Lễ hội sông nước lần thứ nhất năm 2023 diễn ra trong 3 ngày (4 - 6/8) tại Cảng Sài Gòn - Cảng Hành khách tàu biển, Công viên bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Bình Đông, Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên.
Sáng 12/7, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023. Lễ hội do UBND TP.HCM chỉ đạo tổ chức, Sở Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa và Thể Thao cùng các sở, ngành triển khai thực hiện.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (4 - 6/8) tại các địa điểm: Cảng Sài Gòn - Cảng Hành khách tàu biển, Công viên bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Bình Đông, Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn TP. Thủ Đức và các quận, huyện của TP.HCM.
Trong đó, Lễ khai mạc diễn ra vào ngày 4/8 tại Di tích Cột cờ Thủ Ngữ, quận 1.
Điểm nhấn của lễ hội là chương trình nghệ thuật Lễ hội sông nước TP.HCM với chủ đề “Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện”. Đây không chỉ là chương trình thực cảnh đầu tiên của TP.HCM mà còn là chương trình thực cảnh tái hiện sự hình thành của tự nhiên, con người qua các thời kỳ phát triển của Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM và dòng sông chính là một “nhân chứng” hào hùng.
Ngoài ra còn có không gian “Trên bến dưới thuyền” tại quận 1 (Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè) và quận 8 (khu vực dọc bờ kè tuyến đường Bến Bình Đông, phường 13, quận 8); các hoạt động thể thao dưới nước; hoạt động diễu hành trên sông; không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian; trang trí ánh sáng nghệ thuật các bến tàu, cầu cảng tại khu vực Công viên bến Bạch Đằng và dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè;
Chương trình công bố sản phẩm du lịch đường thủy và tour kích cầu du lịch TP.HCM; hoạt động trang trí các mô hình, cụm tiểu cảnh...
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh: Lễ hội sông nước nhằm quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, hoạt động du lịch và ẩm thực đặc trưng của TP.HCM, qua đó lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho thành phố, góp phần truyền cảm hứng khám phá điểm đến du lịch thành phố tới du khách trong nước và quốc tế.
Đồng thời, phát huy tiềm năng vốn có và khai thác tối đa giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của dòng sông Sài Gòn; thúc đẩy truyền thông và quảng bá về các làng nghề truyền thống, các biểu tượng du lịch và điểm đến văn hóa, giải trí đặc trưng nhất của thành phố, giúp định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc của TP.HCM.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành và lưu trú giới thiệu các sản phẩm dịch vụ du lịch, kết nối hành trình trải nghiệm trên sông và các tour tuyến du lịch từ TP.HCM đến các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ, tạo nên những mô hình kinh tế du lịch đa dạng và phát triển.
TP.HCM có đường bờ biển dài 23km và mạng lưới sông ngòi, kênh rạch khá dày đặc với mật độ lên tới 3,38km/km2; sông Sài Gòn là sông lớn nhất, có 80km chảy qua địa bàn thành phố, là nơi tiếp nhận các tàu biển và các tàu du lịch lớn, có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, đường thủy nội đô, cũng như các tuyến đường sông kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia.