có thẩm quyền tạm giữ hàng hóa để trưng cầu giám định…
Theo đánh giá của đại diện Bộ VHTTDL, sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP đã góp phần giúp các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; mang tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan trong thời gian qua đã có bước phát triển, hoàn thiện, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua năm 2022; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đã trình Chính phủ.
Theo thống kê, Thanh tra Bộ VHTTDL đã tiến hành 534 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan; xử phạt vi phạm hành chính 447 tổ chức, 3 cá nhân, với tổng số tiền xử phạt 12,8 tỷ đồng. Trong đó, vụ việc bị xử lý vi phạm hành chính chủ yếu tập trung vào hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính, mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, chiếm khoảng 99,5% tổng số vụ việc bị xử lý.